Cuộc chiến Azerbaijan-Armenia ở Nagorno-Karabakh vẫn âm ỉ suốt 2 thế kỷ qua là mối bận tâm lớn đối với Nga.

Armenia tuyên bố “Azerbaijan khởi xướng cuộc tấn công”

Hôm 27/9, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố rằng lực lượng vũ trang của Azerbaijan đã khởi xướng cuộc tấn công đánh vào Nagorno-Karabakh vùng lãnh thổ đang tranh chấp giữa hai nước. Thủ tướng Pashinyan viết điều này trên trang Facebook cá nhân.

Theo lời ông, đối phương đã phát động cuộc tấn công vào Artsakh (tên của Nagorno-Karabakh). Khu vực này “đã phải hứng chịu những đòn tấn công bằng tên lửa và oanh kích đường không”. Thời điểm hiện tại quân phòng thủ tại khu vực này đã kháng cự thành công. Ông Pashinyan cũng lưu ý rằng, tình hình chiến sự đang ở trạng thái triển khai chiến dịch.

Bà Shushan Stepanyan, Thư ký báo chí của Bộ Quốc phòng Armenia cũng viết trên Facebook rằng, Lực lượng vũ trang Armenia đã đáp trả thích đáng, bắn hạ hai máy bay trực thăng và ba máy bay trinh sát không người lái của phía Azerbaijan ở Karabakh.

“Artsakh đã phải hứng chịu những đòn tấn công đường không và tên lửa... Phía Armenia đã bắn hạ 2 trực thăng và 3 máy bay không người lái của đối phương. Cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn” - bà Stepanyan viết.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Armenia thông tin thêm rằng, Azerbaijan đã mất 3 xe tăng và có “tổn thất nhân lực”.

 

42 1 Xung Dot Nagorno Karabakh Diem Nong Tiem Tang Sau Lung Nga

Cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh vẫn tiếp tục kéo dài gần 2 thập kỷ qua

Ông Vahram Poghosyan Thư ký báo chí của Tổng thống Cộng hòa Nagorno-Karabakh (không được công nhận) thông báo rằng, các điểm dân cư yên bình ở khu vực này, bao gồm cả thủ phủ Stepanakert, đã bị nã pháo dữ dội và ông kêu gọi người dân tìm nơi tránh bom đạn.

Azerbaijan tuyên bố “đáp trả sự khiêu khích của Armenia”

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo rằng lực lượng vũ trang Armenia đã bắn vào các điểm dân cư trên tuyến giáp ranh ở Karabakh và theo các dữ liệu này thì đã có thường dân thiệt mạng.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố quân đội nước này đang thi hành “các biện pháp trả đũa” đáp lại hành động của Lực lượng vũ trang Armenia trên tuyến giáp ranh ở Karabakh và lực lượng của Azerbaijan đang hoàn toàn kiểm soát tình hình chiến dịch.

Với sự hiệp đồng tác chiến của bộ phận tiền phương, các đơn vị tên lửa-pháo binh, hàng không, xe bọc thép và các lực lượng quân-binh chủng khác đồn trú tại các khu vực Tartar-Agdam và Fizuli-Jabrail - hướng mặt trận căng thẳng nhất, đang giáng đòn triệt tiêu các điểm hoả lực và đè bẹp hoạt động chiến sự của lực lượng vũ trang Armenia.

Quân đội Azerbaijan thông báo phá hủy 12 tổ hợp phòng không của Không quân Armenia.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan cũng lưu ý rằng, giới truyền thông và “công luận sẽ được thông báo bổ sung về những sự kiện diễn ra ở khu vực tiền tuyến”.

 

42 2 Xung Dot Nagorno Karabakh Diem Nong Tiem Tang Sau Lung Nga

Binh sĩ Nagorno-Karabakh và một bàn thờ tạm trên tuyến phòng thủ đầu tiên

 “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng mạng xã hội, phương tiện truyền thông điện tử và các đại diện báo chí không sử dụng thông tin phi chính thống, không có kiểm chứng và thiên vị, để tránh gây sự hoảng loạn trong cư dân và đảm bảo an toàn cho binh sĩ của chúng tôi” - đại diện báo chí của Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết.

Armenia tổng động viên, Nga bày tỏ lo ngại

Hôm 27/9, Chính phủ Armenia ban hành lệnh thiết quân luật trong nước và thông báo tổng động viên, do tình hình chiến sự bùng phát trầm trọng ở Nagorno-Karabakh. “Tôi yêu cầu các binh sĩ có mặt tại quân khu của họ, vì Tổ quốc, vì chiến thắng” - Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố.

