“Mấy tuần qua, mạng xã hội liên tục dậy sóng bởi một số vụ bê bối pháp đình, bởi những lời tố cáo xâm hại tình dục và kêu cứu vì bạo hành. Trong những bài viết trên mạng xã hội, có bao nhiêu tình cảm tốt đẹp thì cũng có bấy nhiêu lời mạt sát lẫn nhau được đưa ra...

Xem ra, thế giới ảo còn “khó sống” hơn cả đời thực”, là chia sẻ của TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội…

42 1 Chung Ta Song Ao Tu Bao Gio

Chúng ta sống ảo từ bao giờ ? (Ảnh minh họa)

Quá khứ sẽ không bao giờ được “xóa”

Một bạn trẻ bày tỏ:

“Nếu mọi người để ý trên mạng xã hội thì sẽ thấy có hai trào lưu. Một bộ phận tỏ ra bàng quan không quan tâm đến mọi thứ xung quanh, chỉ quan tâm đến bản thân của mình. Họ chụp ảnh “tự sướng”, họ biết chăm chó, yêu chó nhưng lại không quan tâm đến người khi dắt chó đi dạo mà không rọ mõm.

Họ quá ích kỷ và không quan tâm đến những người xung quanh. Trào lưu khác lại quá tập trung vào việc lên mạng “chém gió” và sử dụng quan điểm của người này để mạt sát người khác. Họ tấn công cá nhân chứ không tấn công quan điểm. Đó là hai trào lưu thái quá và đáng ngại trong giới trẻ bây giờ”.

Hải An, một công chức Hà Nội chia sẻ:

“Thông thường, trên trang cá nhân của chị em, nhiều chị khoe chồng con thái quá rằng họ đang rất hạnh phúc, đang được nâng niu chiều chuộng thì bản thân họ đang “bát ngát” đâu đó với… n “tình yêu đích thực”…

Hoặc chính bản thân họ đang đứng trước đổ vỡ. Và dù ở cả hai góc độ đó  thì chỉ một thời gian không lâu sau đó, gia đình họ sẽ ly tán. Bá đạo hơn, có bạn thông tin “từ ngày này tháng này, “chúng tôi đã không còn là vợ chồng. Con lớn theo bố, con bé theo mẹ. Mọi người vui lòng xin đừng hỏi”…

Có thể nói, ai cũng thấy vui vẻ bởi sự kết nối của mạng xã hội, khiến mọi người có thể cùng nhau chia sẻ những câu chuyện nho nhỏ hàng ngày, bạn bè bẵng vài chục năm có thể tìm lại nhau sau bao thăng trầm của cuộc sống… Là nơi mọi người có thể có cuộc sống ảo lung linh hơn đời thực, như “mơ về một nơi xa lắm”.

Nơi mọi người có thể nhắm tới nhiều cái đích khác nhau để “cạnh khóe” hay chọc tức đối phương, đồng nghiệp… Tất cả những mục đích, chủ ý từ bé tẹo tới to tát, tất cả như một “nồi lẩu thập cẩm” luôn tràn ngập trên mạng xã hội mỗi ngày… 

Ở góc độ khác, từng chịu không ít “gạch đá” từ cư dân mạng, TS. Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng cho rằng, khi những lời bình luận đối với lỗi vi phạm của một con người trên mạng xã hội được đưa ra thì google sẽ không bao giờ “quên” những vi phạm đó.

Quá khứ đó sẽ không bao giờ được xóa đi, con người không được trao cơ hội quay trở lại cộng đồng mà luôn bị “dán nhãn” khủng khiếp. Cơ chế này giống cơ chế “thích”, “dán nhãn” và hắt hủi những người phạm tội trong xã hội phong kiến. TS. Giang cho rằng, mạng xã hội đang biến thành một “quán bia khổng lồ”.

“Quán bia khổng lồ được thể hiện khi một vấn đề được đưa ra, những kẻ có âm mưu xấu có thể lợi dụng mạng xã hội để làm nhiễu. Những người dùng mạng xã hội có nguy cơ sống trong căn phòng đồng vọng, không tìm ra được tiếng nói, thảo luận với những người có chính kiến khác biệt”, TS. Giang cho biết.

Mạt sát nơi không nhìn vào mắt nhau

Chia sẻ quan điểm của mình, TS. Khuất Thu Hồng cho rằng, tạo ra thế giới ảo là phát minh vĩ đại của con người. Khi tri thức được mở ra không ngừng nhờ Internet, khi tương tác xã hội được nhân lên dường như vô hạn trên mạng xã hội, chúng ta tưởng mình đã được tự do hơn.

Tiếc thay, chúng ta vẫn chỉ là người trần mắt thịt, càng phát minh, càng không thể cất cánh vì bị ghim chặt ở mặt đất bởi sức nặng của chính mình”, TS. Khuất Thu Hồng nhận định.

Và câu hỏi đặt ra là, đến khi nào chúng ta mới đủ trưởng thành và thực sự tự do trong thế giới ảo này? Khi mà điện thoại thông minh dần chiếm hữu những cuộc trò chuyện trong  bữa cơm gia đình và mạng xã hội đôi khi lại là “con dao hai lưỡi” đối với một số câu chuyện được chia sẻ.

Nhờ internet, thế giới của chúng ta đang mở rộng không ngừng.

Nhiều cơ hội được mở ra, chỉ bằng một vài cú click chuột, hàng hóa được quảng bá rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước. Nhiều mô hình kinh doanh truyền thống cũng được chuyển đổi sang mô hình kinh doanh qua internet.

Công nghệ có khiến chúng ta thực sự hạnh phúc hơn hay bị ám ảnh, khủng bố và đau đớn hơn?

Vậy chúng ta đang đi về đâu? Tôi chợt nhớ đến câu hỏi mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh hay đặt ra cho các học trò của mình- Ta đã làm gì đời ta- và những suy nghĩ lan man của tôi về thế giới ảo chợt quay về day dứt.

Bởi theo TS Khuất Thu Hồng,  trên internet, chúng ta không nhìn vào mắt nhau, không biết nhau, nên chúng ta rất dễ dàng độc ác với người khác. Chúng ta cũng không hình dung được rằng, đằng sau avatar đó là một con người bằng xương bằng thịt. Đã có nghiên cứu chứng minh, người sống ở thời điểm gần đây khó được tha thứ và hòa nhập cộng đồng hơn so với những người mắc tội tương tự trước khi có internet.

Trả lời cho câu hỏi “thế giới ảo là gì?”, TS. Giáp Văn Dương, Chủ tịch GiapGroup nhận định: “Chúng ta cần thống nhất cách hiểu về thế giới ảo. Thế giới ảo cũng có sự vật vật lý, vật chất thực sự là thông tin. Từ đó tạo ra các giá trị, các tình huống trong thế giới ảo. Với cách nhìn đó, thế giới ảo chỉ là sự mở rộng thế giới chúng ta đang sống. Dù mở ra một cánh cửa khác nhưng vấn đề là chúng ta đang hoang mang chưa biết cách ứng xử thế nào với phần mở rộng này. Thế giới ảo thực sự nhiều tiềm năng nhưng dường như chúng ta chỉ là những người mới chập chững bước vào.

Chúng ta may mắn sống ở thời kỳ có thể hợp nhất thế giới thực và ảo. Chỉ có điều, chúng ta còn quá non nớt, chưa đủ trưởng thành và kinh nghiệm hành xử để có một cuộc sống hạnh phúc và tránh gây khổ đau, tổn thương cho người khác”.

Những yêu thương, sẽ ở lại…

“Chúng ta sống ảo từ bao giờ? Chúng ta sống ảo đến mức nào? Đời thực đã bị “xâm lăng” bởi thế giới ảo ra sao? Chúng ta sẽ còn sống thực được bao lâu?”, là những câu hỏi thảng thốt bởi theo TS Đặng Hoàng Giang, kinh nghiệm sống của nhiều năm trước đã không còn hữu ích trước thời đại này, và chúng ta sẽ phải quen với việc hoang mang.

Song, điều quan trọng là, với tất cả những điều mới mẻ do công nghệ mang lại, liệu chúng ta có một tập thể khoan dung hay không? Cho phép tất cả chúng ta có thể lên tiếng không hay trao quyền cho một nhóm nhỏ quyền lực? Có thể hỗ trợ những người yếu đuối, dễ tổn thương hay không? Chúng ta cần đảm bảo hệ giá trị, nhân văn của con người. 

Ngược lại với những âu lo trên, TS Giáp Văn Dương lại bày tỏ sự lạc quan bởi chúng ta đang bước vào một cuộc chơi lớn - khi thế giới thực và ảo kết hợp với nhau, đây là lần đầu tiên chúng ta được tham gia cuộc chơi này ngay từ đầu, sẽ không bị trễ như cả ba lần cách mạng công nghiệp trước đó. Khi người ta làm cách mạng công nghiệp lần 2, 3, chúng ta vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, dân trí thấp hoặc mù chữ, còn lần này, chúng ta không có chiến tranh, dân số trẻ, có hàng triệu người tốt nghiệp đại học, chúng ta đủ tri thức để lạc quan và phát triển. Chưa bao giờ chúng ta được tham gia một cuộc chơi lớn, toàn cầu như thế này. 

Có thể nói toàn bộ xã hội và con người, bao gồm cả các thiết chế chính trị, Nhà nước, pháp luật và đời sống công dân, đang đồng thời tồn tại trong hai không gian và thế giới riêng biệt: thật và ảo.

Vì vậy, chúng ta cần có nhận thức mới về không gian ảo, nghiên cứu và phân tích nó từ nhiều chiều cạnh, để làm sao nhận diện và tối đa hoá được các cơ hội tiệm cận tự do lớn hơn cho con người bằng cách làm cho hai thế giới thật và ảo đó gần nhau hơn, cùng hỗ trợ nhau vì cuộc sống tốt đẹp hơn của con người, thay vì dẫn nó đến biến dạng, méo mó và suy tàn... 

* Ông Nguyễn Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội: 

Giáo dục kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội

Thực tế việc sử dụng mạng xã hội hiện nay đặt ra yêu cầu phải xây dựng văn hóa ứng xử và giáo dục kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội  cho người tham gia, đặc biệt là giới trẻ.

Việc xây dựng văn hóa ứng xử trên môi trường mạng phải xuất phát từ nhiều phía:

Cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ và từ chính những người sử dụng. Những vấn đề của mỗi cá nhân trên cộng đồng mạng ảo phản ánh những tồn tại trong xã hội thật của chúng ta; bởi vậy, đã đến lúc không thể coi đây là việc riêng, đời sống riêng của mỗi cá nhân hay đơn thuần là trách nhiệm của cơ quan quản lý mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của từng người dân.

Chung tay xây dựng văn hóa cộng đồng mạng, góp phần lành mạnh hóa môi trường này, bắt đầu từ việc bản thân mỗi chúng ta có trách nhiệm hơn trong mỗi lời nhận xét, phê bình, hay gắn biểu tượng cảm xúc của mình khi tham gia mạng xã hội . 

* Em Đặng Thúy Hằng- Học sinh lớp 11D1, Trường THPT Yên Viên (Hà Nội):

Nhiều người đang lấy mạng xã hội để khoe mẽ

Mạng xã hội là con dao hai lưỡi với người sử dụng, nhất là với đối tượng giới trẻ hiện nay. Qua mạng xã hội, chúng em có thể tìm kiếm tài liệu để phục vụ cho việc học tập; giao lưu, kết bạn với bạn bè ở khắp mọi nơi; dễ dàng trao đổi thông tin với nhau, chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm của mình…

Tuy nhiên, thực tế có nhiều bạn đang lạm dụng mạng xã hội, lấy đây là nơi để khoe mẽ, nói xấu, đăng những thông tin lệch lạc có ý “câu like”, gây phản cảm và tác động xấu đến những người xung quanh; thậm chí nhiều người lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, hãm hại nhau…

Những ảnh hưởng tiêu cực này khiến nhiều bạn không xác định được phương hướng, cả trong việc học tập lẫn các hành vi, ứng xử trước các mối quan hệ xã hội, rơi vào sống ảo, thậm chí bị trầm cảm, rối loạn tâm lý… 

 

 

 

Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC