“Lạm dụng vật chất để tế Tổ là những người không hiểu gì về nghệ thuật và đang làm sai đi tinh thần của Tổ”. GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc chia sẻ quan điểm xung quanh câu chuyện nghệ sĩ Hoài Linh xây nhà thờ Tổ nghề sân khấu râm ran suốt thời gian gần đây do gặp rắc rối về thủ tục cấp phép.
GS Hoàng Chương. Ảnh: Nguyễn Vũ
Là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa dân tộc, ông có thể cho biết nguồn gốc của tổ nghề sân khấu?
Theo truyền thuyết dân gian từ xa xưa, hát bội ra đời ở Bình Định do công của ông Đào Duy Từ.
Có tài ca hát nhưng bị vua Lê cấm đi thi, cấm biểu diễn nên ông đã trốn vào Nam sống ở huyện Hoài Nhơn và dạy người dân ở đây múa hát kèm theo các động tác múa võ.
Đó chính là khởi nguồn của nghệ thuật tuồng. Sau này, người ta nhớ đến ông như nhớ đến ông Tổ nghề hát bội nhưng không lập bàn thờ.
Lại có truyền thuyết nói rằng Tổ nghề sân khấu xuất thân từ ăn màyvì nghề hát xưa nay sống nhờ vào đồng tiền của khán giả, ngày xưa hát rong xin bố thí hoặc để cái bát, cái khay để khán giả thấy hay thì bỏ vào.
Cũng vì vậy mà nghệ sĩ làm từ thiện ở đâu thì làm chứ không dám bố thí cho người ăn xin, vì như thế là phạm thượng với Tổ.
Tuy nhiên, khi nói đến thực hành lễ Tổ thì trên bàn thờ Tổ sân khấu thường thờ hai tượng em bé mà theo truyền thuyết là hai hoàng tử. Vì hiếm muộn nên để tạ ơn trời đất đã ban cho mình hai đứa con, nhà vua bèn lập đoàn hát biểu diễn trong cung ca ngợi công ơn trời đất để tỏ lòng thành của mình. Không ngờ hai hoàng tử lại quá ham xem hát, thường xuyên trốn đi xem hát và chết luôn trong buồng hát vào ngày 12/8 âm lịch. Người nghệ sĩ đã mượn hai vị hoàng tử này làm thần hộ mệnh cho nghề hát và ngày mất của hai vị trở thành ngày giỗ Tổ. Sau này nhiều nơi đặt ba tượng vì kiêng số chẵn.
Ban đầu ngày giỗ Tổ chỉ dành cho giới cải lương, hát bội, tuồng chèo. Nhưng về sau này giới tân nhạc cũng xem đây là ngày giỗ Tổ của mình. Năm 2010, Hội Sân khấu TPHCM cũng đã quyết định chọn ngày 12/8 âm lịch làm Ngày Sân khấu Việt Nam.
Theo ông, có hay không chuyện “Tổ đãi”, “Tổ trác”?
Quan điểm của tôi thì thành công hay thất bại là do những nỗ lực cố gắng của bản thân, không làm gì thì có thờ Tổ cả đời cũng đừng mong thành công. Tuy nhiên, ông Tổ giống như đức tin của nghệ sĩ vậy.
Có thể đó chỉ là sự tưởng tượng nhưng nếu nghệ sĩ cảm thấy được Tổ nhập, Tổ phù hộ thì lúc ra sân khấu cũng tự tin hơn và diễn hết mình. Điều đó góp phần làm nên sự thăng hoa cho nghệ sĩ.
Trong giới nghệ sĩ, ông Tổ được xem là vị quan tòa công minh, Tổ sẽ đãi khi nghệ sĩ siêng năng, yêu nghề hay Tổ trác khi nghệ sĩ thiếu sự nghiêm túc. Nặng hơn nữa là bị Tổ hành thì khi về già sẽ bệnh tật, mất trí, hoặc đi ăn xin.
Như vậy, việc tin tưởng vào Tổ nghề có thể giúp người nghệ sĩ sống tốt hơn và có trách nhiệm với nghề hơn.
Trong mâm cỗ tế Tổ của giới nghệ sĩ, bên cạnh heo quay, bánh trái thì nhiều người còn cúng cả son phấn, nước hoa, thậm chí có cả đô la tiền thật để phát lộc. Ông nghĩ gì về điều này?
Đó là một sự biến tướng cần bài trừ. Cúng Tổ chỉ là một hình thức tưởng nhớ, biết ơn. Nó nằm ở tâm mỗi người chứ không phải ở mâm cao cỗ đầy.
Bản thân việc tưởng nhớ Tổ tiên, những người đi trước là việc nên làm và là nét văn hóa dân tộc cần được giữ gìn, nhưng cũng cần nhìn nhận rõ hơn dưới góc nhìn của những tư duy hiện đại, khoa học để bớt tốn kém tiền của và sự u mê.
Lạm dụng vật chất để tế Tổ là những người không hiểu gì về nghệ thuật và đang làm sai đi tinh thần của Tổ.
Vậy theo ông, các nghệ sĩ nên thực hành việc cúng Tổ nghề như thế nào cho đúng?
Thường ở sân khấu nào cũng có bàn thờ Tổ. Theo truyền thống, trước khi ra sân khấu diễn, nghệ sĩ chỉ cần thắp hương bái Tổ, xin Tổ phù hộ cho họ một buổi diễn thành công.
Còn đến ngày giỗ Tổ, các nghệ sĩ quây tụ cùng nhau diễn lại những vở diễn mình tâm đắc như một lời báo Tổ chúng con vẫn đang giữ nghề, khoe với Tổ những tiến bộ, chứ không phải là ngồi ăn uống, chè chén với nhau.
Tế Tổ là phải tế bằng nghệ thuật biểu diễn.
Dựng một nhà thờ tổ chung cho giới nghệ sĩ thì cũng được nhưng không cần thiết. Đã là ông Tổ của nghệ thuật thì hãy để Tổ gắn liền trong tim mỗi người nghệ sĩ. Đâu cần phải phô diễn bằng vật chất, hình thức làm gì cho tốn kém.
Xin cảm ơn GS!
Theo Tiền Phong