Phải có người nhận tiền để sửa điểm thì mới có người bỏ tiền chạy điểm, lẽ đương nhiên người ta chi tiền tỷ thì phải “chọn mặt gửi vàng”.

Người Việt dường như hơi bị quen với những chuyến tàu vét lúc hoàng hôn nhiệm kỳ hoặc chuyện “nâng đỡ không trong sáng” của không ít vị quan chức cỡ tỉnh hoặc trung ương.

42 1 Loi Doi Tra Va Nhung Con Quy

Chỉ trong vòng 6 tháng trước khi nghỉ hưu, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã ký quyết định bổ nhiệm tới 60 cán bộ. 

Ông Truyền sau đó đã bị kỷ luật cảnh cáo vì “có vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện chế độ, chính sách nhà ở, đất ở và trong công tác cán bộ” – trích Thông báo của Ban Bí thư (Công văn số 9396-CV/VPTW) về việc xem xét xử lý kỷ luật ông Trần Văn Truyền.

Trong vòng hai tuần trước khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Thành Rum - cựu Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. 

Ngay sau đó, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu thu hồi, hủy bỏ 20 quyết định, văn bản liên quan việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ không đúng quy định này đồng thời kỷ luật “Khiển trách” ông Rum. [1]

42 2 Loi Doi Tra Va Nhung Con Quy
Trước là chạy điểm, chạy trường, sau là chạy chỗ làm. Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn

Đầu năm 2019 Nguyễn Thành Rum bị bắt giam trong vụ án "vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hai ví dụ nêu trên được nêu lên vì vụ thứ nhất xảy ra ở Hà Nội, vụ thứ hai ở Thành phố Hồ Chí Minh, hai trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng nhất cả nước. 

Tại các tỉnh thành phố khác thì sao?

Báo Laodong.vn trong bài: “1 tỉ/trường hợp nâng điểm: Giám đốc Sở GD Sơn La nói "Bố láo, bố lếu" ” viết:

“Theo kết quả điều tra, bị can Trần Xuân Yến - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La: Ngày 28.6.2018, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La Hoàng Tiến Đức đã gọi ông Yến đến phòng làm việc đưa cho hai tờ giấy ghi thông tin cá nhân của 8 thí sinh nhờ nâng điểm kèm theo "đặt hàng"”. [2]

Bài báo nêu câu hỏi:

“Nhưng bản danh sách các thí sinh được “đặt hàng” nâng điểm, và số tiền bình quân 1 tỉ đồng mỗi trường hợp chạy điểm đang đặt ra một vấn đề khác: Những người “đặt hàng” là ai? Và việc chi cả tỉ đồng để “đặt hàng”, sửa điểm đã cấu thành tội đưa hối lộ?”.

42 3 Loi Doi Tra Va Nhung Con QuyKhông mua được bằng tiền, mua được bằng rất nhiều tiền!

Nếu thông tin mà báo Laodong.vn đưa ra đã được kiểm chứng thì với 44 thí sinh được nâng điểm tại Sơn La, số tiền “đặt hàng” sẽ là bao nhiêu tỷ đồng?

Phải có người nhận tiền để sửa điểm thì mới có người bỏ tiền chạy điểm, lẽ đương nhiên người ta chi tiền tỷ thì phải “chọn mặt gửi vàng”, vậy ngoài cán bộ ngành giáo dục và công an tham gia Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, còn “vàng” nào nữa chưa lộ diện?

Trong ba vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình thì ông Vũ Văn Sử (Hà Giang) đã nghỉ hưu, ông Hoàng Tiến Đức (Sơn La) sinh tháng 6/1959 cũng sắp đến ngày cầm sổ, ông Bùi Trọng Đắc (Hòa Bình) được biết cũng sẽ nghỉ hưu trong năm 2019. 

Thế là các ông này đều đã “Hohonhiky” (Hoàng hôn nhiệm kỳ), người viết không đủ chứng cứ nên không dám khẳng định các ông ấy có học tập các tấm gương nêu ở đầu bài viết để cùng thực hiện “chuyến tàu vét”!

Tuy nhiên nếu những “chuyến tàu vét” này không phải là mơ hồ thì chúng thực sự mang lại cho các “đày tớ” những gì?

Câu hỏi này chắc chắn sẽ khiến cơ quan điều tra tiếp tục tốn nhiều công sức trước khi có câu trả lời chính xác cho công luận. 

Nói thế không phải người dân mong “các đồng chí ấy bị lộ” mà là mong công lý được thực thi, để những khẩu hiệu, nghị quyết hay điều luật không phải chỉ dành cho những ai thấp cổ bé họng. 

Liệu có khả năng lời khai của cựu Phó Giám đốc Trần Xuân Yến chỉ là chuyện “bố lếu, bố láo” như lời ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La trả lời phỏng vấn? 

Và liệu có khả năng cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La bịa đặt thông tin nhằm “đưa cán bộ lãnh đạo cấp trên vào tròng” (như cách diễn đạt của Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh với trường hợp con gái ông này được nâng điểm)? 

Không có người nhờ vả, chỉ đạo hoặc hối lộ chẳng vị Phó Giám đốc sở nào “dại” đến mức đánh cược sinh mệnh chính trị của mình, điều này thì “chúng thường dân” đều hiểu, chỉ có một bộ phận không nhỏ những người chịu trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền chủ trương đường lối cộng với một bộ phận không nhỏ khác hưởng lương từ tiền thuế của dân, làm nhiệm vụ thực thi và bảo vệ pháp luật là còn chần chừ chưa chịu hiểu.

Vậy có thể chỉ đích danh những người chưa chịu hiểu?

42 4 Loi Doi Tra Va Nhung Con Quy"Em xin thầy cho 2 phòng thi được chép bài", tôi nghe mà đau lắm!

Xin giới hạn chỉ nói đến ba nhân vật tiêu biểu:

Ông Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La Hoàng Tiến Đức từng trả lời phỏng vấn qua điện thoại với phóng viên báo Thanhnien.vn như sau: 

“Toàn bộ quy trình tổ chức kì thi trung học phổ thông Quốc gia 2018 tại tỉnh (Sơn La) được thực hiện rất nghiêm ngặt, không hề có bất kì tiêu cực nào.

Đến thời điểm này, qua báo cáo của các điểm thi, các tổ chấm cho thấy không có sự bất thường”. [3]

Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang khẳng định như đinh đóng cột: 

“Chuyện tiêu cực, tôi và 2 phó giám đốc sở trong hội đồng thi tuyệt nhiên không. Tôi đã báo cáo lãnh đạo cao nhất của ngành và các đồng chí lãnh đạo tỉnh như vậy. Tôi biết mình và hai phó giám đốc nên tôi mới nói là không”. 

Hùng hồn hơn cả là ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình, ông này tuyên bố: 

“Điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hòa Bình là khách quan, trung thực và chính xác, không có gì bất thường.

Tôi chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình và bộ trưởng GD-ĐT về việc này. Nếu có điều gì bất thường, chúng tôi sẵn sàng chủ động mời Bộ GD-ĐT về thanh, kiểm tra và chấm lại toàn bộ bài thi của tỉnh Hòa Bình". [4]

Người xưa có câu “Miệng quan trôn trẻ”, vận vào trường hợp ba ông Giám đốc sở nêu trên liệu có thất lễ với lãnh đạo?

Nếu mà “vận” tiếp vào vài ông to hơn thì hơi bị thiếu tế nhị nên dừng.

Từ những câu nói dối trá một cách trắng trợn của mấy ông Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nêu trên, liệu có thể nói họ không chỉ kém về năng lực mà còn kém cả về nhân cách? 

Vậy vì sao những người như thế lại chễm chệ ghế lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cả một tỉnh?

Trả lời câu hỏi này chỉ có thể là các ông Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và những cơ quan chịu trách nhiệm quản lý ở trung ương.

Vấn đề sự yếu kém ấy chỉ diễn ra tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình và chỉ trong ngành Giáo dục hay cũng còn ở các nơi khác nữa? 

Liệu có người hoặc cơ quan nào dám khẳng định, rằng tại 60 tỉnh thành phố còn lại, tất cả lãnh đạo cấp sở đều khác hẳn ba tỉnh nêu trên theo nghĩa là giỏi hơn, liêm chính hơn?

“Chạy trời không khỏi nắng”, chạy ghế không khỏi “quy trình”, thế nên tìm ai đó để trả lời câu hỏi trên là điều rất dễ nhưng chỉ sợ đáp lại câu hỏi của dân lại là kiến nghị Thủ tướng “chấn chỉnh, xử lý” người nêu câu hỏi như cách mà Bộ Công Thương vừa làm.

Sử gia Eric Alterman trong cuốn sách “When Presidents Lie: A History of Official Deception and Its Consequences” (Tạm dịch: Khi các tổng thống nói dối: Lịch sử lừa dối của chính quyền và hậu quả của nó” đưa ra kết luận, rằng “Các lời nói dối của Tổng thống chắc chắn sẽ biến thành những con quỷ bóp nghẹt những người tạo ra chúng”.

Quy trình xây dựng đội ngũ cán bộ đã được vận dụng hơn nửa thế kỷ qua có phải là nguyên nhân tạo nên một bộ phận không nhỏ những kẻ dối trá, những kẻ “tay đã nhúng chàm” trong hàng ngũ lãnh đạo các cấp?

Bằng cách phá hoại nền giáo dục – tức là phá hoại “quốc sách hàng đầu”, họ đang đứng trong hàng ngũ “giặc nội xâm” chứ không phải là đồng bào, đồng chí của chúng ta. Vậy có nên nương nhẹ khi họ không còn một chút nhân cách?

Những lời dối trá của mấy vị Giám đốc sở nêu trên chắc chắn sẽ biến thành những con quỷ bóp nghẹt những người tạo ra chúng, điều này khỏi phải bàn luận.

Tuy nhiên liệu có đúng không nếu cho rằng “quy trình” tạo ra những cán bộ đó rồi cũng sẽ biến thành những con quỷ bóp nghẹt chính “quy trình”?

Tài liệu tham khảo:

[1]//www.tienphong.vn/xa-hoi/tp-hcm-phe-binh-nguyen-giam-doc-so-bo-nhiem-sai-quy-dinh-758028.tpo

[2]//laodong.vn/su-kien-binh-luan/1-titruong-hop-nang-diem-giam-doc-so-gd-son-la-noi-bo-lao-bo-leu-735504.ldo

[3] //thanhnien.vn/giao-duc/diem-cao-bat-thuong-o-son-la-giam-doc-so-gddt-noi-cham-dung-quy-trinh-984940.html

[4] //nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/hoa-binh-san-sang-moi-bo-gd-dt-ve-cham-lai-toan-bo-bai-thi-2018072011292945.htm

Xuân Dương

 

Nguồn:Báo điện tử Giáo Dục




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC