Sắp đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2019. Năm nay cả nước có gần một triệu sĩ tử đăng ký dự thi. Giai đoạn này nhiều bạn băn khoăn nên đi học Đại học (ĐH) hay đi làm.
Thật sự ở tuổi 18, hầu hết chúng ta còn rất mơ hồ về thế giới ngoài kia, cũng như mơ màng tương lai của mình. Với những gì đã trải qua, tôi xin được chia sẻ đôi chút.
Những năm 2000 về trước, anh chị nào đậu ĐH thì liên hoan linh đình. Đậu ĐH là sự kiện vô cùng hoành tráng. Vì hồi đó ĐH xa xỉ lắm. Học ra là công việc cũng dễ ổn.
Còn thực tế bây giờ tốt nghiệp ĐH nghe như phổ cập rồi thì phải, nếu tôi không dám nói là quá bình thường. Bởi thời buổi kinh doanh, các trường ĐH mọc lên như nấm, rồi 8, 9 điểm cũng đậu ĐH. Thế là người người đi học, nhà nhà cho con đi học. Với suy nghĩ "học xong sẽ có ngay một công việc ổn định, nhẹ nhàng và lương cao".
Rồi các bạn đi học 4 năm, 5 năm 6, 7 năm, thậm chí 8 năm. Có bạn học dở năm 2, 3 thì nghỉ học với vô vàn lý do: nào là khởi nghiệp, do có bầu ngoài ý muốn, do đánh nhau, do ham "bốc bát họ" thế là báo về cho bố mẹ một khoản nợ khổng lồ và bỏ ĐH luôn... Muôn vàn câu chuyện khi học ĐH. Nếu bạn tích cực đi làm thêm, và được học bổng thì còn đỡ. Còn không hàng tháng vẫn cõng tiền của bố mẹ lên tiêu thôi.
Khi còn ngồi trên ghế ĐH thì vô vàn ảo mộng. Học xong đi làm mấy nghìn đô một tháng. Kiếm thật nhiều tiền để: mua nhà, mua xe và đi du lịch. Hầu hết chúng ta đi học là để thay đổi số phận và có một tương lai tốt nhất. Các bạn nam thì sẽ ở lại thành phố lập nghiệp. Ra trường làm cho các tập đoàn lớn nước ngoài. Còn các bạn nữ mơ ước học xong có một công việc ổn định để lấy được một anh chồng tử tế. Một số bạn nữ xinh xinh đẹp đẹp ước mơ mạnh hơn là kiếm được anh thành phố nhà giàu để đổi thay số phận.
Và tôi biết rất nhiều bạn trẻ chưa tốt nghiệp đã được các công ty lớn để ý. Nhiều bạn học xong đã tự lập nghiệp và giờ họ rất thành công. Có thành quả đó là do sự chăm chỉ học hành và cộng thêm chút may mắn. Các bạn đó đều tốt nghiệp các trường ĐH top đầu cả nước.
Ra trường ở nhà vài tháng là chán ngán lắm rồi. Đi đâu gặp ai câu đầu tiên hỏi là: Nay làm ở đâu rồi? Rồi ai cũng có việc làm cả thôi: Nhân viên kinh doanh, tiếp thị, shipper, phục vụ quán ăn, quán nhậu, quán cafe, bảo vệ, lái taxi, công nhân, bán trà đá, tự kinh doanh riêng hay về quê mở trang trại ... Đủ các loại công việc mà ĐH không dạy. Lúc này các bạn nhận ra cái bằng ĐH có giá trị gì đâu?
Khổ nhất là các bạn xin làm công nhân phải giấu bằng (ĐH, thạc sỹ).
Mà khốn khổ xin làm công nhân may cũng mất tiền các bạn à. Mấy năm trước tôi xin cho 2 đứa em tôi làm công nhân là phải chạy từ 3-5 triệu đồng. Còn hiện nay tôi không rõ xin vào đó có mất tiền nữa hay không?
Lâu nay đi học sung sướng không phải lo nghĩ, bố mẹ chu cấp tiền đều đều. Luôn nghĩ "mình học ĐH ra phải làm công việc oai, sạch sẽ, nhẹ nhàng, lương cao". Nên khi làm công nhân bị chửi "Học ĐH mà dốt thế" lại thấy ấm ức... nhưng tôi nghĩ chuyện đó quá bình thường luôn.
Tôi chỉ khuyên các bạn một điều: Làm gì cũng được miễn sao không trái với đạo đức và vi phạm pháp luật là được. Cả nước năm 2018 có 48 triệu người trong độ tuổi lao động (trong đó có hơn 4 triệu công viên chức đang làm việc). Nên phải nghĩ rằng: Họ làm công nhân được thì mình cũng làm được, bởi chúng ta đều là con người như nhau. Một năm khoảng 500.000 sinh viên ra trường đủ các loại ngành. Thống kê cho thấy năm 2018 có 65% người làm trái ngành, 511.000 người thất nghiệp.
Khi tôi làm cho công ty tại thành phố lớn, nhiều bạn mới ra trường cầm bằng ĐH đi xin việc cứ tưởng mình là giỏi. Chưa gì đã đòi làm quản lý, lương 8 con số. Trong khi kinh nghiệm chưa có, ngoại ngữ thì kém, tin học thì yếu. Các bạn ảo tưởng quá. Hãy tỉnh mộng đi nhé. Nếu muốn làm sếp hãy bắt đầu làm nhân viên. Muốn làm ông chủ hãy bắt đầu từ làm thuê. Muốn bán cafe hãy xin làm chạy bàn. Muốn mở quán cơm hãy xin chân nhặt rau..... Lương cao yêu cầu: Kỹ năng cứng, kỹ năng mền, trình độ ngoại ngữ, tin học... bạn đã đáp ứng đủ chưa?
Các công ty đôi khi họ không cần ĐH đâu. Họ tuyển người dựa trên năng lực đang có ấy. Các bạn cứ giữ thái độ đó thì mãi thất nghiệp thôi. Ra ngoài xã hội nhiều người tài giỏi lắm các bạn à. Núi này đã cao núi khác còn cao hơn. Thời buổi này liệu có ai định nghĩa được thế nào là: công việc ổn định, lương cao không? Có phải là cái công việc ngồi văn phòng điều hòa, sáng đi tối về, nghỉ thứ 7, chủ nhật, cuối tháng nhận mấy nghìn đô không? Xin lỗi các bạn nhé. Người làm ra ba, bốn nghìn đô/tháng bạn có biết công việc của họ căng thẳng, áp lực như thế nào không? Thời gian họ làm việc nhiều như thế nào không? -
Trong khi đó các bạn học xong cấp 3 đi làm luôn, bây giờ lại có vốn tích lũy. Các bạn có tay nghề riêng. Tự có công việc ổn. Giờ quản lý toàn bạn học ĐH. Có bạn thành lập doanh nghiệp làm ăn rất khá. Có bạn đi xuất khẩu lao động về biết ngoại ngữ lại là lợi thế.
Tuy các việc trên có khởi đầu hơi vất vả nhưng tôi thấy thu nhập và cuộc sống các bạn ấy bây giờ rất ổn định.
Thời gian trôi qua chợt nhận ra: Chưa làm được gì mà đã già rồi. Chung quy cũng tại vỡ mộng ĐH.
Nếu bạn đang băn khoăn có nên đi học ĐH hay đi làm, tôi xin có vài ý như thế này thôi:
Bạn nên đi học ĐH khi: Bạn có người định hướng rõ về công việc sau này. Nhà bạn có điều kiện. Và cái cuối cùng là bạn phải giỏi hơn số còn lại. Bạn nên đi làm khi: Không có những điều kiện như trên. Đi làm sớm có tích lũy sớm. Hoặc học nghề. Hoặc xuất khẩu lao động.
Thực trạng trên là do:
1. Các trường ĐH tuyển sinh quá ồ ạt, trường ĐH mọc lên quá nhiều gây ra loạn ngành nghề.
2. Chỉ học trên lý thuyết mà không có thực hành.
3. Không định hướng nghề nghiệp rõ ràng trước khi đi học. Thích là học, đậu là học.
4. Cuối cùng tôi khuyên các bạn đang học ĐH hãy trang bị thật tốt cho mình mọi các kỹ năng. Hãy luôn ưu tiên việc trau dồi kiến thức, cách làm người, cách đối nhân xử thế trong gia đình, xã hội. Các bạn nên trang bị thật rộng mảng Công nghệ thông tin và hãy học tốt nhiều ngoại ngữ (Tiếng Anh, Trung, Nga, Nhật. Đức. Hàn...) sau khi tốt nghiệp ĐH các bạn sẽ tìm được một công việc tốt.
Hãy định hướng cho tương lai của các bạn ngay từ bây giờ nhé. Đừng phí thời gian cho những thứ không cần thiết. Học đại học không đúng đắn có thể trả giá bằng thời gian, tiền bạc và tuổi trẻ.
Mai Xuân Nam