Đại sứ Armenia tại Nga, ông Vardan Toghonyan đã phát biểu trên làn sóng điện của đài phát thanh Moscow rằng, chính quyền Erevan không dự kiến điều chuyển lực lượng quân sự trong nước đến Cộng hòa Nagorno-Karabakh, sau khi tình hình trong khu vực này bùng phát trầm trọng.

“Hiện giờ chưa cần thiết phải điều chuyển lực lượng, vì quân đội ở Nagorno-Karabakh đang thực hiện những biện pháp thích hợp. Theo dữ liệu mà chúng tôi biết, có 2 xe tăng của Azerbaijan đã bị bắn cháy, 1 máy bay trực thăng bị bắn hạ” - Đại sứ Vardan Toghonyan nói.

Ông lưu ý rằng, chính quyền Erevan đang xác minh xem những biện pháp này đã đủ mạnh hay chưa, “nhưng trong mọi trường hợp, không cần đến những động thái bổ sung, tức là không cần điều thêm quân [từ trong nước]”.

 

42 3 Xung Dot Nagorno Karabakh Diem Nong Tiem Tang Sau Lung Nga

Binh sĩ Lực lượng Quốc phòng Nagorno-Karabakh trên chiến tuyến

Trong một động thái có liên quan, Bộ Ngoại giao Nga cho biết rằng tình hình trong khu vực xung đột Nagorno-Karabakh đã xấu đi nghiêm trọng, hai bên đều tiến hành những trận pháo kích dữ dội và có dữ liệu về thương vong.

Moscow kêu gọi các bên tham gia xung đột Nagorno-Karabakh lập tức ngừng bắn và bắt đầu đàm phán với mục đích ổn định tình hình.

Xung đột Nagorno-Karabakh

Cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh là cuộc xung đột vũ trang diễn ra từ tháng 2 năm 1988 đến tháng 5 năm 1994, tại tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh nằm trong vùng lãnh thổ phía tây nam của Azerbaijan, giữa dân cư Nagorno-Karabakh (tuyệt đại đa số là người Armenia, được hỗ trợ bởi Cộng hòa Armenia), chống lại Cộng hòa Azerbaijan.

Với tư cách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Mikhail Gorbachev nắm trọng quyền lực vào tháng 3 năm 1985 và bắt đầu kế hoạch cải tổ của mình. Các kế hoạch đó có thể tóm gọn trong hai chương trình: Perestroika và Glasnost.

Perestroika hướng về cải cách kinh tế, còn Glasnost trao các quyền tự do ngôn luận có giới hạn, khiến người dân có thể khiếu nại về hệ thống Xô viết và các nhà lãnh đạo. Trên cơ sở đó, ban lãnh đạo Cộng hòa Xô viết Karabakh và Quốc hội Nagorno-Karabakh quyết định bỏ phiếu thống nhất lãnh thổ tự trị này với Armenia, vào ngày 20 tháng 2 năm 1988.

 

42 4 Xung Dot Nagorno Karabakh Diem Nong Tiem Tang Sau Lung Nga

Nagorno-Karabakh vẫn là một điểm nóng tiềm tàng ở sân sau của Nga

Tuy nhiên, Mikhail Gorbachev tuyên bố biên giới giữa các nước Cộng hòa không thể xê dịch, theo tinh thần Điều 78 của Hiến pháp Liên Xô năm 1977. Nhà lãnh đạo Liên Xô tuyên bố, việc vẽ lại biên giới tại Karabakh sẽ tạo nên một tiền lệ nguy hiểm.

Nhưng sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, không còn gì ràng buộc, giao tranh trên quy mô lớn giữa hai nước thuộc Liên Xô cũ đã nổ ra vào cuối mùa đông năm 1992.

Mùa xuân năm 1993, các lực lượng Armenia chiếm được các khu vực nằm phía ngoài Karabahk, khiến cho cuộc xung đột có nguy cơ lan rộng với sự can thiệp của những quốc gia khác trong khu vực. Tới cuối cuộc chiến, người Armenia giành được quyền kiểm soát phần lớn vùng lãnh thổ, ngoài ra còn chiếm được thêm chừng 9% lãnh thổ Azerbaijan.

Một cuộc ngưng bắn do Nga làm trung gian được ký kết tháng 5 năm 1994 và các cuộc đàm phán hòa bình, trung gian bởi OSCE vẫn tiếp diễn kể từ đó, nhưng không đạt được thỏa thuận và các cuộc xung đột vũ trang quy mô nhỏ tiếp tục tiếp diễn cho đến nay.

Hiện nay, phần lớn khu vực này do Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng (chưa được công nhận) quản lý, nhưng lãnh thổ này vẫn được cộng đồng quốc tế xem là một phần của Azerbaijan.

 

Thiên Nam

Nguồn: baodatviet.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC