Sau khi đại gia Thái Lan thâu tóm hệ thống siêu thị Big C, nhiều doanh nghiệp Việt đứng trước nguy cơ phải rút hàng khỏi kệ của siêu thị này.

Lý do là Big C áp dụng chính sách chiết khấu năm sau cao hơn năm trước kèm hàng chục loại phí khác nhau.

Theo phản ánh của Tuổi trẻ, trong một cuộc họp mới đây của các doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ hàng nội địa VASEP, giám đốc một doanh nghiệp thủy sản cho hay trong các hệ thống siêu thị đề nghị tăng chiết khấu năm 2016 thì Big C Việt Nam đòi cao nhất, tăng thêm 4,25 - 5% so với năm 2015. Với mức tăng thêm này, doanh nghiệp phải chịu mức chiết khấu lên đến 17 - 20%, thậm chí có mặt hàng chịu chiết khấu lên đến 25%.

“Mức chiết khấu này là quá khó khăn cho doanh nghiệp để có thể tồn tại chứ đừng nói đến có lợi nhuận để tái đầu tư”, vị giám đốc này cho hay.

Chiêu thức Big C đuổi khéo hàng Việt - 0

Theo Tuổi trẻ, để vào được hệ thống Big C, doanh nghiệp phải chịu nhiều loại chiết khấu khác nhau như chiết khấu tháng cho cửa hàng, chiết khấu doanh số theo bậc, chiết khấu cho điểm bán mới, chiết khấu sinh nhật (kỷ niệm ngày khai trương của siêu thị)...

Một doanh nghiệp liệt kê gần 15 loại phí mà đơn vị này đưa vào Big C bao gồm: chi phí tham gia chương trình khuyến mãi, chi phí cho dùng thử sản phẩm, chi phí hỗ trợ cho lễ hội khách hàng, phí hỗ trợ sinh nhật siêu thị, phí tập hợp đơn hàng, phí hỗ trợ khai trương siêu thị mới, chi phí tháng cho việc tham gia chương trình thẻ khách hàng, chi phí tháng cho thương lượng chung, chi phí tháng cho tối ưu hóa sản phẩm, chi phí cho việc nhập hàng mới, chi phí cho thuê mướn vị trí thử mẫu, hỗ trợ mở rộng siêu thị, hỗ trợ chi phí vận chuyển tháng...

Ngoài chiết khấu và phí hỗ trợ nhà bán lẻ như kể trên, doanh nghiệp cung cấp hàng cho siêu thị còn bị xử ép bởi chính sách tỉ lệ hàng hư hỏng.

Nguy cơ hàng Việt bị loại khỏi hệ thống siêu thị do người Thái làm chủ đã được ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cảnh báo trước đây. Từng trao đổi với Đất Việt, ông Phú cho biết, lãnh đạo Thái Lan từng tuyên bố sẽ biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường, còn Chủ tịch Tập đoàn BJC nói thẳng sẽ bán 60% hàng Thái ở 19 điểm của Metro.

"Ý đồ xâm chiếm thị trường Việt Nam của Thái Lan là rất rõ ràng, điều đó không thể cưỡng nổi và Việt Nam phải chấp nhận cạnh tranh", ông Phú nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, chiết khấu vào siêu thị quá cao. "Ngoài chiết khấu 10-15% hàng hóa đưa vào siêu thị, các nhà cung ứng còn phải nộp phí tạo mã hàng triệu đồng, phí sinh nhật, phí đứng đầu kệ... Nhiều nhà cung ứng phải lập chuỗi bán lẻ riêng, không đưa vào siêu thị nữa, mặc dù đứng trong siêu thị có ưu điểm là có thể giới thiệu thương hiệu, bảo quản tốt hơn. Nhà cung ứng không chịu nổi chi phí khi nó chiếm tới 30-40% lợi nhuận, đến người sản xuất cũng không được như thế.

Bây giờ 1 gói thạch 16.000 đồng mất phí tạo mã 1 triệu đồng; 1 gói thạch 4.000 đồng lại mất 1 triệu đồng phí tạo mã khác, nhà sản xuất nào chịu nổi?", ông Vũ Vinh Phú đặt câu hỏi.

Cho đến nay Việt Nam đã mất quá nửa thị phần bán lẻ hiện đại và giới chuyên gia chỉ rõ, với chiêu thức trên, về lâu dài, các nhà bán lẻ trong nước không đủ sức chạy đua và dễ bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm.

Một khi họ chi phối được hệ thống bán lẻ, làm chủ đầu ra của hàng hóa, những nhà sản xuất vừa và nhỏ Việt Nam sẽ không chống chọi nổi, chấp nhận làm hàng gia công hoặc không cạnh tranh được với hàng Thái vốn có nhiều điểm tương đồng với hàng Việt sẽ phải “bán mình” cho doanh nghiệp Thái.

Minh Thái (Tổng hợp)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC