Tờ 200.000 đồng mà người lính đặc công nghèo đã giữ lại không tiêu ấy, dường như tố cáo nhiều tờ giấy bạc khác đang được hoang đàng ném đi.
Một ngày đầu tháng 7/2014, thượng uý Đỗ Văn Năm đưa tiền lương cho vợ. Anh chỉ “xin phép” vợ được giữ lại một tờ 200.000 đồng. Vì sắp tới có đợt huấn luyện dài 4 ngày.
Anh Năm hẹn chiều ngày 7/7 sẽ về sớm, đi đón con học mẫu giáo. Nhưng anh vĩnh viễn không về: sáng hôm đó, trong buổi huấn luyện cuối cùng, anh và 20 chiến sĩ khác đã hy sinh trong vụ rơi chiếc máy bay Mi171 ở Hoà Lạc.
Chị Thường bây giờ mắt vẫn ướt khi nhắc chồng. Tay chị giờ đeo cả hai chiếc nhẫn cưới của mình và chồng. Nhẫn vàng Tây mỏng dính, hai chiếc mới được một chỉ vàng Tây.
Chị làm giáo viên mầm non, anh làm lính, cái vest mặc ngày cưới cũng lo không có, đi ở nhà thuê. Giờ chị ở nhờ trong nhà công vụ của quân đội. Và chị vẫn giữ tờ 200.000 đồng anh mang đi.
Tờ 200.000 đồng ấy vẫn ở nguyên trong túi anh. Khi chị Thường nhận quân trang của chồng về, đem ra giặt trong nước mắt, chị thấy nó rơi ra. Mấy ngày đi huấn luyện, chồng chị đã không tiêu một đồng nào.
Tôi bây giờ cứ đọc về chi ngân sách là lại nhớ đến tờ 200.000 đồng ấy, của người liệt sĩ đã nhịn uống nước cả mấy ngày huấn luyện, để lại cho người vợ của mình.
Chỉ riêng trong quý I/2016, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện khoảng 2.500 khoản chi “chưa chấp hành đúng thủ tục” từ ngân sách nhà nước.
Tôi nghĩ phần lớn trong số này sẽ được bổ sung đầy đủ thủ tục và chứng từ sau khi được yêu cầu.
Nhưng con số ấy gợi ra một thực tế rộng hơn về chi ngân sách. Không một tuần nào tôi không đọc được những quan ngại về bội chi ngân sách, ở quốc hội, ở các đợt kiểm soát, ở các chính sách siết chặt.
Tháng trước (3/2016), trước Quốc hội, câu hỏi là bội chi ngân sách tăng so với phê duyệt của Quốc hội thì ai sẽ chịu trách nhiệm lại được nêu ra. Đến nay chưa có câu trả lời cuối cùng.
Cũng tại Quốc hội, có ý kiến phân tích rằng tổng nhân sự của Kiểm toán Nhà nước chỉ khoảng 1.800 người, bằng một bệnh viện Trung ương - mỗi năm chỉ kiểm toán được khoảng một nửa báo cáo ngân sách. Vậy thì kiểm soát thế nào? Lại là một câu hỏi chờ trả lời.
Tháng này, khi UBND TP Hà Nội đưa ra ý tưởng khoán kinh phí đi lại cho cán bộ (tức là cho một khoản cố định để tự túc phương tiện, ví dụ đi taxi, thay vì dùng xe công), thống kê đưa ra mới giật mình: nếu cán bộ tự túc phương tiện, thì mỗi cán bộ giúp ngân sách tiết kiệm được… 200.000.000 đồng mỗi năm.
Ngân sách đang rất khó khăn và trong khi đất nước còn bao nhiêu khoản cần phải chi thì ở khắp nơi người ta nhìn thấy những khoản bội chi không thể được giải trình hoặc giải trình không thuyết phục.
Chị Thường sẽ không bao giờ bắt được người đàn ông của mình “giải trình” về cái khoản… không chi bất hợp lý kia. Chị sẽ không bao giờ được hỏi anh rằng tại sao phải tiết kiệm đến thế, tại sao không uống chai nước ngọt nào trong căng-tin những ngày huấn luyện ấy.
Nhưng chị Thường sẽ không buồn: dù chỉ là 200.000 đồng, một khoản tiền rất bé so với những ngày cơ cực chờ mẹ con chị trước mắt, tờ giấy bạc được giữ lại ấy nói rằng bố của con trai chị là một người đàn ông tốt. Chị có quyền kể lại về nó với sự tự hào, dù trong nước mắt.
Đôi khi người ta có thể đánh giá một con người qua cách họ đối xử với chỉ một đồng bạc lẻ, nhất là khi đang mang nặng trách nhiệm với những người khác. Tờ 200.000 đồng mà người lính đặc công nghèo đã giữ lại không tiêu ấy, dường như tố cáo nhiều tờ giấy bạc khác đang được hoang đàng ném đi.
ĐỨC HOÀNG
VNEXPRESS