Đại sứ Thôi Thiên Khải. Ảnh: CNN
Trao đổi trong một cuộc phỏng vấn của CNN ngày 25/3, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải lý giải: "Mục tiêu của chúng tôi là đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người dân Trung Quốc về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Mục tiêu của chúng tôi không phải là cạnh tranh hay thay thế bất kỳ nước nào khác".
"Điều đó chưa bao giờ là chiến lược quốc gia của chúng tôi", nhà ngoại giao Trung Quốc khẳng định.
Đại sứ Thôi Thiên Khải đưa ra tuyên bố trên sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra một số bình luận trong cùng ngày, trong đó ông nói rằng Trung Quốc có "tham vọng trở thành nước dẫn đầu thế giới, nước giàu nhất thế giới và nước quyền lực nhất thế giới".
"Điều này sẽ không xảy ra trong sự giám sát của tôi", ông Biden quả quyết trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi ông lên làm Tổng thống.
Tuần trước các đại diện Trung Quốc và Mỹ đã hội đàm ở Alaska. Tại đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết chính quyền Biden sẽ bày tỏ "những lo ngại sâu sắc" về một số hành động của Trung Quốc trên khắp thế giới, nhưng phía Trung Quốc đã lập tức đáp trả gay gắt.
Sau đó, Bắc Kinh thể hiện thái độ hoà giải, với Đại sứ Thôi Thiên Khải mô tả cuộc hội đàm ở Alaska là "đúng lúc" và "hữu ích", cho rằng sự kiện "chắc chắn giúp cho cả hai bên hiểu nhau hơn". "Những gì mà thế giới ngày nay mong muốn, và những gì thế giới ngày mai mong muốn, là sự chung tay của tất cả các quốc gia để xây dựng một cộng đồng các quốc gia vì một tương lai chung", ông nói.
"Chúng tôi không nghĩ có bất kỳ nỗ lực nào chia thế giới thành các phe khác nhau hoặc thậm chí xây dựng phương pháp tiếp cận quân sự đối đầu, chúng tôi không nghĩ kiểu tiếp cận này là một giải pháp. Trên thực tế, bản thân nó đã là một vấn đề", vị đại sứ lập luận thêm.
Được yêu cầu trả lời về những cáo buộc của Tổng thống Biden rằng Trung Quốc không tuân theo các quy tắc quốc tế về cạnh tranh công bằng, ông Thôi Thiên Khải nói: "Chúng tôi sẽ không có vấn đề gì với cạnh tranh công bằng và cởi mở - thực sự chúng tôi rất ủng hộ điều đó".
Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng "những sai lầm trong quá khứ" sẽ phải được "sửa chữa" như một điều kiện tiên quyết để cạnh tranh công bằng.
"Làm thế nào chúng tôi có thể cạnh tranh công bằng khi các công ty Trung Quốc bị phân biệt đối xử? Khi các CEO cấp cao của Trung Quốc bị giam giữ mà không có lý do? Khi có một nỗ lực rõ ràng nhằm chính trị hóa mọi thứ như vậy. Khi có một nỗ lực dùng chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ chống lại các quy tắc quốc tế? Vì vậy, để có sự cạnh tranh cởi mở, bình đẳng, những sai lầm trong quá khứ sẽ phải được sửa chữa trước đã".
Nguồn: Thanh Hảo/ Vietnamnet.vn