Sau gần 2 tuần với hải trình gần 2000 km, con tàu KN490 trở về với đoàn người mà trong mỗi họ mang theo một thông điệp lặng lẽ về biển đảo.
Có thể dự cảm, đó là những đợt sóng ngầm khác giúp Trường Sa. Đó là thế hệ công dân toàn cầu 4G sẽ nâng tầm đất Việt.
Các đại biểu xúc đông dâng hương tưởng niệm những người con hy sinh vì biển đảo Tổ quốc
Sau vài tháng chờ đợi thư đi từ lại với Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, cuối cùng tôi được tham gia chuyến thăm Trường Sa do Ủy ban Nhà nước về người Việt ở nước ngoài (UBNNVNVNONN) tổ chức và lên đường sáng ngày 19/4/2016 từ cảng Cát Lái, Sài Gòn.
Ngoài hơn 100 khách trong nước từ Bộ Ngoại giao, các ban ngành, đoàn văn công quân đội và báo chí, có gần 80 kiều bào từ 22 quốc gia tham dự.
Gặp những công dân toàn cầu 1G
Đi hai ngày liền mới tới đảo đầu tiên. Lên tầu là chỉ có sóng nước mênh mông, biển tháng 4 phẳng lặng, dù con tầu 3200 tấn hiện đại đôi lúc vẫn bồng bềnh do sóng ngầm đại dương mà ít người thấy được sức mạnh.
Sáng, trưa, chiều, tối, ăn lại ngủ, nghe loa thông báo như trong quân đội, chẳng có việc gì làm, tôi quay sang hỏi chuyện bác Lê Văn Minh cùng phòng.
Đã ngoài 70 tuổi, từng là kỹ sư hóa polymer, bác Minh tốt nghiệp bên Nhật từ những năm 1970, gặp bác gái là Lê Ánh Tuyết cũng du học bên đó. Hai bác hiền, đi lại ăn nói nhỏ nhẹ. Ngạc nhiên chuyến này có vài đôi vợ chồng, do chỗ trên tầu và số kiều bào của từng quốc gia bị hạn chế.
Bác Tuyết sang Nhật du học lúc mười chín, đôi mươi từ năm 1968, chỉ vài tháng sau sự kiện Mậu Thân. Gia đình bác Tuyết buôn bán nhỏ, có chút tiền gửi con du học, sang Nhật phải tự túc thêm, nhưng học giỏi nên bác vượt qua dễ dàng.
Hồi đó ở Sài Gòn như bao cô gái khác, bác Tuyết không quan tâm tới chính trị hai miền, trong khi sang Nhật, người bản xứ lại tỏ vẻ thông cảm với người Việt do chiến tranh và mất mát của hai quốc gia khá giống nhau. Trong một lần vào thư viện thấy bức ảnh một lính Mỹ cầm súng giương lê và trước mặt là ba cái sọ người, thấy sự tàn nhẫn của chiến tranh Việt Nam, bác Tuyết bắt đầu nghe đài, xem tivi, rồi cố học tiếng Nhật xem người ta nói gì về cuộc chiến này. Tự nhiên trong cộng đồng sinh viên người Việt cũng xảy ra điều tương tự và sự ủng hộ của họ lại dành cho phía bên kia chiến tuyến, đó là cụ Hồ, bộ đội miền Bắc. Họ cho rằng, dù bất kỳ lý do gì, hơn một nửa triệu lính Mỹ xuất hiện tại miền Nam là những kẻ xâm lược.
Cuộc ném bom dữ dội dịp Giáng sinh năm 1972 của Mỹ vào Hà Nội và Hải Phòng, giết hại bao dân thường, đã làm cho nhiều bạn sinh viên trẻ thời đó thay đổi quan điểm, bắt đầu không dửng dưng với cuộc chiến.
Năm 1972, bác Lê Văn Minh sang Đài Loan du học nhưng thấy đảo quốc thời Tưởng Giới Thạch chống Cộng điên cuồng nên bác tìm đường sang Nhật. Quê mẹ ở Củ Chi, bác lờ mờ hiểu bà từng cưu mang cán bộ cách mạng ra vào nội thành, nhưng khi đó còn trẻ nên chẳng hiểu bên này bên kia một cách rõ ràng.
Tháng 4/1975, nghe tin hòa bình, bác Minh tìm cách quay về quê hương qua đường Nhật Bản. Nhưng quan hệ giữa Việt Nam và Nhật khi đó có nhiều khó khăn, đường trở về ngày một xa vời. Được sự giúp đỡ của nhóm sinh viên Việt tại Tokyo, bác Minh xin được suất học bổng về hóa polymer của trường Kỹ thuật tại thủ đô.
Tại đó như duyên trời định, bác Minh và bác Tuyết gặp nhau, cùng chia sẻ nỗi xa nhà, và lễ kết hôn được một giáo sư Nhật chứng kiến cùng vài bạn bè thân thiết.
Sau những năm tháng hội nhập, từ Nhật sang Úc, từ Úc sang Mỹ ở vài tiểu bang để cuối cùng định cư ở tiểu bang Georgia, nơi có Atlanta được mệnh danh là thủ đô của miền Nam Hoa Kỳ, tựa như Sài Gòn của Việt Nam.
Dù không khá giả như những người thành đạt ở xứ Mỹ, nhưng hai bác mang theo những bình lọc nước tặng các đảo. Số tiền tặng bằng hiện vật lên tới gần 80 triệu đồng, nhưng bảo hai bác lên bục phát quà, bác trai đẩy bác gái, bác gái cũng ngại lên. Họ chỉ muốn lặng lẽ đến với lính đảo bằng tình thương để trong tim, không ồn ào, không thích PR, thậm chí chỉ nhờ tôi chụp ảnh có đúng một lần để làm kỷ niệm.
Đó là những công dân toàn cầu thế hệ 1 (1G) - chỉ làm mà không nói.
Kỷ niệm với Colin
Trong những lần lên hơn chục đảo nổi và chìm kể cả nhà giàn DK (thực chất là chòi trên biển), chuyến thăm Colin để lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất.
Colin cách Gạc Ma khoảng mươi km, nhìn mắt thường vẫn thấy đảo bị Trung Quốc chiếm đóng sau khi tàn sát 64 chiến sỹ công binh chỉ có xẻng cuốc trên tay. Chiều ngày 28/4 khi về tới Bộ Tư lệnh Hải Quân ở Sài Gòn, tôi còn được giới thiệu một chiến sỹ sống sót ở Gạc Ma, bây giờ anh đeo quân hàm trung tá.
Gạc Ma, từng là đảo chìm, đã được Trung Quốc xây như một pháo đài, có nhà cao tầng, luôn có tầu chiến túc trực.
Colin của Việt Nam nhỏ bé gần đó dù đã được xây dựng với sự cố gắng nhưng vẫn còn thiếu thốn rất nhiều. Nhìn đàn chó vui mừng gặp người là đủ biết chúng lâu ngày không thấy ai khác ngoài những người lính đảo mặt cháy đen, chỉ còn nụ cười răng trắng. Tìm mãi mới được một cây quất lá xanh đặt ở góc nhìn ra Gạc Ma.
Các bà, các mẹ, các chị, các em lên thăm lính đảo, phải giấu thầm nước mắt. Nhiều người kể cả các cô nghệ sỹ trẻ măng, ôm những người lính như truyền tình từ đất liền và khắp thế giới.
Có lẽ đây là đảo khó khăn nhất, thiếu thốn nhất, nguy hiểm nhất vì đối diện với Trung Quốc đang chiếm đóng Gạc Ma. Dường như không có thời bình ở đảo bé nhỏ này.
Chiều đó có buổi tưởng niệm các chiến sỹ Gạc Ma trên tầu KN490 rất trang trọng.
Tôi xuống xuồng để chụp ảnh ngược lên. Mặt trời đã lặn, ánh sáng thiếu, sóng bập bềnh khá to nên chụp mãi mới được vài pô. Giá trị nhất là hậu cảnh có Gạc Ma và Colin như một phần máu thịt của quê hương.
Nhìn cái bàn thờ, hương khói mỏng manh trên biển cả trôi qua đảo Colin để hường về phía Gạc Ma nơi có 64 chiến sỹ nằm lại, trên boong tầu rơi không ít nước mắt. Các anh đi biển và dự nhiều lần tưởng niệm thế này đều nói, vòng hoa và bàn thờ bao giờ cũng hướng tới Gạc Ma trong chiều tà rồi mới tắt.
Trên đảo Colin, tôi được mời phát biểu. Thật vinh dự dù trong phòng chỉ có mấy sỹ quan và đoàn khách thăm do Chuẩn Đô đốc Hải quân Đỗ Minh Thái dẫn đầu. Trên đảo Trường Sa lớn tôi cũng được 2 phút nói lại điều tương tự trước hàng ngàn người trong cơn mưa hiếm hoi suốt 4 tháng qua.
Tôi tâm sự mang tính cá nhân nhiều hơn. Là một người làm trong tổ chức quốc tế World Bank, phụ trách IT cho khu vực Đông Á Thái Bình Dường gồm 13 nước từ Mongolia, Trung Quốc tới Australia và những đảo như Solomons hay PNG, thường xuyên đi công tác và bay trên biển Đông mỗi năm vài lần trong suốt 11 năm kể từ năm 2004, lần nào qua Trường Sa và Hoàng Sa tôi cũng nhìn lên bản đồ hành trình của chuyến bay và nghĩ ngợi về biển đảo quê nhà. Cũng không thể mường tượng được cuộc sống dưới đó thế nào. Và mơ ngày nào đó được đặt chân lên một hòn đảo.
Nói chuyện với hai bác Lê Văn Minh cùng phòng và người bạn đời là bác Lê Ánh Tuyết, tôi biết thêm, nhà bên Mỹ có bản đồ Việt Nam treo trong phòng, thỉnh thoảng hai bác sờ tay lên những chấm đảo nhỏ bé là Hoàng Sa và Trường Sa. Thật bất ngờ, họ cũng có một giấc mơ như tôi, ngày nào đó được đặt chân và sờ vào nắm cát trên biển đảo quê nhà. Và hôm ấy chúng tôi đã thỏa giấc mơ.
Hy vọng vào thế hệ 4G
Tôi nói với các chiến sỹ đại ý rằng, người Việt dù ở góc biển chân trời nào, dù quan niệm đa chiều, nhưng nói về Trường Sa và Hoàng Sa, thì họ chung một dòng máu chảy trong tim. Đó chính là sức mạnh của dân tộc này đã hội nhập sâu rộng với thế giới.
Và tôi tin, cùng với cha anh đến tận đảo để động viên chiến sỹ, đóng góp sức người, sức của, thế hệ tương lai con cháu Việt trên khắp thế giới sẽ bảo vệ biển đảo bằng kiến thức toàn cầu và luật pháp quốc tế, nếu nội lực và ngoại lực được qui về một mối.
Học chụp ảnh từ vài năm nay, tôi bỏ khá nhiều thời gian để ghi vào ống kính những hình ảnh của các đảo. Từ những cái tên thân quen như Colin, Sinh Tồn, Sơn Ca, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn, đến những đảo hay bãi đá lần đầu nghe tên như Nam Yết, Bãi Đá B, rồi nhà giàn DK lênh đênh giữa biển khơi.
Cuối đợt công tác, hôm tổng kết, tôi ghép lại thành một clip gửi tặng đoàn. Xem xong nhiều người đã khóc vì thương lính đảo, thương người nằm lại như lúc họ lên đảo, dù Trường Sa không khó khăn như cách đây 30 năm. Anh Nguyễn Vinh Quang, cựu Tổng biên tập Báo ảnh Việt Nam, từng ra đảo thời đó, nay xem ảnh tôi chụp, đã thốt lên, Trường Sa đã thay da đổi thịt tới mức không thể nhận ra.
Cũng như hai bác Lê Văn Minh và Lê Ánh Tuyết, tôi lặng lẽ thăm Trường Sa và lặng lẽ rời những hòn đảo, bãi đá ngầm, nơi có những người lính mà như nghệ sỹ ưu tú Thanh Loan nói “thương các em tới vô cùng” khi đứng mạn tàu KN490 khóc một mình. Có lần, nghệ sỹ cùng đoàn lên đảo biểu diễn và ngủ lại, sáng không muốn dùng nước ngọt đánh răng vì thương lính. Chị còn nghe lính kể, tắm dội nước vào chậu, lấy nước đó tưới rau.
Sau gần 2 tuần với hải trình gần 2000 km, con tàu KN490 trở về với đoàn người mà trong mỗi họ mang theo một thông điệp lặng lẽ về biển đảo. Có thể dự cảm, đó là những đợt sóng ngầm khác giúp Trường Sa. Đó là thế hệ công dân toàn cầu 4G sẽ nâng tầm đất Việt.
18-28 tháng 4, 2016.
Hiệu Minh - Tạp chí Quê Hương