Bên trong một nhà chứa máy bay ở phía tây Ukraine, hàng chục công nhân mặc quần áo bảo hộ đúc lưới sợi thủy tinh và lắp ráp máy bay không người lái (UAV) tầm xa. Với tầm hoạt động lên tới 800 km, những chiếc UAV này được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của Ukraine về tăng cường tập kích sâu vào lãnh thổ Nga.
"Có rất nhiều đơn đặt hàng mà chúng tôi chưa thể thực hiện được", chủ sở hữu nhà máy cho biết. Ông yêu cầu giữ kín địa điểm nhà máy và danh tính của mình cũng như công nhân để đảm bảo an toàn.
Trước loạt thất bại trên chiến trường, Ukraine chuyển sang chiến thuật dùng UAV tầm xa tấn công nhà máy lọc dầu, sân bay và cơ sở hậu cần Nga nằm xa chiến tuyến. Các đợt tập kích này nhằm siết nguồn cung nhiên liệu cho quân đội Nga, cũng như làm mất nguồn thu mà nước này có thể dùng cho chiến dịch.
Ngoài ra, những đợt tập kích của Ukraine nhằm vào hậu phương Nga có thể buộc lực lượng nước này phải chuyển các tổ hợp phòng không tới đây để bảo vệ, thay vì bố trí chúng tại tiền tuyến. UAV nội địa có giá rẻ và sẵn có hơn tên lửa hành trình. Nhiều nước phương Tây muốn kiềm chế Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa họ viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga do lo ngại leo thang xung đột. Việc Ukraine tự sản xuất UAV là nỗ lực để họ tránh những hạn chế này.
Các doanh nghiệp UAV khởi nghiệp của Ukraine đang tăng năng suất chế tạo để đáp ứng nhu cầu, từ những mẫu có kiểu dáng đẹp như UJ-25 Skyline cho tới loại phương tiện bay không tên với thân làm từ một ống nước dài.
Máy bay không người lái UJ-25 Skyline. Ảnh: BQP Ukraine
Hồi giữa tháng 3, một máy bay không người lái (UAV) Ukraine lao xuống nhà máy lọc dầu Ryazan của Rosneft, nằm cách biên giới với Ukraine 500 km. Đến ngày 2/4, khoảng cách tập kích tăng lên gấp đôi, khi nhà máy sản xuất UAV và cơ sở dầu khí Nga ở Cộng hòa Tatarstan, cách biên giới hơn 1.100 km, bị UAV tấn công.
Ukraine hôm 9/5 dùng UAV tập kích cơ sở lọc dầu ở Cộng hòa Bashkortostan thuộc Nga. Một nguồn tin quốc phòng nói đây là lần tập kích "xa kỷ lục", UAV bay khoảng 1.500 km.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định loạt vụ tập kích nói trên là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh triển vọng trên chiến trường của Ukraine ngày càng xám xịt, khi quân đội nước này phải rút khỏi nhiều khu dân cư trước các đợt tiến công không ngừng của lực lượng Nga.
Ukraine dùng UAV AI tung đòn sát thương vào ngành dầu khí Nga
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại những vụ tập kích của Ukraine nhằm vào hạ tầng dầu khí Nga nguy cơ làm tăng giá năng lượng. Mỹ coi đây là hành vi liều lĩnh, trong khi Ukraine cho rằng điều này là cần thiết.
Trong phiên điều trần đầu tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhận định "Ukraine tốt nhất nên theo đuổi các mục tiêu chiến thuật và tác chiến có thể ảnh hưởng trực tiếp đến xung đột hiện tại", thay vì tấn công hạ tầng dầu khí Nga nằm xa tiền tuyến.
Các quan chức Ukraine lại cho rằng họ phải dùng mọi phương tiện sẵn có để đối phó với Nga sau nửa năm Mỹ trì hoãn duyệt gói viện trợ quân sự mới. Dù Mỹ cuối cùng cũng thông qua, gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD này khó có thể đảo ngược đáng kể tình thế mà Ukraine rơi vào sau nhiều tháng cạn kiệt đạn dược và vũ khí.
Ukraine tuyên bố đã lên kế hoạch sản xuất hàng nghìn UAV tầm xa trong năm nay. Trong những ngày đầu xung đột, Ukraine điều chỉnh lại phương tiện bay không người lái dân sự để tập kích vị trí của Nga, sau đó thay thế bằng sản phẩm do nước này tự chế bằng linh kiện nhập khẩu. Một sĩ quan tình báo quân đội Ukraine cho biết chỉ khoảng 20% số UAV tiếp cận thành công mục tiêu, phần lớn thất bại do hệ thống gây nhiễu của Nga.
Giới chuyên gia xác định được 19 mẫu UAV tầm xa và khí cầu mà Ukraine dùng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Trong số này có UAV AQ-400 Scythe mang đầu đạn nặng 43 kg với tầm bắn 750 km, mẫu Bober mang theo đầu đạn khoảng 20 kg và có thể đánh trúng mục tiêu cách gần 1.000 km.
Trong vụ tập kích hôm 2/4, Ukraine sử dụng mẫu UAV được chế tạo trên cơ sở máy bay hạng nhẹ Aeroprakt A-22 được lắp bộ điều khiển tự động và gắn chất nổ. Máy bay A-22 có tầm bay 1.100 km, trần bay 4.000 m và tải trọng 450 kg.
UAV tập kích nhà máy Nga cách Ukraine hơn 1.000 km
Theo một hãng chế tạo UAV của Ukraine, chi phí sản xuất một phương tiện tầm xa vào khoảng 30.000-300.000 USD. Chi phí sản xuất chúng thấp hơn đáng kể so với tên lửa hành trình tầm xa mà phương Tây cung cấp với giá vài triệu USD mỗi quả.
Ngành chế tạo UAV của Ukraine phát triển nhanh chóng trong lúc nước này phải đối mặt với Nga, quốc gia có tiềm lực quân sự và công nghiệp quốc phòng lớn hơn nhiều. Nga đã đưa nền kinh tế vào chế độ thời chiến, triển khai hàng trăm UAV tầm xa Geran cùng tên lửa để bào mòn phòng không đối phương.
Samuel Bendett, chuyên gia về UAV tại Trung tâm Nghiên cứu Hải quân (CNA) có trụ sở tại Mỹ, đánh giá "những gì Ukraine cần làm là hợp lý hóa tiến trình sản xuất và chọn những mẫu UAV có thể sản xuất trên quy mô lớn".
Tại nhà máy UAV ở tây Ukraine, chủ sở hữu cho biết ông từng sản xuất hộp nhựa ở tỉnh đông bắc Kharkov trước khi Nga tiến hành chiến dịch hồi tháng 2/2022. Sau khi chuyển đến miền tây Ukraine, ông đang làm việc trong lĩnh vực hậu cần đường sắt thì cơ quan an ninh tiếp cận ông vào mùa hè năm ngoái với nguyên mẫu của một UAV tầm xa và đề nghị tái tạo nó.
"Trong suốt cuộc đời mình, chúng tôi chưa bao giờ chế tạo bất cứ thứ gì tương tự như vậy", ông nói.
Doanh nhân này đã tuyển mộ một số chuyên gia trong ngành hàng không. "Ở tuổi tôi, lẽ ra tôi nên nghỉ hưu từ lâu rồi, nhưng đất nước đang trong xung đột", một chuyên gia 74 tuổi nói.
Trong vòng hai tháng, nhóm chế tạo được hai bản sao UAV. "Chúng tôi đã vượt qua bài kiểm tra", doanh nhân nói.
Thử thách tiếp theo là mở rộng quy mô. Hiện có 75 người làm việc trên dây chuyền sản xuất và lắp ráp thân UAV. Động cơ và thuốc nổ được lắp đặt tại một nhà máy khác.
Nhà máy hiện chỉ có thể sản xuất một hoặc hai thân của mỗi loại UAV một ngày. Để tăng công suất, doanh nhân đã mua thêm thiết bị và dự kiến thuê thêm 50 người. Ông đang tự phát triển một mẫu UAV với tầm bay vượt 1.000 km.
Nguyễn Tiến (Theo WSJ, AFP, Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET