Đi xuất khẩu lao động 'có tiền xây nhà, mua đất' nhưng đính kèm nỗi lo tụt hậu.

Tôi không đánh giá việc đi xuất khẩu lao động là lợi hay hại. Nhưng có nhiều người đi xuất khẩu lao động được thu nhập tốt hơn, đem ngoại tệ về phát triển kinh tế địa phương đó là việc tốt.

Ở làng tôi không dưới 100 người đi xuất khẩu lao động, trong đó có khoảng 10 em là vừa tốt nghiệp đại học xong là đi ngay, trong đó có hai người em họ của tôi). Còn lại là những người mới chỉ tốt nghiệp cấp ba, trung cấp, đã từng làm công nhân.

1 Chuyen Tram Nguoi Tre Lang Toi Di Xuat Khau Lao Dong

Xét về quy mô lớn tôi không có số liệu, nhưng với thực tế ở làng thì tôi thấy:

Tuy người có thể đi theo diện kỹ sư lương cao hơn đi theo kiểu công nhân, nhưng người làm công nhân thì đã từng chịu khổ, tiết kiệm hơn, có định hướng rõ ràng hơn nên sau 5 năm về thì họ gần như tiết kiệm được số tiền như nhau.

Về kinh nghiệm làm việc học tập được tại nước ngoài, nhiều bạn nói rằng nó không phù hợp tại Việt Nam và các bạn ấy không sử dụng và cũng không muốn sử dụng lại nó. Hầu hết đều dùng tiền dành dụm khi đi xuất khẩu lao động để xây nhà, mua thêm đất, mở hàng quán kinh doanh nhỏ.

Điều này tốt với những người chỉ học cấp ba, nhưng không biết có tốt hơn so với người đã học đại học không?

Đi xuất khẩu lao động rất tốt, nhưng chỉ tốt với những người có định hướng rõ ràng, có kế hoạch cho tương lai sau khi về nước. Ví dụ: Các bạn ấy phải học được tiếng Nhật, Trung, Anh sau khi hết thời gian ở bên đó về nước xin việc trong các công ty liên doanh với chính các quốc gia đó.

Tuy nhiên, tôi thấy rất nhiều bạn vừa học xong ra trường thì đi xuất khẩu lao động ngay. Sang đó làm công nhân, nhân viên đứng máy, dây chuyền, cả ngày không được nói chuyện với ai, làm 10-12h mỗi ngày đêm về mệt mỏi, cũng không học được ngoại ngữ.

Thế là 5 năm về nước chỉ số tiền tích cóp, không học được tiếng, kinh nghiệm thì chỉ đứng máy dây chuyền như công nhân nên rất khó xin việc cấp bậc nhân viên có kinh nghiệm, buộc phải làm công nhân hoặc tính như sinh viên vừa ra trường.

Các bạn ấy còn rất ít kinh nghiệm sống, sốc văn hóa, khó làm yên được một chỗ, hay nhảy việc nên cuối cùng lựa chọn kinh doanh riêng hoặc chạy Grab cho thoải mái. Tuy nhiên chưa có kinh nghiệm sống kinh doanh riêng cũng rất khó khăn.

10 năm nữa sự chênh lệch giữa em tôi và những người bạn cũng học xong nhưng không đi xuất khẩu lao động sẽ hiện ra, lúc đó chúng ta sẽ có đánh giá khách quan nhất.

Nguyen Anh Cuong




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC