Câu chuyện một doanh nghiệp Thái Lan sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Phở Việt Nam số lượng lớn để bán cho người tiêu dùng tại Mỹ mới đây khiến nhiều người giật mình và tiếc cho nhiều món ăn “tên tuổi” của Việt Nam nhưng lại được nước ngoài khai thác để làm giàu.
Thế nhưng, chuyện này không phải mới, đã có rất nhiều món ngon Việt Nam được xuất khẩu ra thế giới nhưng lại do doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, nhà máy cũng ở nước ngoài.
Mới đây, đoàn doanh nghiệp Việt Nam, do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao dẫn đầu, sang thăm nhà máy chế biến thực phẩm của Charoen Pokphan Foods (CPF) trong khuôn khổ triển lãm ThaiFex tại Thái Lan.
Trong chuyến thăm, lãnh đạo CPF tiết lộ, Phở Việt Nam đang là một trong những sản phẩm ready-to-eat (thực phẩm tươi ăn liền đóng gói) thuộc hàng bán chạy nhất của nhà máy CPF tại Thái Lan.
Một góc nhà máy sản xuất Phở Việt Nam của CPF. Ảnh: tư liệu.
Phía CPF cho biết, phở của công ty bán rất chạy tại châu Mỹ, nơi các sản phẩm thực phẩm tươi ăn liền đóng gói rất được ưa chuộng. Còn theo đại diện Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, nhà máy đoàn đến thăm khá hiện đại, có thể coi là đời 4.0 của Thái Lan, đang sắp tự động hoá hoàn toàn.
Cơ sở này sản xuất hơn 200,000 sản phẩm/ngày mà chỉ có chưa đến 10 công nhân.
Thế nhưng, theo lãnh đạo CPF, đây là nhà máy nhỏ, cơ sở lớn nhất của doanh nghiệp này bây giờ là nhà máy CPF ở Mỹ, với sản lượng 2 triệu sản phẩm mỗi ngày.
Ban đầu, doanh nghiệp này chỉ dự tính mở một văn phòng thương mại để xuất khẩu sản phẩm Phở Việt Nam, tuy nhiên, do nhận định được “độ nóng” của thị trường, doanh nghiệp này sau đó đã quyết định xây dựng hẳn nhà máy tại Mỹ với sản lượng 2 triệu sản phẩm mỗi ngày, phân phối vào các siêu thị, kênh bán lẻ lớn như Walmart, Costco, Kroger, Amazon…
Cũng theo đánh giá của đại diện Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao, phở tươi đóng gói của công ty Thái Lan có “thiết kế bao bì bắt mắt và rất dễ sử dụng”. Sản phẩm xuất khẩu thuận tiện vì hạn dùng đến 18 tháng, chỉ cần cho vào lò vi sóng khoảng 1-2 phút trước khi ăn.
Khi câu chuyện này được chia sẻ, rất nhiều người tỏ ra tiếc nuối cho sản phẩm Phở Việt Nam, vốn rất nổi tiếng nhưng không có nhiều doanh nghiệp Việt khai thác, sản xuất xuất khẩu để mang về lợi nhuận.
Nguyên nhân, một số chuyên gia cho rằng, chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường thực phẩm ăn liền có thể xuất khẩu được như CPF vì công nghệ bảo quản còn đơn giản, chưa kể, công nghệ đóng gói, nhãn mác cũng chưa thực sự hấp dẫn người tiêu dùng nên khó cạnh tranh.
TS Võ Mai – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam nhiều lần trăn trở, trái cây Việt Nam rất ngon, ngon một cách đặc biệt, tuy nhiên, người Việt Nam cũng chỉ mới “ăn tươi nuốt sống” trong vài ngày sau khi trái chín, hoặc xuất khẩu trái tươi sang các nước láng giềng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Thái Lan, với cùng chủng loại trái cây, họ đã chế biến được thành nhiều món ngon, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng. Người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp một lon nước ép dứa (khóm) hay sản phẩm vải thiều lên men rất ngon ở các quầy bar (quầy rượu) hay các phòng chờ hạng sang trọng của các hãng hàng không trên thế giới. Dĩ nhiên, giá bán cũng cao gấp hàng chục lần so với sản phẩm trái tươi.
Ông Lý Trường Chiến, một chuyên gia kinh tế, cũng từng cho rằng, ông nhiều nhìn thấy các sản phẩm mì Việt Nam (Vietnam noodle) tại siêu thị ở Nhật Bản nhưng với dòng chữ “Made in Thailand” trên gói. Hay các sản phẩm ăn liền như Hủ tiếu Sadec, bún bò Huế… bày bán ở các trung tâm thương mại nước ngoài nhưng không phải do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.
Ngay cả những sản phẩm “có tên tuổi” đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước và một số nơi trên thế giới như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột… cũng nhiều lần bị các doanh nghiệp Thái Lan, Hồng Kông, Trung Quốc… sử dụng.
Còn như câu chuyện của ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp), khi khảo sát thị trường Mỹ, ông Thiện bắt gặp nhiều sản phẩm gạo “Made in Thailand” nhưng lại ghi tên “rất Việt Nam” như gạo thơm Ba con nai, gạo Ba miền…
Lại còn in cả hình bản đồ Việt Nam lên bao bì. Người Thái cũng rất khéo léo trong việc dán nhãn sản phẩm bằng tiếng Việt để có thể bán cho người Việt.
Sản phẩm gạo “Made in Thailand” với tên hàng hóa “rất Việt Nam” được bán tại siêu thị Mỹ.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, thì cho rằng muốn xuất khẩu, các doanh nghiệp phải có chứng nhận tiêu chuẩn, đặc biệt là đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng không cần những loại chứng chỉ quá khó, chỉ cần có tiêu chuẩn HACCP thôi nhưng làm bài bản, có kế hoạch đàng hoàng, kiểm soát An toàn thực phẩm kỹ, thì vẫn được.
Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều nơi có khi đã có chứng nhận chất lượng rồi nhưng vẫn không đủ đảm bảo để doanh nghiệp xuất khẩu mua hàng, và họ thường phải tới tận nơi, đánh giá tại chỗ rồi mới dám mua.
Nghĩa là doanh nghiệp có được các chứng nhận chất lượng là quan trọng, nhưng thực chất, vấn đề kiểm soát được một cách chuyên nghiệp còn quan trọng hơn.
Nguồn: Dân Việt