Hãy hình dung, nếu học sinh không nói thật suy nghĩ của các em, cái gì cũng vâng dạ, cũng đồng ý, cũng “ok”, nhưng trong bụng thì chúng mù mờ hoặc nghĩ khác, thì đó không những là một tai họa tiềm tàng mà còn là một thiệt hại hiện tiền.

1 De Hoc Sinh Noi That Suy Nghi Cua Minh La Dieu Vo Cung He Trong

Trong giáo dục tiến bộ, việc khuyến tấn để học sinh nói thật suy nghĩ của mình là điều vô cùng hệ trọng, và nó được bảo vệ. Vì sao?

  • Thứ nhất, đó là quyền con người, quyền công dân, thứ quyền thiêng liêng mà thế giới văn minh và cả hiến pháp của nước Việt Nam đều ghi nhận.
  • Thứ hai, điều đó có ý nghĩa và giá trị đặc biệt trong giáo dục cũng như trong quản trị xã hội.

    Nếu một học sinh nói ra suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá...của mình, và là nói đúng, thì điều đó đang giúp cho nhà giáo dục củng cố/ khẳng định được rằng cách thức của mình là đúng; nhưng điều em học sinh kia nói ra là sai, là méo mó, là nông cạn..., thì nhà giáo dục phải tự coi lại để tìm cho ra nguyên nhân, rằng nội dung, phương pháp giáo dục của mình đang không ổn ở đâu.

    Và phải tìm cách điều chỉnh. Đây chính là "bí quyết" để mọi thứ không ngừng được hoàn thiện, thay vì bị tha hóa.

Nhà giáo dục không thể biết được mình đang đúng hay đã sai, và cứ thế cắm cúi giảng bài, trong khi học sinh không thu nhận được gì hoặc âm thầm phản kháng.

Một chương trình giáo dục hay một chính sách xã hội được ban ra, giả sử nó đúng, nhưng lại khiến học sinh và người dân phản ứng, thì ít nhất chủ thể phải tự coi lại, xem khâu “truyền đạt” của mình đang có vấn đề ở chỗ nào. Nếu mọi người không hiểu, không tin, không đồng ý nhưng lại đồng loạt gật đầu, thì hậu quả sẽ thế nào? Chắc ai cũng hình dung được.

Cho nên, việc nói ra cái suy nghĩ thật của mình, giả sử suy nghĩ ấy là ấu trĩ đi chăng nữa, nó cũng vẫn là một món quà cho nhà quản lý, nhà giáo dục.

2 De Hoc Sinh Noi That Suy Nghi Cua Minh La Dieu Vo Cung He Trong

Câu chuyện về một phát ngôn của em học sinh lớp 12 đang ồn ào trên báo chí và mạng xã hội, là câu chuyện của ngành giáo dục, chứ không phải ngành công an.

Bạn sinh một đứa con ra, nuôi nấng, dạy dỗ hết lòng, nhưng nó vẫn có thể không yêu bạn hoặc không hợp với bạn.

Điều đó rất phổ biến và không ngạc nhiên, dù đáng buồn và có thể khiến bạn đau lòng. Nhưng bạn không thể vì thế mà mời công an vào để “làm việc” với nó.

Bạn chỉ có thể làm điều đó khi nó có những hành vi phạm pháp, ví dụ như bạo lực đối với cha mẹ.

Còn sự yêu ghét, lòng tin tưởng hay những cảm xúc cá nhân, đó là tình cảm tự nhiên của con người. Không ai đi mời công an khi có một người không thích hoặc không tin mình cả. Trên hết, nếu muốn thể hiện bản lĩnh hoặc sự yêu thương thật lòng, bạn vẫn phải đi bằng con đường của giáo dục chân chính, còn không thì phải tôn trọng những xúc cảm tự nhiên ấy.

Bao dung và tôn trọng, đó là những phẩm chất của một xã hội văn minh.

Chính nó mới nâng đỡ học sinh và con người nói chung, để họ yêu quý, tin tưởng, đền đáp..., bằng chính tình cảm chân thật của họ.

Mọi sự cưỡng bách, nhất là cưỡng bách tình cảm và suy nghĩ của con người, đều sẽ để lại những di chứng và di hại lâu dài, không những cho cá nhân mà còn cho xã hội.

Tôi nghĩ, lúc này, đây chính là một cơ hội quý để ngành giáo dục và cộng đồng thể hiện sự văn minh ấy của mình, thay vì chứng tỏ điều ngược lại.

Nhà báo Thái Hạo




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC