Khi người ở vùng miền này đến học tập, sinh sống ở vùng miền khác không cùng thổ ngữ với mình thì nhất thiết phải sửa tiếng, chẳng có gì phải "nhục nhã" cả.
Đọc bài "Buồn vì nhiều người Nghệ An pha giọng Hà Nội, Sài Gòn" của tác giả Nguyễn Lâm tôi xin có một vài ý kiến.
Tác giả Nguyễn Lâm chia sẻ: "Chửi cha không bằng pha tiếng" - tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm đầy thiện chí của tác giả: Cần phải thể hiện tình yêu quê hương, ít nhất là giữ gìn bản sắc quê hương bằng cách không chối bỏ giọng/ tiếng nói của quê hương mình, dễ trở nên kẻ rởm đời, học đòi, bội bạc...
Nhưng có một vấn đề tác giả đặt ra chưa được hiểu một cách thỏa đáng: “Pha tiếng/ giọng là gì?”. Pha tiếng là “Bắt chước giọng nói của người ta để chế nhạo.” (Việt Nam tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo, 1931, Trung Bắc Tân Văn, HN, Mặc Lâm xuất bản, 1968, tr. 428), là “nhái tiếng, bắt chước giọng nói của người để chế giễu” (Lê Văn Đức, 1970, Việt Nam tự điển, quyển Hạ, nhà sách Khai Trí, SG, tr. 1130). Còn “nhái” (phương ngữ Trung , Nam Bộ) = nhại: Bắt chước tiếng nói hay điệu bộ của người khác để trêu chọc, giễu cợt (Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt).
Vậy, “pha tiếng” hay là “nhái/nhại tiếng” thường nhất thiết phải đi liền với mục đích nhằm trêu chọc hoặc giễu cợt/chế nhạo/chế giễu ai đó.
Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với tác giả về nhận xét: Tiếng nói quê hương là thân thương nhất đối với mỗi người. Song cũng cần tỉnh táo, nghiêm túc nhìn nhận: "thân thương" không phải bao giờ cũng đồng nghĩa với "dễ nghe".
Trên đất nước ta theo sự phân chia của các nhà ngữ học, có 3 vùng phương ngữ. Đi kèm với 3 vùng phương ngữ ấy là hàng trăm thổ ngữ, mà "tiếng Nghệ" chỉ là một ví dụ cá biệt.
Tất cả các thổ ngữ tiếng Việt hiện nay đều có những lỗi phát âm sai riêng biệt của mình, có vùng lỗi nhiều, có vùng lỗi ít (mà lỗi ít nhất là tiếng Hà Nội), không có một tiếng, giọng của vùng miền nào là đúng 100%.
Người thuộc vùng thổ ngữ nào, quen nghe tiếng/ giọng nói vùng ấy, nên cảm thấy thân thương, còn đối với người thuộc thổ ngữ khác thì chưa/ không hẳn như vậy.
Đơn cử một ví dụ: tiếng Hà Nội hiện nay được xem là tiếng chuẩn của nước ta (tất nhiên là sau khi sửa những lỗi chính âm cố hữu của nó); nhưng thật bất ngờ, có lần về công tác ở miền Tây Nam bộ, khi hỏi người dân có thường xem đài VTV1 không, thì phần lớn cư dân ở đây trả lời là "không", lý do mà họ đưa ra là vì họ không nghe được các phát thanh viên nói giọng Bắc, nên không hiểu gì cả.
Một người mẹ gốc Nghệ An dạy con mang dòng máu Việt - Pháp nói tiếng Việt giọng Nghệ
Sửa tiếng để làm gì?
Quả nhiên, như tác giả đã thiện chí phê phán, mọi trường hợp “pha tiếng” là đều không nên.
Tuy nhiên, theo chúng tôi - không phải tất cả mọi trường hợp phát âm khác tiếng/giọng nói hiện tại của mình đều là pha tiếng. Có những trường hợp, khi họ cố “bắt chước” phát âm theo thổ ngữ/ phương ngữ của ngữ cảnh diễn ra cuộc giao tiếp, là với ý thức hết sức nghiêm túc, không hề có ý trêu chọc hay chế nhạo ai, nên đó không phải là hành vi “pha tiếng” theo đúng bản chất ý nghĩa của từ này.
Họ cố sửa tiếng cho giống tiếng của vùng họ đang sinh sống, đang học tập, làm việc không nhằm giễu nhại, trêu đùa ai, mà chỉ nhằm làm cho quá trình giao tiếp diễn ra được nhanh chóng, thuận lợi hơn, để dễ đạt được mục đích và hiệu quả giao tiếp hơn.
