Nông dân Vĩnh Thành ở Thanh Hóa điêu đứng vì một clip của VTV3 dàn dựng để buộc tội họ dùng chổi quét rau giả làm rau sạch.

 

Cây chổi quét rau và đồng phục biển hiệu... - 0 Cảnh cắt từ phóng sự “Cây chổi quét rau” của VTV

Tối muộn ngày 11.5, trang web của VTV chính thức phát đi thông báo đình chỉ phóng viên đã thực hiện phóng sự “Cây chổi quét rau”. VTV cho biết: “Phóng sự “Cây chổi quét rau” trong chương trình Cà phê sáng với VTV3 phát sóng ngày 03/05/2016 đã gây ra nhiều ý kiến không đồng thuận về nội dung.

Phóng viên đã tự tìm hiểu đề tài bằng quan sát cá nhân thiếu sự kiểm chứng, vi phạm qui trình tác nghiệp báo chí, phản ánh không trung thực sự việc và có dàn dựng một số cảnh quay trong phóng sự. Đây là lỗi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề báo”.

Đồng thời, VTV cũng đã gửi lời xin lỗi đến UBND huyện Vĩnh Lộc, UBND xã Vĩnh Thành và các cá nhân có trong phóng sự, đồng thời mong muốn nhận được sự thông cảm và chia sẻ về sự non kém trong trình độ tác nghiệp, đạo đức nghề báo của phóng viên tập sự Phạm Thị Phương cũng như việc thiếu sâu sát trong khâu kiểm duyệt của Ban biên tập trong sự việc này.

Liên quan đến phóng sự “Cây chổi quét rau”, báo Dân Việt cho biết người dân thôn 3 xã Vĩnh Thành suốt từ khi VTV3 phát phóng sự đã điêu đứng.

Đây là một vùng trồng rau sạch, nhưng bởi từ khi được “bêu tên” trong một phóng sự dàn dựng, cắt ghép mà người thực hiện phóng sự cố tình “bẫy” họ để có được những cảnh quay phục vụ cho mục đích của mình, nông dân khóc ròng.

Người thì xấu hổ không dám nhìn mặt ai vì bất đắc dĩ xuất hiện trong phóng sự như một kẻ gian trá, dùng chổi quét lên rau để giả làm rau sạch, có vết sâu cắn lỗ chỗ. Người thì khóc vì phải phá bỏ ruộng rau cho rớt giá, 1000 đồng/1kg rau cũng không ai thèm mua.

Trong bản tường trình gửi xã, bà D. một nông dân sống ở thôn 3 cho biết đã được các phóng viên này nhờ cầm chổi quét lên ruộng rau để ghi hình, vừa quét vừa nói những lời đúng như họ yêu cầu. Đến lúc xem trên TV, bà D. mới té ngửa khi biết được “vai diễn” của mình đã làm hại cho danh tiếng vùng trồng rau của xã.

Đây có thể gọi là một loại “tai nạn nghề nghiệp” của người làm báo. Một kiểu tai nạn mà không ai muốn mắc phải trong quá trình tác nghiệp, nhưng nó đã xảy ra.

Sau khi phóng sự phát sóng, người xem đổ xô vào mắng mỏ người nông dân, sao lại làm ăn điêu trá, độc ác như vậy. Còn từ khi vụ việc dàn dựng này vỡ lở ra, dư luận lại đổ xô vào mắng mỏ những người làm báo thiếu trung thực, làm hại nông dân.

Cái mất lớn nhất trong câu chuyện này, không chỉ là những vụ mùa thất bát, là danh tiếng của vùng rau không biết khi nào mới lấy lại được, mà cái mất lớn hơn, theo tôi chính là lòng tin giữa người với người.

Làm sao chúng ta còn tin nhau được nữa, khi mà một câu chuyện bị đổi trắng thay đen, biến không thành có đã lan truyền khắp nơi như vậy?

Cây chổi quét rau và đồng phục biển hiệu... - 1

Những cửa hiệu đồng phục biển hiệu ở đường Lê Trọng Tấn.

Cũng ngày hôm qua, dư luận lại xôn xao chuyện khu phố kiểu mẫu ở đường Lê Trọng Tấn (Hà Nội) được “đồng phục” biển hiệu quảng cáo cửa hàng.

Tức là các hộ kinh doanh ở phố này, dù bán bánh mì, bún chả hay ô tô, kim cương cũng đều phải dùng một biển hiệu quảng cáo giống nhau về màu sắc, kích thước, kiểu chữ… để tránh tình trạng nhếch nhác.

Ấy thế nhưng lợi bất cập hại, các hộ kinh doanh đang méo mặt kêu rằng họ làm ăn thua lỗ, doanh số sụt giảm từ 30-40% vì khách không nhìn ra nhà nào với nhà nào.

Ấy là chưa kể, chủ cửa hàng còn chọn biển quảng cáo theo mệnh của gia chủ, giờ thì đều chỉ có 2 màu xanh và đỏ giống nhau cả loạt, ảnh hưởng đến việc kinh doanh.

Kiểu đồng phục biển hiệu này đang gây nhiều tranh cãi, người thì bảo rằng nó bóp chết sự sáng tạo của người làm quảng cáo, bởi nếu chỉ rập khuôn giống nhau cho mọi thương hiệu như vậy, việc quảng cáo còn có ý nghĩa gì. Người lại bảo, phải hy sinh cái riêng cho bộ mặt chung của tuyến phố, tránh nhếch nhác, luộm thuộm.

Dù thế nào thì việc các cửa hàng được đồng phục biển hiệu thế này cũng là một sự áp đặt quá sâu vào công việc kinh doanh của các cửa hàng.

Thành phố hoàn toàn có thể đưa ra quy định chung về kích cỡ biển không được vượt quá một diện tích nào đó, nhưng cụ thể đến mức cả màu sắc, kiểu dáng cũng phải giống nhau đồng loạt thì đúng là doanh nghiệp… khóc thét.

  • Mi An/ Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC