(Trao đổi với tác giả Nguyễn Ngọc Minh Michael từ bài báo trên Báo Dân Trí)
Về quan điểm ủng hộ làm mái che đường phố, Báo Dân trí ngày 28/3 đã đăng tải bài viết Đường có mái che vỉa hè: Nên hay không? của tác giả Michael Nguyễn Minh, một “chuyên gia kinh tế tài chính”, và là “công dân Singapore gốc Việt”. (https://dantri.com.vn/.../duong-co-mai-che-via-he-nen-hay...)
- Hình, từ bài báo của tác giả Michael Nguyễn Minh
Căn cứ chủ yếu mà tác giả dựa vào là “kinh nghiệm của Singapore” trong vấn đề này. Theo anh Michael Nguyễn Minh, “Đường đi bộ có mái che là một phần quan trọng của kiến trúc đô thị Singapore ngay từ những năm 1960”. “Tổng thể, đường đi bộ với mái che tại Singapore là một phần trong chiến lược đô thị thông minh của thành phố, giúp tạo ra không gian sống xanh, hiện đại và thân thiện với môi trường, thúc đẩy giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân”.
“Hiện nay, Singapore có hàng trăm km đường đi bộ có mái che”. “Các nước tiên tiến khác trên thế giới xây dựng đường đi bộ có mái che theo nhiều kiểu dáng, kích thước khác nhau tùy thuộc vào điều kiện khí hậu, văn hóa và kiến trúc địa phương”.
Ngoài nhiều tiện ích của mái che được tác giả trình bày thì trọng tâm là “cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân” mà ở đó quan trọng nhất là thúc đẩy việc đi bộ. “Người dân Singapore hiện nay đang giữ kỷ lục là dân đi bộ nhanh nhất thế giới và nhiều nhất thế giới”, từ đó góp phần nâng cao sức khỏe và tuổi thọ.
Giả sử như tất cả các thông tin về mái che đường phố ở Singapore được tác giả Michael Nguyễn Minh chia sẻ là đúng 100%, thì vẫn phải xét đến những tồn tại và điều kiện khác, để tránh tình trạng “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”.
Đầu tiên là các thông tin liên quan đến cây xanh đô thị. Đối với những thành phố như thành phố Hồ Chí Minh thì tiêu chuẩn là 12 - 15m2 cây xanh/người. Nhưng hiện tại, thành phố này mới chỉ đạt 0.5m2/người, tức tương đương với 8% (còn thiếu tới 92% nữa mới đạt chuẩn trung bình của thế giới). Con số này là thấp đến mức tồi tệ.
Ông Vũ Văn Điệp, giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng), cho biết: Với vận tốc tăng trưởng cây xanh như hiện nay, “để đạt được diện tích cây xanh công cộng theo tiêu chuẩn (12 - 15m2/người) thì TP.HCM phải mất mấy ngàn năm"! Xin nhớ là “mấy ngàn năm” nữa! (https://tuoitre.vn/tp-hcm-phai-mat-may-ngan-nam-moi-dat...).
Còn Singapore? Theo Báo Tuổi trẻ (2017), các chuyên gia nghiên cứu từ trường đại học MIT của Mỹ vừa công bố danh sách những thành phố nhiều cây xanh nhất thế giới, thì trong đó Singapore đứng số 1 - là number one! Gần 1/3 diện tích (29,3%) của thành phố này là cây xanh! (https://tuoitre.vn/15-thanh-pho-nhieu-cay-xanh-nhat-the...)
Mang một thành phố nhiều cây xanh nhất thế giới để so với một đô thị thuộc loại bét rồi “bắt chước” làm mái che là không hợp lý. Người ta làm mái che là trong cái tổng thể ấy, và những chiếc mái nhỏ đó được đặt trên những đường phố mà nhìn hình minh họa thì không thấy có gì giống với những con phố ở Việt Nam cả. Có thể hình dung rằng Singapore như một thành phố trong rừng; con TP HCM thì là một rừng bê tông. Vấn đề của cái rừng bê tông này là trồng cây chứ không phải làm trồng thêm tôn thép. Hãy trồng được tỉ lệ diện tích cây xanh bằng 1/10 của Singapore đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện làm mái che. Chắc cũng mất cả nhiều nghìn năm chứ không ít đâu!
Đó là chưa nói tới chuyện dân số Singapore chỉ bằng một nửa TP.HCM nhưng thu nhập bình quân là gấp 20 lần người Việt Nam. Tóm lại, họ rất giàu, rất xanh; còn ta thì rất nghèo và rất xám.
Hãy tưởng tượng, ở một thành phố mà diện tích cây xanh chỉ có 0.5m2/người, tức gần như không có cây xanh, mà giờ không lo trồng cây nhưng lại đổ tiền vào làm mái che thì sự oi bức, nóng nực, ngột ngạt sẽ kinh khủng đến thế nào?
Mỗi thành phố có hiện trạng hạ tầng khác nhau. Như TP. HCM, đường thì nhỏ hẹp, nhà thì chen chúc, nếu làm mái che thì chỉ còn biết đâu đầu vào nhà dân, và sẽ biến những con đường trở thành hầm ngầm tối tăm.
Nó khác hẳn Singapore như trong bức hình minh họa trên bài viết của tác giả Michael Nguyễn Minh: mái che chỉ là một vệt nhỏ mà một bên là đường sá rộng rãi, bên còn lại là bãi cỏ và cây cối mênh mông. Và hhìn vào hạ tầng hiện tại của TP. HCM thì biết chắc rằng đô thị chật chội này không bao giờ có được cái bức tranh ấy sau khi làm những cái mái che.
Thêm nữa, từ hình minh họa có thể thấy, đây dường như chỉ là mái che nối các metro, bến xe, bến tàu với nhau, chứ không hẳn chỉ mang chức năng che mưa che nắng phục vụ cho việc đi bộ thường thường.
Nhìn vào tổng thể, từ hiện trạng hạ tầng, tình trạng cây xanh, điều kiện kinh tế và nhiều vấn đề xã hội, văn hóa khác, TP. HCM không thể bắt chước Singapore hay các đô thị lớn khác trên thế giới một cách máy móc.
Ở một đô thị hiện đại như Singapore, Tokyo mà phương tiện di chuyển chủ yếu là công cộng như xe buýt, tàu điện thì việc di chuyển bằng cách đi bộ qua các ga - bến là điều phù hợp và gần như tất nhiên. Người ta lắp mái che cho những nơi như thế cũng là để đáp ứng một nhu cầu/yêu cầu thiết thực, chứ không phải chỉ làm vì... thích.
Còn TP. HCM? Chủ yếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Xe máy và ô tô nhiều đến nỗi kẹt đường trở thành điều tự nhiên. Khi xe cộ tràn cả lên vỉa hè, thì đi bộ dù rất tốt cho sức khỏe nhưng không phải là một suy nghĩ đã được căn cứ vững vàng trên thực tế, trừ đi bộ theo kiểu đi dạo vào buổi tối. Cho nên, vấn đề trước mắt của đô thị này là phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, lo trồng cây xanh và giải quyết những nỗi bức thiết khác, chứ không phải là làm mái che cho những con đường màu xám trơ trụi.
Trong bài viết của mình, tác giả Michael Nguyễn Minh cho rằng “Đa số lý do phản đối là mái che sẽ gây mất mỹ quan của kiến trúc cổ điển của đường phố, chi phí đầu tư cao, cần thời gian thiết kế và xây dựng, bảo trì, vệ sinh. Một số lo lắng về các quy định về an toàn giao thông và an toàn của vật liệu dùng để xây mái che”.
Nhưng theo quan sát của tôi thì hơi khác, đa số ý kiến phản đối là xuất phát từ sự vô lý của việc lựa chọn mái che thay vì trồng cây xanh.
Để kết thúc, xin bổ sung thêm chút thông tin.
Trong “đề xuất lắp mái che chống nắng cho đường trung tâm Sài Gòn”, mái che ngang 4m, dài khoảng 1km, có kinh phí 20-30 tỷ đồng. Tính ra, bình quân 20-30 triệu đồng/m ngang, tức 5-6 triệu đồng/m2. Đây là một gói thầu hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn và đông khách!
Bài trên báo NNVN: https://nongnghiep.vn/lam-mai-che-duong-pho-cho-thay...
Thái Hạo
* Đề nghị bạn đọc nếu có bình luận thì xin lịch sự, không dùng những lời lẽ tấn công cá nhân để xúc phạm người khác – tác giả Michael Nguyễn Minh.