Với đầy rẫy tiêu cực trong thi cử xảy ra thời gian qua đã làm cạn kiệt niềm tin người dân. Nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tiếp tục hứa "quyết liệt chống tiêu cực…". Lo lắm!
Giải trình trước Quốc hội (QH) chiều 26-10, liên quan đến vấn đề thi cử tiêu cực gây bức xúc xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ thừa nhận "năm vừa qua bộc lộ tiêu cực rõ ràng nhất". Và ông hứa sẽ cố gắng năm sau tốt hơn, sau khi QH đã bỏ phiếu tín nhiệm cho ông ở mức thấp nhất.
Đây không phải là lần đầu Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm và hứa hẹn. Ông nhấn mạnh đã cùng với Bộ Công an "làm đến nơi đến chốn, rõ, nghiêm minh, sai đến đâu xử đến đấy". Quả thực, qua các vụ tiêu cực chấn động ở Hà Giang, Lạng Sơn đã xử lý 11 người vi phạm quy chế thi và cả 151 thí sinh vi phạm.
Phải nói thẳng rằng năm "bộc lộ tiêu cực rõ ràng nhất" này, đã làm cạn kiệt niềm tin của người dân. Giờ đây ông lại hứa, người dân không còn cách nào khác là "tạm ứng niềm tin" cho ông và cho ngành "trồng người" mà ông làm "tư lệnh".
Nói thẳng như vậy để thấy rằng bộ trưởng hứa trước bàn dân thiên hạ như vậy nhưng có nguy cơ "thất thoát tạm ứng", do lẽ ông giải trình "đã lường trước đây là vấn đề khó, phải có thời gian để mỗi năm phải bổ sung thêm kinh nghiệm".
Phải thẳng thắn rằng bộ trưởng cần "thêm thời gian", do "vấn đề khó" mà ông nhiều lần giải thích là do có những việc ngoài ngành của ông - đó là tổ chức thi thì do chính quyền địa phương tổ chức. Thì thử hỏi bộ trưởng, việc khó như vậy mà tiếp cận theo "mỗi năm" và "bổ sung kinh nghiệm" thì liệu có triệt để xử lý vấn đề? Trong khi đó, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chính phủ kiến tạo, điều cần thiết để đột phá những "vấn đề lớn", lấy lại niềm tin và sinh lời niềm tin.
Hầu như ai cũng biết ngành giáo dục đang phải gánh một gánh nặng các vấn đề đã tích tụ nhiều năm với nhiều mảng nhiều lĩnh vực, do đặc thù "trăm năm trồng người", không phải thay cái gì cũng nhanh ngay được. Nhưng mặt lợi là được người dân kỳ vọng, Chính phủ hỗ trợ. Chính vì thế, lời hứa của bộ trưởng càng quan trọng. Chính vì thế, yêu cầu tìm thấy một đột phá khẩu, một chiến lược có tính căn cơ, tính lâu dài đối với bộ trưởng càng cao hơn nữa.
Nói thật, thà bộ trưởng đừng hứa! Bởi, làm cha làm mẹ thì niềm mong mỏi lớn nhất trong đời là gửi con đi học trong một thiết chế giáo dục mà mình tin cậy, dù còn nhiều khó khăn, dù chưa tiên tiến - mà biểu hiện của nó là thi cử đúng mực. Chứ bộ trưởng hứa rồi mà căn cơ không thay đổi, do rút kinh nghiệm từ từ, thì không phải cha mẹ hoang mang mà là niềm tin không còn gì. Mà cha mẹ có gì quý hơn để cho con cháu ngoài niềm tin. Ở đây, chỉ xin nói về thi cử, vì như bộ trưởng từng giải thích, ai làm giáo dục cũng biết, học thế nào thì thi thế ấy. Do vậy thi cử không chỉ là thước đo kết quả việc học việc dạy mà còn là thước đo quản lý giáo dục và là tấm gương phản ánh trình độ thiết kế giáo dục.
Xin hỏi: Hành động rốt ráo, không có chỗ cho thế lực hắc ám nào phá hoại thi cử, thay đổi căn cơ dù chuyển biến vẫn có thể chậm, chứ không phải tiêu cực xảy ra rồi mới xử lý quyết liệt, bộ trưởng có làm được không?
Người dân đang theo dõi từng ngày việc bộ trưởng thực hiện lời hứa!
Bài: Châu Nam; ảnh: Tấn Nguyên
Nguồn: Báo điện tử Người Lao Động