Đặng Văn Robert (Đặng Văn Việt) sinh năm 1984, có cha là người Việt Nam và mẹ là người Slovakia. Năm 2008, Đặng Văn Robert về Việt Nam thử việc tại SLNA nhưng mối duyên bất thành.
Đâu là nguyên nhân đằng sau xu hướng đó? Liệu có phải do ĐTQG đang khắt khe với họ, hay bản chất vấn đề xuất phát từ chính các cầu thủ
Ngoại binh nhập tịch - lợi bất cập hại
Khoảng 10 năm trước, bóng đá Việt Nam đã mở cửa, tạo điều kiện cho một số ngoại binh nhập tịch lên tuyển. Họ là những cầu thủ có chất lượng chuyên môn rất tốt, được thể hiện đều đặn ở V.League nhiều năm liền.
Với những ngoại binh trong đội hình, ĐT Việt Nam từng giành chiến thắng trước CLB Olympiacos. Người ghi bàn thắng duy nhất hôm đó là tiền đạo Đinh Hoàng Max. Ở khung gỗ, một cầu thủ nhập tịch là thủ môn Đinh Hoàng La liên tiếp cứu thua.
Xét trên bình diện quốc tế, chuyện một ngoại binh nhập tịch rồi thi đấu cho một quốc gia khác không phải quá lạ lẫm. Deco và Pepe là người Brazil nhưng khoác áo ĐT Bồ Đào Nha.
Đội hình Tây Ban Nha vô địch EURO 2008 có Marcos Senna, một người Brazil thứ thiệt; sau này họ còn có thêm Diego Costa. Thiago Motta và Jorginho cũng là người Brazil chính gốc nhưng lại chọn khoác áo ĐT Italia. Tại châu Á, ĐT Nhật Bản và Indonesia cũng từng cho cầu thủ nhập tịch lên tuyển. Singapore thậm chí từng 3 lần vô địch AFF Cup vào các năm 2004, 2007 và 2012.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt rất lớn giữa cách dùng cầu thủ nhập tịch của các đội tuyển châu Âu với các đội tuyển châu Á. Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay Italia không bao giờ lạm dụng các cầu thủ nhập tịch, và họ luôn hạn chế tối đa việc gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển nếu có thể.
Trên thực tế, thành tích thi đấu của các đội tuyển châu Âu thường không bị ảnh hưởng bởi việc có hay không sử dụng cầu thủ nhập tịch. Ví dụ tiêu biểu là trường hợp của ĐT Tây Ban Nha: Gạt Marcos Senna khỏi ĐTQG, họ vẫn vô địch World Cup 2010.
Ngược lại, các ĐTQG châu Á (trừ Nhật Bản) lại thường lạm dụng quá đá cầu thủ nhập tịch, qua đó hạn chế cơ hội thi đấu của những cầu thủ bản xứ. ĐT Singapore chính là ví dụ tiêu biểu.
Sau khi vô địch vào năm 2012, 3 kỳ AFF Cup tiếp theo Singapore đều phải dừng bước ngay từ vòng bảng. Họ đang phải trả giá sau một thời gian dài sử dụng ngoại binh khiến các tài năng trẻ không có cơ hội trau dồi bản thân, còn chính các ngoại binh cũng dần thui chột vì luống tuổi.
Vì thế, những ĐTQG như Nhật Bản sau một giai đoạn từng để cầu thủ nhập tịch lên tuyển, giờ đây bắt đầu trở lại với xu hướng sử dụng 100% cầu thủ nội.
Người láng giềng của họ, ĐT Hàn Quốc luôn nói không với ngoại binh, nhưng vẫn đạt thành tích tốt ở những giải đấu quốc tế. Hàn Quốc cho thấy một ĐTQG hoàn toàn có thể tiến bộ mà không cần dùng đến cầu thủ nhập tịch.
Thay vì biến ĐTQG thành một "CLB đa sắc tộc", tạo điều kiện cho những cầu thủ bản xứ thi đấu không chỉ thể hiện bản sắc dân tộc, mà còn khuyến khích thế hệ trẻ chơi thể thao với ước mơ khoác áo ĐTQG trong tương lai.
Việt kiều không lên tuyển vì chưa đủ tốt
Trái với vấn đề cầu thủ nhập tịch, ĐT Việt Nam lại khá thoải mái đối với việc sử dụng cầu thủ Việt kiều. Mạc Hồng Quân, Michal Nguyễn từng góp mặt trong màu áo ĐTQG và U23. Thủ môn Đặng Văn Lâm thậm chí còn được CLB Muangthong United của Thái Lan chiêu mộ sau khi vô địch AFF Cup.
2 năm qua, Lâm "tây" là lựa chọn số 1 trong khung gỗ của ĐT Việt Nam nhờ thể hình to cao và những pha cứu thua xuất thần. Ngoài ra, VFF cũng thể hiện quan điểm muốn tạo điều kiện cho những cầu thủ Việt kiều về nước thi đấu.
Tuy nhiên, theo như chia sẻ của Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải, điều kiện là "phải chọn đúng người tài". Điều đó có nghĩa là những cầu thủ Việt kiều đó phải thực sự có chuyên môn tốt, nổi trội hơn những cầu thủ trong nước để xứng đáng khoác áo ĐT Việt Nam.
Trên thực tế, những cầu thủ Việt kiều vẫn thường có suy nghĩ lệch lạc về bóng đá Việt Nam.
Họ cho rằng mình được đào tạo ở những nền bóng đá phát triển hơn Việt Nam thì chắc chắn giỏi hơn những cầu thủ bản xứ. Đó là suy nghĩ sai lầm.
