“Trước khi nữ giới than phiền bất cứ điều gì về đàn ông, xin nhớ một điều này: phụ nữ sinh ra và nuôi dạy đàn ông”, Họa sĩ Bút Chì chia sẻ.

 

Cứ đến ngày quốc tế phụ nữ 8/3 là nhiều chị em lại tủi thân vì không hoa không quà, buồn lòng vì người đàn ông của mình vô tâm. Những chia sẻ “vạch mặt” đàn ông lười nhác, không biết đỡ đần việc nhà với vợ, đánh đập vợ con… cũng từ đó mà nhận được nhiều sự đồng cảm.

Người ta cứ mặc định rằng, mọi tội lỗi đều từ đàn ông mà ra. Nhưng ở một góc nhìn khác, họa sĩ trẻ Đỗ Hữu Chí (Bút Chì) đồng sáng lập tổ hợp giáo dục sáng tạo Toa Tàu, lại cho rằng “lỗi” phần lớn là ở phụ nữ.

Anh Bút Chì cho rằng, trước khi than phiền bất cứ điều gì về đàn ông, nữ giới hãy nhớ một điều này: phụ nữ sinh ra và nuôi dạy đàn ông. Phụ nữ nắm trong tay quyền năng thay đổi mọi thứ nhưng lại không biết cách sử dụng. Và những điều hiện nay phụ nữ đang ca thán chính là sản phẩm do họ tạo ra.

Mọi tội lỗi là do phụ nữ Việt quá chiều đàn ông - 0

“Nữ giới thay đổi, bầy trẻ con còn lại sẽ thay đổi theo. Đàn ông đang ở trong bầy trẻ con đó” – họa sĩ Bút Chì.

“Các bà các mẹ có đang giúp con trai cháu trai mình ngày càng độc lập và mạnh mẽ hơn không, hay đang chiều chuộng bảo bọc chúng như những ông hoàng?

Các bà các mẹ có đang giúp con gái cháu gái mình ngày càng tự tin và độc lập hơn, hay đang truyền dạy sự hiền thục nhẫn nhịn, sự cam chịu hy sinh, sự lệ thuộc khốn khổ nhân danh truyền thống?

Các chị các em có đang chung sống với người đàn ông của mình một cách ngang hàng, bình đẳng, độc lập và thẳng thắn, hay chỉ đang khổ sở cố gắng noi gương bà mình, mẹ mình?

Đây là lỗi hệ thống. Lỗi từ trong quán tính văn hoá lâu đời: phụ nữ gần như không nghĩ đến chính mình và nghĩ đến phụ nữ khác khi họ nuôi dạy con cái họ.

Với con trai, họ chiều chuộng, bao bọc, nâng niu, mà không dạy cho nó thấy cần phải làm như thế với phụ nữ. Với con gái, họ dạy phải hiền thục ngoan ngoãn, phải biết quan tâm chăm sóc, mà không dạy cho sự độc lập tự chủ, không dạy cách sống bình đẳng.

Cách nuôi dạy như vậy chính là tiếp tục khẳng định: phụ nữ chăm sóc đàn ông là chuyện đương nhiên, đàn ông ít quan tâm đến phụ nữ cũng là đương nhiên. Phụ nữ có thể buồn hay tủi thân vì tình trạng này, nhưng nếu họ không nhận ra nguyên nhân hệ thống để sửa đổi, thì tình trạng này sẽ tiếp diễn”, họa sĩ Bút Chì nói.

Chỉ cần thay đổi nữ giới

Theo anh Bút Chì muốn thay đổi tình trạng này thì cách tốt nhất là phụ nữ thay đổi. “Nữ giới thay đổi, bầy trẻ con còn lại sẽ thay đổi theo. Đàn ông đang ở trong bầy trẻ con đó. Vai trò của họ là thuận theo và hỗ trợ quá trình thay đổi của mẹ, của vợ và của con họ”, anh nói.

Lý giải cho quan điểm “thay đổi bé gái là thay đổi tất cả” anh Bút Chì cho rằng, nếu ví nước Việt Nam như một con người thì đó là một phụ nữ. Nữ tính thống trị văn hoá và xã hội ở đây. Khác với các nước Phương Tây, nơi nam tính thống trị.

“Nữ tính luôn trong tâm thế thụ động đón nhận, ôm ấp, chuộng sự bình yên ổn định, linh hoạt, mềm dẻo, sức chịu đựng lớn, và hành xử theo cảm tính/cảm xúc. Đó đều là các đặc tính nổi bật của người Việt Nam.

Còn nam tính với đặc tính chủ động, tìm tòi, khám phá, kiến tạo, phát minh, xây dựng, suy nghĩ logic và hành động bài bản, thì lại ít thấy ở nước ta.

Việc này khiến cho xã hội ta ổn định, linh hoạt nhưng không tạo ra nhiều cái mới, không đóng góp được nhiều giá trị văn minh cho nhân loại”, anh lý giải.

Mọi tội lỗi là do phụ nữ Việt quá chiều đàn ông - 1

"Các chị các em có đang chung sống với người đàn ông của mình một cách ngang hàng, bình đẳng, độc lập và thẳng thắn, hay chỉ đang khổ sở cố gắng noi gương bà mình, mẹ mình?”

Anh Bút Chì cho rằng, trước khi trách móc đàn ông, phụ nữ nên tìm hiểu rõ nguyên nhân, và họ nên đối thoại thẳng thắn với các ông chồng chứ đừng chỉ quan sát, kỳ vọng rồi thất vọng. Phụ nữ muốn thay đổi thì cần phải bắt tay hành động chứ không phải là ca thán.

Lấy ví dụ một bà vợ buồn lòng vì chồng vô tâm, mua hàng chục bó hoa tặng cả công ty ngày 8/3 nhưng vợ lại không có gì. Anh Bút Chì lý giải: “Thực ra ông chồng ở trường hợp này chỉ đang thực hiện một “thủ tục” ở công ty. Ông ấy cần giữ thể diện, cần chăm sóc tinh thần cho nhân viên. Đây là vấn đề ngoại giao. Còn đối với vợ ở nhà, ông ấy có thể nghĩ “ối dào, không cần thiết, cần cái gì thiết yếu thì mua”.

Cần phải xác định xem là ông chồng đang nghĩ “không cần thiết” hay ông ấy thực sự “không quan tâm”, bởi vì hai việc này rất khác nhau về bản chất. Và dù ông ấy nghĩ thế nào, thì nếu bà vợ có nhu cầu, cũng nên nói chuyện rõ để chồng mình biết và hiểu, chứ đừng chỉ quan sát, kỳ vọng rồi thất vọng”.

Chia sẻ thêm về quan niệm bình đẳng giới, anh Bút Chì cho rằng bình đẳng là khi mọi người đều hiểu chính mình, biết mình mạnh gì và yếu gì, hiểu mình cần gì và muốn gì, sống như những cá nhân tự do, độc lập, tôn trọng và thương yêu người khác.

Trong một cộng đồng bình đẳng như vậy, thì ai làm việc nấy, tuỳ theo khả năng/thiên hướng/giới tính của mình.

Đỗ Hữu Chí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC