Từ những nút Like trên màn hình
Nút “Like” thể hiện sự tán thưởng của người đọc đối với một dòng trạng thái (status), ghi chú hay livestream… hay gọi tắt là tin bài của chủ tài khoản Facebook, đó là mục đích ban đầu của nó.
Dần dần, người ta like vì nhiều lẽ. Bạn có thể like vì bản thân nội dung đó hấp dẫn, hoặc bạn yêu thích, hâm mộ chủ tài khoản Facebook, hoặc đơn giản là bạn lịch sự báo cho chủ nhân biết rằng: Bạn đã xem tin bài của anh ta (cô ta). Chưa hết, như bạn sẽ xem dưới đây, nút Like cũng có 72 phép biến hóa như của Tôn Ngộ Không.
Khi một người được nhiều like, người ấy thấy mình được quan tâm, được công nhận, thấy mình có tiếng tăm, thấy mình đặc biệt và có chỗ hơn người. Cho nên, hầu như ai cũng thích được like. Trong like có chữ “Danh”, một dục vọng lớn nhất của con người.
Facebook cũng đánh giá chất lượng một tin bài qua số like mà tin bài ấy nhận được, nó sẽ hiển thị tin bài ấy nhiều hơn trên News Feed. Có nghĩa là chủ nhân của nó càng nổi danh hơn. Nổi danh hơn thì sẽ nhiều cơ hội để kiếm lợi hơn. Cho nên, like cũng gắn với chữ “Lợi”.
Câu like giờ đây đã biến tướng trở thành một thị hiếu quái đản. (Ảnh minh họa: facebook.com)
Nhờ được like mà có Danh, có Lợi nên “like” rất được yêu thích.
Like có thể quy ra tiền và nhiều tiện nghi khác. Một người bán hàng trên mạng có nhiều like sẽ có nhiều cơ hội bán được hàng. Một ca sĩ, diễn viên nhiều like là có nhiều fan hâm mộ, thêm nổi tiếng, cũng là tiềm năng thu nhập và phát triển công việc. Một trí thức nhiều like thì tư tưởng, trí tuệ được nhiều người biết tới, là bàn đạp của công danh sự nghiệp. Một người bình thường cũng muốn nhiều like vì hầu như ai cũng có cái gì đó tự đắc muốn thiên hạ biết đến.
Thế nên, người ta tìm mọi cách để có được like, kể cả chơi gian lận. Ai được like thì hoan hỷ, không được like thì buồn, giận người khác thờ ơ không có con mắt xanh nhìn người. Có người sáng ra, việc đầu tiên phải kiểm tra Facebook xem có ai like mình không, không có thì hình như bắt đầu một ngày có vẻ không được vui lắm. Đến công việc ở cơ quan cũng phải ngừng lại để kiểm tra xem Facebook mình có ai like không, có ai “còm” không. Vậy là trong một nút Like có hết cả Danh – Lợi – Tình, ba dục vọng khó bỏ nhất của con người theo quan điểm nhà Phật.
Và trào lưu “Nếu đủ Like…”
Các bạn trẻ mới lớn với tâm lý lứa tuổi đang muốn khẳng định bản thân là những người rất nhiệt tình với Facebook và tất nhiên là rất thích được like. Nhưng muốn có like chân chính thì cần có sức hấp dẫn. Thật khó, trong khi tâm cầu Danh thật mạnh mẽ, thế là “câu like”.
Từ những việc bình thường cũng cần like: “Nếu đủ 100 like sẽ tặng 10 sim điện thoại miễn phí”.
Đến bạo hơn một chút: “Nếu đủ 1k like sẽ tỏ tình với bạn N giữa sân trường”.
Và cấp độ bắt đầu tăng dần: “Nếu đủ 60.000 like, 15.000 share sẽ mặc quần lót nhảy xuống sông và uống hết một ca nước sông”.
Quá đáng hơn nữa: “Nếu đủ 7.000 like, 77 bình luận, 777 share thì mình sẽ không mặc gì chạy 7 vòng quanh trường”.
Thực sự điên cuồng: “Nếu đủ 1k like sẽ đốt trường”, hoặc “nếu đủ 1 triệu like sẽ nhảy từ nhà cao tầng xuống đất”.
Cùng với các kiểu câu like
Dọa ma: “Nếu nhìn thấy bức ảnh này mà không like, bạn sẽ gặp xui xẻo cả ngày. Nếu không share, bạn sẽ gặp xui xẻo cả tuần”.
Hoặc gán ghép, vu vạ: “Nếu bạn nhìn bức ảnh này mà không like thì bạn là người không có trái tim”.
Hoặc mơn trớn theo kiểu “có đi có lại”: “Cầu cho những ai bấm “Like” sẽ luôn gặp hạnh phúc và may mắn”.
Có người còn câu like bằng cách đăng status như thế này: “Mình rất ghét mấy đứa câu like, ai đồng ý like phát”.
Muốn có nhiều like không gì nhanh bằng đăng ảnh nóng, cảnh nóng, livestream chuyện ăn chơi khoe mẽ, hiển thị bản ngã hoặc gây thị phi giật gân, đăng cảnh bạo lực máu me, hay mua nước mắt người xem bằng những câu chuyện thương tâm bịa đặt. Tóm lại, người ta dùng đủ mọi thủ thuật, chiêu trò để đánh vào óc hiếu kỳ, vào tâm lý thích giật gân, vào sự dễ dãi và lười tư duy, vào dục tính… những thị hiếu không lấy gì làm cao thượng hay trong sáng của con người. Câu like giờ đây đã biến tướng trở thành một thị hiếu quái đản, thể hiện một tâm lý háo danh đến cuồng si.
Điều đáng lo ngại là trong khi người ta like hoặc “câu like” những câu chuyện như thế thì họ dần dần đang chấp nhận rằng: Hãy làm điều số đông mong muốn, dù điều ấy khiến người ta đang mất đi sự hướng thượng tới những giá trị đích thực như trí tuệ, khiếu thẩm mỹ, sự nhân văn, lòng nhân ái… đương nhiên, ngày càng xa rời sự thật, xa rời tâm hướng thiện hay lòng bao dung. Có lẽ lỗi không thuộc về nút Like, nó chỉ là tấm gương phản chiếu nhân tâm méo mó của không ít người hiện nay và nhân lên ngàn lần với sự cuồng loạn của tâm lý đám đông.
Đó là những like ảo, like mà không phải là ưa thích thật sự vì chất lượng tin bài.
Nút Like cũng không hoàn toàn bị xuyên tạc, vẫn có những tin bài có giá trị được like thật theo đúng nghĩa của từ like. Nhưng số ấy không nhiều, nó chìm nghỉm trong những cơn mưa like phi lý trí và gian lận.
Thị hiếu với nút like làm lung lay cả những người muốn đóng góp giá trị đích thực cho đời. Một tin bài đề cao lòng tốt, tìm lại xúc cảm thánh thiện với cái đẹp thực sự của văn hóa, nghệ thuật hay một câu chuyện có nhiều ẩn ý về đạo lý rất cần thiết một sự trầm ngâm trí tuệ… thì đa phần ít gây chú ý cho đám đông hơn một câu nói vô thưởng vô phạt của một ca sĩ lừng danh, một tin cướp giết hiếp giật gân, một bức ảnh khoe thân trơ trẽn, một câu chuyện thị phi của người nổi tiếng… Và có thể dù không có tâm lý câu like, nhưng các tác giả chân chính thấy nản lòng với số lượng ít ỏi độc giả còn quan tâm tới những điều chính đáng.
Nhưng nghĩ vậy hình như cũng chưa hết nhẽ…
Thuở lận đận của các nhân vật kiệt xuất trong người thường
Trước khi thành lập Microsoft, Bill Gates khởi nghiệp với công ty Traf-O-Data, cung cấp dịch vụ để cải thiện tình hình giao thông, giảm ách tắc. Bill Gates và người cộng sự Paul Allen đã cố gắng đề xuất sản phẩm Traf-O-Data 8008 cho chính quyền địa phương nhưng thất bại do máy móc không hoạt động được. Và chắc chắn là lúc đó ông không nhận được sự chấp thuận nào cả. Nếu vì vậy mà Bill ngã lòng, giờ đây thế giới không thể có một tỷ phú làm từ thiện nhiều đến như vậy được.
Tỷ phú tổng thống Donald Trump sau một năm nhậm chức đã khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng 3%, cải cách thuế, thủ tục hành chính và nâng cao thu nhập người dân, đánh bật IS khỏi Iraq, cứng rắn hơn với Trung Quốc ở Biển Đông. Mới đây nhất ông là người đứng sau hậu thuẫn cho sự giải hòa Nam Bắc Hàn… thực sự ông đã làm nước Mỹ vĩ đại trở lại.
Thế nhưng khi mới nhậm chức ông bị chỉ trích là một kẻ phân biệt chủng tộc, rồi phát xít mới, ích kỷ phách lối… báo chí cánh tả cũng vùi dập ông. Rõ ràng là ông có rất ít “Like”, thậm chí có rất nhiều “Dislike”. Nhưng Trump vượt qua hết. Giờ đây, người ta ca ngợi những điều tốt đẹp ông đã làm được. Không mấy người biết rằng, từ thời còn trẻ, Donald Trump đã là một con người hết sức hào hiệp, nhân ái và luôn ra tay cứu giúp những người bất hạnh và yếu thế, nhưng ông đâu cần truyền thông phải lưu danh.
Tổng thống Donald Trump đã làm nước Mỹ vĩ đại trở lại. Thế nhưng khi mới nhậm chức ông bị chỉ trích là phân biệt chủng tộc, phát xít mới… Rõ ràng lúc đó ông có rất ít “Like”. (Ảnh: youtube.com)
Và ngay cả Đại Giác Giả cũng không được thế nhân lý giải
Kinh Pháp Cú có chép chuyện Đức Phật sau khi thành Đạo, Ngài vẫn ngồi trầm tư không nói trong mấy ngày. Ngài nghĩ sẽ mang theo giáo Pháp mà nhập Niết Bàn, khó có thể truyền dạy cho ai vì: “Người còn vấn vương trong tham ái và sân hận không dễ gì lĩnh hội được Giáo Pháp mà Như Lai đã chứng ngộ. Người tham ái chìm đắm trong đêm tối, bị đám mây mù tham ái bao phủ, sẽ không thấy được Giáo Pháp bởi Giáo Pháp đi ngược dòng với tham ái. Giáo Pháp sâu kín, thâm diệu, khó nhận thức và tế nhị. Vì suy ngẫm như thế Như Lai chưa quyết định thuyết Pháp” – (Trích Đức Phật và Phật Pháp, chương 5, tác giả: Hòa thượng Narada).
Phạm Thiên là một vị Thần của Bà La Môn giáo đã thỉnh cầu Ngài giảng Pháp cho chúng sinh, vì nếu không thế giới sẽ bị hoại diệt. Ông lý luận rằng có những chúng sinh chấp mê bất ngộ, nhưng cũng có chúng sinh căn cơ tốt, ngộ tính cao có thể tiếp thụ giáo pháp giải thoát của Đức Phật. Sau đó, Đức Phật đồng ý.
Còn ở Trung Hoa cổ đại, trong cuốn Đạo Đức Kinh, Đức Lão Tử đã viết rằng: “Nhạc và bánh. Khách đi qua dừng lại. Đạo ra cửa miệng. Lạt lẽo vô vị. Nhìn không đủ thấy. Lắng không đủ nghe. Dùng nó, không hết” (Đạo Đức Kinh, chương 35).