Không ít cầu thủ Việt kiều như Đặng Văn Robert, hay Adriano Schmidt phải chật vật tìm chỗ đứng khi về thi đấu ở V.League. Ngay cả Văn Lâm cũng từng phải ngồi dự bị hơn 1 năm ở Hải Phòng mới được bắt chính thay người đàn anh Xuân Việt.
Kém may mắn hơn, một số người như Keven Nguyễn sớm phải rời Việt Nam vì trình độ chuyên môn không tốt. Thông tin đầy đủ từ Internet có thể giúp các CLB Việt Nam nắm thông tin cơ bản về một cầu thủ Việt kiều mà không bị "lòe" bởi lý lịch chơi bóng ở nước ngoài như trước kia.
Emil Lê Giang từng thử việc thất bại khi về nước.
Emil Lê Giang có thể là ví dụ tiêu biểu về một cầu thủ Việt kiều mang lý lịch hoành tráng nhưng thi đấu kém. Năm 2012, anh về thử việc với bản CV từng chơi bóng ở Đức và Slovakia. Khi Emil Lê Giang bị đánh trượt, ĐT Việt Nam từng bị chỉ trích vì "đóng cửa với tài năng ở nước ngoài muốn về đóng góp cho quê hương".
Tuy nhiên, những gì Emil Lê Giang thể hiện sau đó ở trời Âu đã cho thấy khả năng thực sự của anh. Là một tiền đạo, nhưng sau 10 mùa giải thi đấu chuyên nghiệp, anh mới chỉ thi đấu 31 trận và ghi vỏn vẹn 4 bàn thắng.
Ngoài ra, lạm dụng cầu thủ Việt kiều cũng nguy hiểm không kém lạm dụng ngoại binh nhập tịch. Trong khu vực Đông Nam Á, Philippines là một ví dụ khác cho thấy mối nguy tiềm tàng của việc tiếp nhận tràn lan cầu thủ hải ngoại. ĐT Philippines liên tục để họ về thi đấu mà không kiểm tra gắt gao trình độ chuyên môn.
Kết quả là thành tích của bóng đá Philippines ở đấu trường quốc tế cũng chẳng khá lên. Tại AFF Cup vừa qua, Philippines với nhiều cầu thủ hải ngoại đã phải thua tâm phục khẩu phục ĐT Việt Nam. Bước vào Asian Cup, Philippines cũng sớm bị loại sau 3 trận toàn thua.
Từ những câu chuyện đáng tiếc trong quá khứ như một số trường hợp cụ thể, đến sự thụt lùi của bóng đá Singapore và Philippines, VFF rõ ràng có lý khi nói "không" với ngoại binh nhập tịch, cũng như thẩm định kỹ càng chất lượng của từng cầu thủ Việt kiều muốn khoác áo ĐTQG. Cầu thủ đó không chỉ đáp ứng tốt về mặt chuyên môn, mà còn phải thể hiện tinh thần như một người Việt Nam, chiến đấu vì màu cờ sắc áo đội tuyển.
Những cầu thủ Việt kiều chưa từng khoác áo ĐTQGYohan Cabaye chắc chắn là cầu thủ Việt kiều nổi tiếng nhất. Anh từng có thời gian khoác áo những CLB hàng đầu châu Âu như Lille, Newcastle, PSG và Crystal Palace. Năm 2010, Cabaye bất ngờ chia sẻ nếu không được triệu tập vào ĐT Pháp, anh sẽ khoác áo ĐT Việt Nam. Cabaye có bà nội là người Việt Nam. Khi ĐT Việt Nam gặp Jordan ở Asian Cup 2019, Cabaye đã đến sân cổ vũ và chia sẻ: "Tôi không thể bỏ lỡ cơ hội xem ĐT Việt Nam thi đấu. Việt Nam rất đặc biệt với tôi". Tương tự Cabaye, một cầu thủ Việt kiều khác là Lee Nguyễn từng chơi bóng ở châu Âu khi có 2 mùa giải khoác áo PSV. Năm 2009, anh về Việt Nam đầu quân cho HA.GL, rồi chuyển sang khoác áo B.Bình Dương. Tuy nhiên, Lee Nguyễn lại không thể khoác áo ĐT Việt Nam vì trước đó đã chơi 3 trận trong màu áo ĐT Mỹ. Cuối năm 2011, Lee Nguyễn rời Việt Nam để thi đấu tại MLS. Lee Nguyễn từng có tên trong đội hình tiêu biểu của MLS năm 2014. Không giống Cabaye hay Lee Nguyễn, Tristan Do từng rộng đường khoác áo ĐT Việt Nam. Anh có ông bà là người Việt Nam di cư sang Thái Lan lập nghiệp. Tristan Do sinh ra và lớn lên ở Pháp, từng có thời gian chơi bóng tại Pháp. Nhưng thay vì khoác áo ĐT Việt Nam, anh lại chọn ĐT Thái Lan. Tristan Do sau đó còn khiến CĐV Việt Nam nóng mặt vì tuyên bố chưa bao giờ coi Việt Nam là quê hương của mình, dù anh từng được mời thi đấu cho U23 Việt Nam. Trong số những cầu thủ trẻ gốc Việt thi đấu tại nước ngoài hiện nay, Kelvin Bùi là một trong những nhân tố triển vọng nhất. Là sản phẩm của lò đào tạo trẻ CLB Vitesse Arnnhem, anh vừa được triệu tập vào đội U17 Hà Lan. Vị trí sở trường của Kelvin Bùi là hậu vệ cánh phải. Mùa giải vừa qua, Kelvin Bùi đã chơi 25 trận trong màu áo U17 Vitesse Arnnhem, ghi 1 bàn và có 1 pha kiến tạo. Anh được đánh giá là cầu thủ có tốc độ, sức mạnh và triển vọng tiến xa trong tương lai. |
Nguồn: Cẩm Chi/ cand.com.vn