Còn khi về lại quê hương, sống trong vùng phương ngữ của mình, hoặc trong trường hợp giao tiếp với người cùng thổ ngữ, thì bạn hoàn toàn có quyền - và nên như thế - thoải mái phát âm tiếng/ giọng địa phương của mình.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến một trường hợp trong thực tế, hiện nay tất cả giáo viên tiểu học trên đất nước ta đều đang phải cố gắng sửa tiếng của mình khi dạy phân môn học vần.
Các giáo viên vốn là người Trung, Nam Bộ, khi dạy học sinh đánh vần, phải cố gắng phát âm đúng các cặp vần/cặp âm tiết mà học sinh vùng phương ngữ Trung, Nam Bộ phát âm chưa chuẩn, dễ lẫn lộn như: vẽ-vẻ, vườn-giường, vậy-dậy, bàn-bàng, khăn-khăng, trôi-trâu, ướt-ước, rồi-gồi…
Tương tự, các giáo viên người Bắc Bộ thì ra sức phát âm chuẩn để phân biệt các cặp âm tiết/cặp vần khó phân biệt: trâu-châu, làm-nàm, sinh-xinh, dung-rung-giung, hiu-hiêu-hươu…
Như vậy, không chỉ khi đi ra ngoài vùng phương ngữ, mà ở chính ngay trong vùng phương ngữ bản địa, tùy theo đặc thù nghề nghiệp của mình, mà mỗi người cũng nên có ý thức về việc sửa tiếng.
Thêm một vấn đề cần phải nhìn nhận, đó là "từ địa phương". Ở mỗi vùng có những từ ngữ đồng nghĩa để cùng chỉ một sự vật, hiện tượng (nghĩa sở chỉ), như các từ sau đây ở các vùng miền nước ta cùng chỉ một loại cá: cá quả, cá chuối, cá tràu, cá lóc...
Cần thiết xác định mình đang ở địa phương nào, để lựa chọn dùng từ nào cho phù hợp. Hoặc ví dụ khác, để cho được dễ hiểu, nhanh tiếp nhận và đáp ứng nhu cầu trong giao tiếp, khi ở Nam bộ, vào quán giải khát, cần thêm một ly đá lạnh, bạn nên nói xin một "cái tẩy", còn ở miền Bắc thì xin "cốc đá".
Tóm lại, ở vùng miền nào thì nên học tập, tiếp thu và "xài" từ địa phương của vùng miền nấy, chứ đừng nên khư khư bảo thủ, "giữ gìn bản sắc" bằng cách bê nguyên từ ngữ địa phương của vùng này sang sử dụng ở vùng thổ ngữ khác, sẽ gây nên những tình huống dở khóc dở cười như các mẩu chuyện vui về bất đồng ngôn ngữ vùng miền mà nhiều người đã biết.
Có cần sửa tiếng?
Câu trả lời hết sức nghiêm túc là: Cần! Khi người ở vùng miền này đến học tập, sinh sống ở vùng miền khác không cùng thổ ngữ với mình thì nhất thiết phải sửa tiếng, chẳng có gì phải "nhục nhã" cả!
Tuy nhiên, không phải sửa tiếng theo thổ ngữ ở đó, mà là sửa theo chính âm của nước ta. Nghĩa là cố gắng khắc phục những lỗi chính âm cố hữu của mọi thổ ngữ, so với âm chuẩn tiếng Việt.
Cố gắng sửa tiếng cho hoạt động giao tiếp được thuận lợi hơn là việc nên làm của tất cả mọi người; cố gắng phát âm theo chính âm, phát âm chuẩn để đạt được hiệu quả trong công tác dạy học vần cấp tiểu học – hơn cả nên làm – là một nhiệm vụ mà giáo viên phải tiến hành thường xuyên, liên tục.Như vậy, pha tiếng, nhại giọng kèm theo thái độ giễu cợt, chế nhạo là hành vi sai trái, không nên làm vì dễ gây tổn thương cho người khác. Còn một số trường hợp như tác giả lưu ý và chúng tôi khảo sát ở trên là sửa tiếng - là việc làm hết sức nghiêm túc, đúng đắn chứ không phải pha tiếng.
Cuối cùng, cần phải khẳng định và thống nhất với nhau một điều: dù tiếng/ giọng (phương ngữ) Bắc Trung Nam, hay thổ ngữ xứ Nghệ, xứ Huế, xứ Quảng, miền Tây... cũng đều là tiếng Việt của chúng ta.
Mỗi vùng có bản sắc và nét đẹp văn hóa riêng không thể phủ nhận. Cho nên, việc sử dụng tiếng/ giọng nói nào, trong ngữ cảnh nào là do chính bạn quyết định một cách đúng đắn sao cho phù hợp nhất.
ThS. Đỗ Thành Dương
(Giảng viên chính, Trưởng bộ môn Ngôn ngữ, Trường Dự bị ĐH dân tộc Trung ương Nha Trang)
Đăng trên Vietnamnet