Như vậy, nói như ngôn ngữ hiện nay thì các vị Giác Giả ấy biết rằng: Đạo lý của các Ngài lúc mới hồng truyền sẽ bị thế nhân thờ ơ lãnh đạm, có khi còn phỉ báng mà cho là “tà Pháp”… Nhưng cuối cùng thì họ vẫn quyết định mang đạo lý ấy đến với chúng sinh. Đức Phật trong 40 năm truyền Pháp đã gặp vô số sự đố kỵ gièm pha, nhưng Ngài cũng có một tăng đoàn đông đảo và đầy chính tín. Đạo Phật đã dần dần trở thành một chính giáo của nhân loại. Còn Đức Lão Tử không thành lập tôn giáo, nhưng những chân lý của Ngài trong Đạo Đức Kinh được coi như “chứa đựng tất cả sự khôn ngoan trên quả đất này” theo lời văn hào Pháp René Bertrand.
Những lời của Đại Giác Giả được coi là Chân lý nhưng khi mới truyền ra nơi thế gian cũng bị thế nhân thờ ơ lãnh đạm, có khi còn phỉ báng. (Ảnh: postkhmer.com)
Thái độ sống cần có của chúng ta
Người thường chúng ta không thể đặt mình ngang hàng với các Đại Giác Giả nói trên, cũng không phải là các vĩ nhân. Nhưng câu chuyện của họ là một sự khích lệ chúng ta hãy dành hết tâm huyết và tài nghệ để mang những điều tốt đẹp nhất đến cho đời. Dù ít hay nhiều like thì bạn vẫn nên đăng những hình ảnh đẹp, hướng thiện, ca ngợi lòng tốt.
Bạn có thể đăng lên một bài thơ Đường, một bản nhạc cổ điển tuyệt đẹp hay những giá trị văn hóa tinh thần bất diệt của nhân loại. Bạn đăng lên một câu chuyện đầy trí tuệ khiến người xem được khai mở những nhận thức mới. Bạn đăng lên những lời chí lý của cổ nhân, của thánh nhân để giúp con người sống tốt hơn.
Bạn đăng lên những câu chuyện ca ngợi tình bạn chân thành, tình yêu trong sáng. Bạn đăng lên những lời kêu gọi giúp đỡ những kẻ khốn cùng hoặc bạn thể hiện thái độ phản đối những hành vi đáng lên án, vi phạm đạo đức xã hội… như thế chính là bạn đang tạo phúc cho nhân thế. Like hay không like, điều ấy không quan trọng, hãy giữ trong lòng một thiện niệm và bình tâm với những cơn lũ của sự phù hoa giả tạo trong đời.
Bởi vì rốt cuộc, bạn đang làm đúng với quy luật của vũ trụ và lòng người. Vì dù có lúc sai lầm, có khi mê muội, con người ta ai ai khi bình tâm, tỉnh táo và có thiện tính cũng muốn được đối xử tốt, chân thật và muốn được yêu thương, giúp đỡ. Và bạn đã luôn luôn ở đó. Dù bạn không có nhiều like.
Miễn là vẫn có người đọc, xem thì vẫn có người được thọ ích. Như thế chính là làm đẹp cho đời vậy. Có câu: “Cứu nhân nhất mệnh, thắng tạo thất cấp phù đồ” tức là “cứu một mạng người còn hơn xây tòa tháp 7 tầng”. Lan truyền những điều tốt đẹp khiến nhân thế hướng tới những giá trị cao cả cũng có công đức không thua kém gì việc cứu sống mạng người.
Lan truyền những điều tốt đẹp khiến nhân thế hướng tới những giá trị cao cả cũng có công đức không thua kém gì việc cứu sống mạng người. (Ảnh: pixabay.com)
Đến nút Like trong cuộc đời, đôi lời tâm sự với các bạn trẻ
Bạn trẻ trong kỳ thi đại học tới đây, bạn đang lựa chọn gì? Một trường đại học được like, một nghề nghiệp tương lai được like vì đang là mốt, nhưng không phù hợp với bạn hay một nghề nghiệp thực sự phù hợp với khả năng của bạn, bạn có đam mê và bạn có thể cống hiến được nhiều nhất, tuy nhiên lại ít được xã hội quan tâm?
Bạn có like hay không nếu con đường bạn đi vắng bóng người và nhiều chông gai nhưng cuối con đường đó là hoa thơm trái ngọt tưởng thưởng xứng đáng cho những công sức bạn phục vụ và đem lại giá trị cho xã hội, cho nhân loại?
Khi ra nghề bạn chọn cơ quan nào: Một vị trí đang được nhiều người like với văn phòng điều hòa mát lạnh, với công việc nhàn nhã nhưng nhiều khuất tất luồn cúi, nhiều hối lộ chạy chức và chẳng đem lại giá trị gì cho đời? Hay một công việc vất vả, bụi bặm, lương thấp nhưng ngược lại bạn được sống trong sạch, bạn có lương tâm thanh thản và bạn có thể phục vụ tốt hơn, cống hiến nhiều hơn, đem lại hạnh phúc hơn cho nhiều người?
Khi chọn bạn đời, bạn sẽ chọn một người vợ/chồng thuộc một gia đình có điều kiện, có hộ khẩu thành phố, con cán bộ to, có cửa hàng cửa hiệu mặt phố, có nhà có xe. Nói theo ngôn ngữ hiện nay là “nhà mặt phố, bố bụng to” đang được nhiều người like. Tuy nhiên giả sử rằng người bạn đời ấy ngu xuẩn, độc ác và hay lừa dối. Hay là bạn chọn một anh bạn/cô bạn cùng quê chân chất, tốt tính, có giáo dục, chịu thương chịu khó và vợ chồng chung sức gánh gồng để xây dựng cuộc sống?
Đấy là lựa chọn nghiêm chỉnh của bạn. Và đây là cuộc đời, không phải trên mạng ảo.
Những nút like sai lầm trong cuộc đời sẽ dẫn bạn tới sự bất hạnh mà thôi… (Ảnh: pinterest.com)
Nhưng cũng giống như những tin bài trên mạng ảo, những nút like thể hiện tầm nhìn ngắn hạn vào Danh Lợi chẳng qua cũng chết non chết yểu giống như đóa phù dung sớm nở tối tàn. Nếu tin bài của bạn không mang giá trị thực sự thì chỉ đến một vài hôm sau thôi, người ta sẽ quên ngay lập tức những chiêu trò, xảo thuật của bạn trong một đống hổ lốn những rác rưởi văn hóa đang được xả ra hàng ngày. Những ảnh nóng, clip nóng của bạn sẽ bị thay thế bằng những ảnh nóng hơn, clip cởi táo bạo hơn. Và bạn cũng sẽ lẫn trong trí nhớ mơ hồ của đám đông về những anh A, chị B nào đó từng gây một xì căng đan nào đó không nhớ nữa và bây giờ chắc đang chui nhủi ở một xó nào đó.
Những nút like sai lầm trong cuộc đời về công việc, nghề nghiệp và bạn đời cũng như thái độ sống cần phải có cũng sẽ dẫn bạn tới sự bất hạnh mà thôi. Làm việc xấu thì tích nghiệp ác, sống cạnh người xấu cũng chẳng vui sướng gì đâu.
Vậy thì chúng ta làm điều gì có phải vì điều ấy được đám đông like hay không? Hay là vì ý nghĩa và giá trị đích thực mà việc làm chúng ta đem lại cho đời? Nghiêm túc trả lời câu hỏi ấy chính là lựa chọn quan trọng nhất trong cuộc đời.
Người viết xin cảm ơn các bạn đã like và cả các bạn không like bài viết này.
Nguồn: Văn Bé
DKN.tv