Huyện nghèo Hiệp Đức (Quảng Nam) vừa chi 1,1 tỷ đồng để xây cổng chào nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập.
Tuy nhiên, báo Người lao động dẫn lời ông Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, cho biết huyện Hiệp Đức đã thành lập 30 năm nhưng chưa có cái cổng chào nào trong khi các huyện khác trong tỉnh đều đã có nên người dân “rất có nguyện vọng”.Một chiếc cổng chào tiền tỷ, bề thế thuộc hàng “khủng” đang được gấp rút xây dựng để chào mừng sự kiện 30 năm ngày thành lập huyện Hiệp Đức. Điều đáng nói là dân huyện Hiệp Đức chủ yếu kiếm sống bằng nghề làm nông, 18% thuộc diện hộ nghèo.
Khổ chưa, huyện đã thành lập 30 năm mà chưa có cái cổng chào nào, so với các huyện khác thì kém cạnh, thế nên dân có nguyện vọng thì các bác mới xây. Giá như ông huyện cung cấp cho nhà báo một danh sách tên tuổi địa chỉ của những người dân nào có nguyện vọng xây cổng chào để dư luận cả nước biết thì tốt quá.
Chuyện người dân không ước ao có một ngôi trường mới, một trạm xá mới, một đoạn đường mới để cuộc sống bớt khó khăn, mà lại khao khát có một cái cổng chào, trần đời tôi mới nghe thấy lần này là lần đầu. Cái cổng chào thì giúp gì cho cuộc sống của họ? Nếu để báo hiệu đây là địa phận huyện Hiệp Đức, chỉ cần 1 cái biển dựng bên đường kiểu “Huyện Hiệp Đức kính chào quý khách” là được. Cần gì phải có cổng chào to bề thế như dọa người?
Cái tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy”, huyện người ta có cổng chào thì huyện mình cũng phải có cổng chào, nước người ta có tháp truyền hình thì nước mình cũng phải tức tốc xây một cái tháp to hơn, bất cần biết khả năng kinh doanh thu hồi vốn sau này rất mù mờ đang khiến ngân sách ngày càng cạn kiệt.
Huyện Hiệp Đức để xây cái cổng chào, đã phải xin kinh phí từ tỉnh là 500 triệu đồng, huyện chi thêm để xây cổng với quy mô 800 triệu đồng. Tuy nhiên quá trình làm vướng đường điện phải di dời nên mất 300 triệu đồng nữa, công trình đội vốn lên 1,1 tỷ đồng.
Khốn khổ, giá làm một cái biển cắm bên đường, chắc chỉ vài chục triệu đồng, đằng này người ta vẽ ra một cái cổng thật to, cái cổng ấy vướng vào đường dây điện, lại mất thêm 300 triệu đồng nữa. Tiền cứ như vỏ hến, như vàng mã, cứ bốc ra mà chi không thấy xót tay, vì đó là tiền ngân sách mà.
Đọc những tin tức thế này, thấy nhói lòng ghê gớm. Sao huyện nghèo nào cũng cố làm một cái cổng chào thay vì dè xẻn từng đồng mà giúp dân thoát nghèo? 1,1 tỷ đồng với một huyện nghèo như Hiệp Đức có thể giúp bao nhiêu người thoát nghèo, nếu mỗi hộ nghèo chỉ cần được trợ cấp 10 triệu đồng vốn để thoát nghèo, sẽ có 100 hộ gia đình với ít nhất 400 nhân khẩu được tiếp sức.
Huyện, người nghèo chỉ có một cái cổng chào tiền tỷ hoành tráng mà họ đi qua phải ngửa cổ mới ngắm được hết độ bề thế của nó. Khi phóng viên đặt vấn đề về sự tốn kém lãng phí, ông chủ tịch huyện trả lời: “Công trình nằm ở ngã ba đường, qua 2 trục đường nên thấy quy mô và hơi tốn kém. Cổng chào kiên cố, sử dụng lâu, đầu tư có mấy trăm triệu như vậy không lãng phí đâu”.
Tư duy của quan thì không thấy lãng phí, đầu tư có mấy trăm triệu thôi ấy mà. Bởi ông không nhìn từ góc độ của người dân nghèo, ông nhìn từ góc độ của người phê duyệt dự án để tiêu tiền ngân sách. Nếu xây một công trình dân sinh, rồi gắn biển kỷ niệm 30 năm thành lập huyện thì có phải tốt cho người nghèo hơn không?
Một cái cổng chào vô tri vô giác đứng giữa đường, chôn một đống tiền ngân sách vào đó, trong khi dân huyện còn nghèo, chắt bóp từng đồng để đóng thuế. Nó là sự phản chiếu rõ nhất cái tư duy của các cán bộ bây giờ, đó là chi tiêu bạt mạng, bất cần tính đến lợi ích thiết thực cho đời sống người dân, những người đang còng lưng đóng thuế.
-
Mi An