"Tên Khanh 38 tuổi vừa giết bạn gái 17 tuổi chưa xử, tên Hiệp 37 tuổi lại giết cô gái 27 tuổi, nghe chừng đạo đức xã hội xuống cấp quá! Pháp luật phải nghiêm khắc hơn để khắc phục tình trạng này!".
Trong những ngày gần đây, dư luận không khỏi bàng hoàng về các vụ án mạng xảy ra với tính chất man rợ, "máu lạnh" của những kẻ thủ ác. Đặc biệt là vụ án Á khôi 17 tuổi bị sát hại, phân xác phi tang ở sông Hồng và vụ việc cô gái bị đâm tử vong tại cửa hàng quần áo xảy ra tại thành phố Bắc Ninh chiều 17/10 vừa qua.
Theo dõi những thông tin về vụ án giết người, phân xác phi tang ở sông Hồng , độc giả Hữu Thế Nguyễn bày tỏ: "Thương cho số phận cô gái và căm phẫn sự tàn ác của kẻ thủ ác". Bạn đọc Thanh Chung bình luận: "Đề nghị cho nhận mức án cao nhất, tên này không còn nhân tính rồi".
Mâu thuẫn nảy sinh từ quan hệ tiền hay tình?
Bên cạnh ý kiến của nhiều độc giả cho rằng phải trừng trị nghiêm kẻ thủ ác và thể hiện sự thương xót trước sự ra đi của nạn nhân thì cũng không ít ý kiến thể hiện sự băn khoăn về nguyên nhân dẫn đến hành vi mất nhân tính của Tạ Duy Khanh.
Thông tin về vụ án Giết người này, chiều 16/10, Công an thành phố Hà Nội đã mở cuộc họp báo, công khai điều tra ban đầu xác định Khanh cho nạn nhân vay 50 triệu đồng, nhiều lần đối tượng đòi lại tiền nhưng chị N. (nạn nhân) chưa trả. Tối 10/10, Khanh và chị N cùng nhau đi ăn sau đó về căn hộ của đối tượng tại khu đô thị Vinhomes OceanPark (huyện Gia Lâm). Tại đây, việc vay nợ tiếp tục được đưa ra nói chuyện dẫn đến mâu thuẫn và kẻ thủ ác đã ra tay với nạn nhân.
Đối tượng Tạ Duy Khanh (Ảnh: CAND).
Theo dõi sự việc, chủ tài khoản tên Hiep bình luận: "Một là, nạn nhân mới 17 tuổi, lấy cơ sở nào mà nghi phạm sẵn sàng cho nạn nhân vay một khoản tiền không hề nhỏ như vậy. Hai là, nghi phạm có hoàn cảnh không phải là khó khăn, vậy tại sao 50 triệu đã đến mức khiến hắn ra tay sát hại dã man nạn nhân. Thứ ba, bản chất mối quan hệ thân thiết giữa hai người là thân thiết như thế nào, ở hai độ tuổi có khoảng cách khá xa, nghe về động cơ có thể thấy không hợp lý".
"Các cụ nói cấm có sai: Tiền bạc công minh, ái tình dứt khoát. Vụ án còn nhiều điều bí ẩn. Chắc chắn là liên quan đến tình và tiền", anh Mai văn Dương chia sẻ. Cùng chung ý kiến, tài khoản Trần Lan viết: "Đây mới là lời khai của Khanh mọi người có thể suy luận. Nhiều khả năng còn một lý do nào đó CQĐT phải làm rõ".
Hiện vụ án đang được cơ quan Công an thành phố Hà Nội tiếp tục điều tra.
Đạo đức xã hội xuống cấp, pháp luật phải nghiêm khắc hơn để khắc phục tình trạng này?
Thông tin về vụ việc Á khôi 17 tuổi bị sát hại dã man chưa kịp lắng xuống, trong chiều 17/10, một vụ án mạng khác xảy ra tại thành phố Bắc Ninh khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Nghi phạm được xác định là Nguyễn Văn Hiệp (37 tuổi, quê Thái Nguyên) và nạn nhân là chị N.T.P (27 tuổi, quê Thái Nguyên).
Theo thông tin ban đầu, Hiệp dùng dao nhọn đâm 8 nhát vào đầu, cổ, ngực và bụng của chị P. khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Nghi phạm rời hiện trường bằng một chiếc taxi.
Đến khoảng 16h30 cùng ngày, lực lượng chức năng tìm thấy chiếc taxi trên đỗ ở cầu Thanh Trì (TP. Hà Nội), thu giữ trên xe một điện thoại di động, một ví da có giấy tờ tùy thân của Hiệp. Lấy lời khai của nhân chứng, công an xác định khoảng 15h40, một người đàn ông điều khiển ô tô trên đã nhảy từ trên cầu xuống sông Hồng.
Công an tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tập trung điều tra làm rõ vụ việc, truy tìm đối tượng gây án.
Chiếc xe taxi tài xế bỏ lại trên cầu Thanh Trì (Ảnh: Lê Chân).
Theo dõi tin tức những ngày gần đây, nhiều độc giả phản hồi với Dân trí về vấn đề xuống cấp về đạo đức trong một bộ phận xã hội khiến xảy ra liên tiếp các vụ án vô nhân tính như vậy. Anh Hùng chia sẻ: "".
"Tạ Duy Khanh 38 tuổi vừa giết bạn gái 17 tuổi chưa xử, Nguyễn Văn Hiệp 37 tuổi lại giết bạn tình 27 tuổi, nghe chừng đạo đức xã hội xuống cấp quá! Pháp luật phải nghiêm khắc hơn để khắc phục tình trạng này!", chủ tài khoản xuanthien Thao bày tỏ.
Nhìn nhận lại một cách khách quan, trong những năm gần đây, nhiều vụ án mạng với hành vi vô nhân tính của những kẻ thủ ác ngày càng gia tăng đã khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi: Phải chăng đạo đức xã hội đang xuống cấp? Câu trả lời cho câu hỏi này cũng là băn khoăn lớn với công tác phòng, chống tội phạm.
Bởi lẽ, hành vi là sự thể hiện ra thế giới khách quan của ý thức, suy nghĩ của con người. Hành vi nguy hiểm cho xã hội thường xuất phát từ những suy nghĩ, nhận thức lệch lạc hoặc không đánh giá được toàn diện mức độ nguy hiểm mà hành vi mình có thể đem lại cho người khác và xã hội. Nói cách khác, người có đạo đức và nhận thức đứng đắn về các chuẩn mực xã hội sẽ có những hành vi thể hiện ra bên ngoài phù hợp với các chuẩn mực này và tránh xâm phạm đến quyền và lợi ích của người khác, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.
Pháp luật là đạo đức tối thiểu, đạo đức là pháp luật tối đa! Pháp luật là một công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Pháp luật sẽ nghiêm khắc với những kẻ phạm tội, không những để trừng phạt những hành vi vi phạm pháp luật mà còn nhằm mục đích răn đe, tuyên truyền rộng rãi và góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng không được xâm phạm đến quyền và lợi ích của người khác.
Do vậy, đạo đức và pháp luật luôn song hành cùng nhau trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức của bản thân, tu dưỡng đạo đức và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật để có cách ứng xử phù hợp trong các quan hệ xã hội và góp phần phòng, chống tội phạm trong đời sống hiện nay.
Nguyên Thảo
Nguồn: Báo điện tử Dân trí