Tại hội thảo “Để con cao lớn mỗi ngày” vừa diễn ra tại Hà Nội, thông tin đưa ra cho thấy hiện Việt Nam đang nằm trong “top” 10 nước có chiều cao người dân thấp nhất thế giới, và là nước có chiều cao trung bình của người dân thấp nhất khu vực châu Á.

Điều này  đặt ra nhiều yêu cầu về cải thiện chiều cao cũng như chế độ dinh dưỡng cho trẻ không chỉ trong giai đoạn hiện nay.

 chieu cao nguoi viet nam trong top thap nhat the gioi

 

 

 

Người Việt vẫn thấp lùn

Số liệu công bố mới nhất vào tháng 7 năm 2016 phản ánh thực trạng chiều cao của người Việt như sau:

Nam giới Việt Nam đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, với chiều cao trung bình là 164.4cm, nữ giới Việt Nam đứng thứ 13 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, với chiều cao trung bình là 153.6cm. 

Một số thông tin khác từ Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, trong vòng 30 năm qua, chiều cao của người Việt tăng lên rất chậm, 10 năm chỉ cao thêm được 1 cm.

Cũng theo nghiên cứu của Viện, tình trạng trẻ em thấp còi ở Việt Nam vẫn đang ở ngưỡng cao khi cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng. 

Chính những phản ánh trên đã và đang đặt ra một “dấu chấm hỏi lớn” về việc làm sao để cải thiện, tăng trưởng chiều cao, hạn chế tình trạng thấp còi cho người Việt, đặc biệt là trẻ em.

TS.BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng 1000 ngày vàng tức là 33 tháng đầu đời nó liên quan đến phát triển chiều cao vì ở giai đoạn này trẻ phát triển chiều cao nhanh nhất. 1000 ngày đầu đời tốt thì tiềm lực giúp tăng trưởng chiều cao đến 50%.

Thời điểm trước 5 tuổi, gen không ảnh hưởng nhiều tới tăng chiều cao của trẻ, nhưng từ sau 5 tuổi trở đi, gen ảnh hưởng 50-80% chiều cao. Các nghiên cứu hiện nay cho thấy có tới 83 gen ảnh hưởng đến chiều cao. Nếu bố mẹ cao con có thể cao.

Theo tính toán của bác sĩ bố cao 1,65 mét mẹ 1,55 mét thì con nuôi kém cũng có thể cao được 1,66 mét và nuôi dưỡng tốt có lên tối đa 1,72 mét, một số trường hợp có thể cao nhưng rất hạn hữu.

Nhiều bà mẹ đến than phiền với bác sĩ con họ chăm sóc như nhau nhưng có bé cao, có bé không cao, BS Trương Hồng Sơn cho rằng, chiều cao  không chỉ phụ thuộc riêng dinh dưỡng mà còn có thể do thể trạng của trẻ. BS Sơn cũng cho biết, các sản phẩm quảng cáo tăng chiều cao trên ti vi hay trên mạng hiện nay đều không đúng.

Nếu phụ huynh mua các sản phẩm này cần phải xem có thành phần các chất dinh dưỡng dưới đây hay không: đạm (thịt), vi khoáng như canxi sắt kẽm, Vitamin A, D, K2…

Để phát triển chiều cao, cha mẹ cần quan tâm các chất dinh dưỡng đồng đều vì nếu chỉ bổ sung canxi mà bỏ qua vitamin D thì khả năng hấp thụ canxi cũng không có. Khi bổ sung vitamine D, cần cho trẻ ra ngoài ánh sáng để tổng hợp được vitamin D.

Tăng cường vi chất 

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, việc thiếu một số vi chất dinh dưỡng quan trọng như: vitamin A, sắt, folate, kẽm dẫn đến mù lòa, tổn thương não, thai chết lưu, tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, giảm năng suất lao động ở người trưởng thành. Tình trạng này ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ.

Thiếu sắt và iốt làm giảm chỉ số thông minh (IQ) ở trẻ em từ 10 - 15 điểm. Không chỉ vậy, suy dinh dưỡng thể thấp còi được coi là một trong những yếu tố làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, suy giảm sức khỏe khi còn nhỏ và đe dọa khả năng học tập cũng năng suất lao động khi đã trưởng thành, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, ung thư...

42 1 Chieu Cao Nguoi Viet Nam Trong Top Thap Nhat The Gioi

Nỗ lực cải thiện chiều cao của người Việt .

Ông Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, tình trạng trẻ suy dinh dưỡng xảy ra không phải là do thiếu ăn về lượng mà chủ yếu thiếu về chất do khẩu phần ăn của người dân không đảm bảo cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng quan trọng cho nhu cầu cơ thể, đặc biệt trong các giai đoạn quan trọng như đang mang thai, cho con bú, trẻ em đang trong thời kỳ phát triển thể chất.

Theo BS chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp- Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nguyên nhân khiến tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở trẻ em diễn ra là do thiếu kiến thức và thực hành tốt về chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và môi trường chưa tốt hay một số bệnh lý ở đường tiêu hóa. Nhiều phụ huynh còn thiếu kiến thức về nhu cầu dinh dưỡng và các vi chất dinh dưỡng hàng ngày của trẻ; không biết cách chọn các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng; chế biến, bảo quản thực phẩm không đúng cách; không tẩy giun định kỳ...

Chính vì vây, để khắc phục tình trạng trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng dẫn đến hạn chế phát triển chiều cao, thể chất, gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm thì cần có các chương trình phổ cập kiến thức về nhu cầu dinh dưỡng của trẻ theo độ tuổi; cách lên thực đơn, lựa chọn thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng; sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm đúng cách để bảo toàn các vi chất dinh dưỡng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để có thể đánh giá tình trạng dinh dưỡng của con mình, các bậc cha mẹ nên theo dõi cân nặng, chiều cao bé định kỳ hàng tháng, so sánh với các biểu đồ tăng trưởng. Cách khác là tính chỉ số cơ thể (Body Max Index- BMI) theo tuổi, theo giới để biết tình trạng dinh dưỡng của con bình thường không và có giải pháp can thiệp kịp thời.  

Minh Thúy - Báo Đại Đoàn Kết

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC