Một chiếc xe tăng "mai rùa" của Nga bị phá hủy (Ảnh: Forbes).
Vào đầu tháng 4, Nga đã tung ra chiến trường một mẫu xe tăng độc đáo. Đó là những chiếc T-62, T-72 và T-80 với lớp giáp kim loại bao phủ kín trông như "mai rùa".
Dù có hình dáng khá lạ và chắp vá nhưng xe tăng "mai rùa" của Nga thực sự hiệu quả trong việc ngăn chặn UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine. Chiếc xe được trang bị cả thiết bị gây nhiễu, con lăn rà phá mìn và được coi là vũ khí mở đường cho đoàn xe Nga tiến lên phía trước.
Tuy nhiên, theo Forbes, trong những ngày qua, phía Ukraine đã bắt đầu phá hủy được xe tăng "mai rùa", dấu hiệu cho thấy trong chiến sự, không có vũ khí nào có thể có ưu thế mãi mãi, mà sẽ luôn có biện pháp khắc chế.
Trên thực tế, xe tăng "mai rùa" của Nga đã làm đúng sứ mệnh mà Moscow kỳ vọng: Chặn được UAV tự sát của Ukraine, mở đường cho đoàn xe đi qua bãi mìn. Thiết bị gây nhiễu trên xe tăng chặn UAV tấn công từ hầu hết các hướng trong khi lớp giáp kiên cố chặn được hầu hết các quả thuốc nổ nhỏ lao xuống.
Về bản chất, những chiếc UAV FPV dù hiệu quả nhưng chỉ là giải pháp tình thế khi Ukraine cạn kiệt đạn pháo do viện trợ từ phương Tây nhỏ giọt. Sau khi Mỹ thông qua gói hỗ trợ mới, Ukraine bắt đầu được chuyển đạn pháo và tên lửa chống tăng tới, và đây chính là "khắc tinh" của xe tăng "mai rùa".
Xe tăng "mai rùa" có thể chặn được UAV Ukraine nhưng khó có thể ngăn cản những quả đạn pháo nặng 45kg hay những quả tên lửa 22kg chứa lượng thuốc nổ lớn hơn máy bay không người lái cỡ nhỏ.
Khi quả đạn pháo hoặc tên lửa chống tăng bắn vào đúng vị trí trên lớp giáp "mai rùa", nó có thể làm bùng lên ngọn lửa bên trong lớp giáp, khiến phương tiện bị phá hủy.
Một vấn đề với xe tăng "mai rùa" là tầm nhìn của kíp lái bị hạn chế do lớp giáp che hầu hết chiếc xe. Ngoài ra, lớp giáp cồng kềnh có thể chặn đường rút lui của binh sĩ khi chiếc xe bị tấn công.
Theo các chuyên gia, đây là điều rất bình thường trong cuộc chiến. Nó giống như trò "mèo vờn chuột" khi một bên tung ra được chiến thuật mới, bên còn lại sẽ ngay lập tức sẽ tìm cách khắc chế.
Theo Forbes