Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên hôm 25-3, trong đó cho thấy đây là loại tên lửa dẫn đường chiến thuật mới của Bình Nhưỡng - Ảnh: AFP
Tuyên bố này được Bí thư Ủy ban trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) Ri Pyong Chol đưa ra trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt tuần này, khi Bình Nhưỡng phóng 2 tên lửa đạn đạo hôm 25-3, chỉ vài ngày sau vụ phóng 2 tên lửa tầm ngắn hôm 21-3.
Triều Tiên dùng các vụ thử nghiệm vũ khí một cách có chiến lược, vừa để hoàn thiện vũ khí vừa để thu hút sự chú ý của quốc tế.
Jean H. Lee (chuyên gia về Triều tiên tại Trung tâm Wilson) bình luận
Tín hiệu gửi Mỹ
Hôm 26-3, Triều Tiên xác nhận vụ phóng này, cho biết quân đội của họ đã tấn công mục tiêu giả định cách khoảng 600km bằng một loại tên lửa dẫn đường chiến thuật mới phát triển sử dụng nhiên liệu rắn.
Đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên của Triều Tiên kể từ khi ông Joe Biden lên làm tổng thống Mỹ và đầu tiên trong khoảng một năm qua. Tuy nhiên, Eric Sayers - nhà phân tích tại Viện Doanh nghiệp Mỹ - cho rằng các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên chỉ là "vấn đề pháp lý", chưa gây ra "lo ngại an ninh" cho Mỹ.
Ông Biden nói vụ phóng đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và cảnh báo "sẽ có các phản ứng nếu họ chọn con đường leo thang". Trong khi đó, Ủy ban Trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 26-3 đã yêu cầu các chuyên gia của ủy ban này điều tra vụ phóng.
Báo New York Times đánh giá vụ phóng trên cho thấy Triều Tiên một lần nữa đang dùng tới các màn phô trương sức mạnh, gây gia tăng căng thẳng nhằm đạt được "đòn bẩy" trước khi chính quyền ông Biden hoàn tất cuộc đánh giá chính sách về Triều Tiên trong những tuần tới.
"Vụ phóng tên lửa cũng được xem là tín hiệu gửi tới Washington rằng Bình Nhưỡng sẽ tiến hành thêm các vụ thử nghiệm khiêu khích, gồm các tên lửa tầm xa hơn nếu họ cho rằng các chính sách của ông Biden không hợp lý" - cây bút Choe Sang Hun bình luận trên báo New York Times.
Trong bối cảnh cuộc đánh giá chính sách Triều Tiên vẫn tiếp tục và chưa rõ chính quyền ông Biden sẽ từ bỏ biện pháp ngoại giao của người tiền nhiệm hay không, Triều Tiên dường như "đang quay trở lại con đường quen thuộc, đó là dùng hành vi khiêu khích để làm gia tăng căng thẳng", theo bà Jean H. Lee - chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Wilson.
Ông Biden tiến thoái lưỡng nan
Chính quyền ông Biden đang đánh giá liệu nên đối phó với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên bằng cách áp thêm lệnh trừng phạt hay tổ chức một vòng đối thoại mới hoặc kết hợp cả hai biện pháp này.
Các động thái của Triều Tiên đã khiến ông Biden đối diện với lựa chọn khó khăn. Trước hết, nếu ông Biden tiếp tục tổ chức vòng đàm phán mới với Triều Tiên, chưa chắc Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân. Giới chức Mỹ lo lắng Triều Tiên chỉ đơn giản dùng các cuộc đàm phán để câu giờ nhằm giúp có đủ thời gian hoàn thiện năng lực hạt nhân. Hồi tháng 10-2020, trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên, nước này đã trình làng loại tên lửa đạn đạo liên lục địa lớn chưa từng thấy.
Tuy nhiên, nếu chính quyền ông Biden chọn cách gây thêm sức ép, điều đó càng khiến Triều Tiên tiến hành thêm các vụ phóng tên lửa khiêu khích và có thể đẩy bán đảo Triều Tiên tới bờ vực chiến tranh giống năm 2017.
Đến thăm Hàn Quốc tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng việc đánh giá chính sách Triều Tiên sẽ được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông cũng kêu gọi Trung Quốc sử dụng sức ảnh hưởng về kinh tế với Triều Tiên để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Theo Lee Sung Yoon - chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Tufts, sắp tới Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục các hoạt động gây leo thang căng thẳng "tăng dần".
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online