Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Hà Nam mới khởi công dự án xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Phủ Lý. Thế là lại thêm một đô thị nữa ở Việt Nam được nhấn nút xây dựng đường tránh. Thoạt nghe, sự kiện đó giống như tiếng chuông báo tin vui. Nhưng khi tiếng chuông ngừng reo, cái còn lại là một nỗi buồn không tên nhưng sâu thẳm.

 Vì không muốn để quốc lộ hoặc tỉnh lộ chạy xuyên tâm các đô thị gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của dân cư, Chính phủ đã buộc phải chọn giải pháp làm đường tránh và việc này đang được triển khai rầm rộ ở hầu hết các thành phố, thị xã, thậm chí thị trấn trong toàn quốc có quốc lộ chạy xuyên tâm.

Kinh phí đầu tư xây dựng các đường tránh là không nhỏ. Chỉ riêng dự án đường tránh thành phố Phủ Lý dài 23 km đã ngốn hết trên 2.000 tỷ đồng. Nếu không ngắt từ chiếc bánh ngân sách mà sử dụng vốn vay ODA hoặc bất kỳ nguồn vốn nào khác thì cuối cùng người dân (hoặc hiện tại hoặc con cháu họ trong tương lai) cũng phải gánh chịu.

Nguyên nhân dẫn đến "mốt đường tránh" có cả từ phía người dân lẫn các nhà quản lý.

Có lẽ, không đâu trên thế gian này người dân lại thích và muốn được “chòi” ra mặt đường để sinh sống như ở Việt Nam. Mọi chuyện từ làm ăn đến sinh hoạt và cả những hỉ, nộ, ái, ố… hầu như đều được bày ra mặt đường như một niềm tự hào. “Văn hóa mặt đường” đã ăn sâu vào tâm thức người dân khiến bất cứ nơi nào có đường là nơi đó hầu như có nhà cửa bám sát.

Tuy nhiên, không thể trách người dân. Nguyên nhân chính của di chứng đường tránh ngày nay bắt nguồn từ việc thiếu tầm nhìn xa cũng như yếu kém trong năng lực quy hoạch, quản lý của các nhà quản lý. Dường như rất nhiều nhà quản lý ở ta không nhận thức được việc cần thiết phải xây dựng hoặc phát triển các thành phố, đô thị nằm cách xa các trục đường chính (các quốc lộ chẳng hạn). Từ đó dẫn đến việc hoặc chính quyền chủ động xây dựng, phát triển đô thị ôm ghì lấy trục đường giao thông huyết mạch như nhái bén ôm cây; hoặc bị động chạy theo sở thích của người dân. Hệ quả là phần lớn các đô thị ngày nay có hoặc từng có đường quốc lộ, tỉnh lộ với lưu lượng xe cộ đông đúc chạy xuyên tâm.

Điều đó không chỉ xảy ra trong quá khứ xa xôi mà ngay cả với hiện tại. Không ít thành phố, thị xã, thị trấn được xây dựng hoàn toàn mới trong thời gian gần đây, thậm chí mới bắt đầu triển khai cũng lấy quốc lộ, tỉnh lộ làm trục đường chính xuyên tâm đô thị. Thị xã Lai Châu (tỉnh Lai Châu) là một ví dụ điển hình. Được xây dựng mới với khoảng mươi năm trở lại đây, thị xã này có trục đường chính xuyên tâm là Quốc lộ 4D (đoạn trong nội đô thị xã mang tên đường Điện Biên Phủ). Đây là con đường sầm uất nhất của thị xã hiện nay và cũng là con đường có hầu hết các cơ quan công quyền của tỉnh trú đóng. Tại Đồng Nai, một số huyện mới tách, các thị trấn xây mới hoàn toàn cũng có đường chính là tỉnh lộ chạy xuyên tâm, chẳng hạn như thị trấn thủ phủ huyện mới Cẩm Mỹ. Triển vọng về việc phải làm đường tránh các thị xã, thị trấn này trong tương lai là điều khó tránh khỏi.

Có ý kiến lập luận rằng, việc làm thêm đường sá, hạ tầng giao thông, trong đó có đường tránh là điều tất yếu khi đô thị phát triển. Qủa không sai, nhưng nếu chỉ nghĩ giản đơn như thế thì rất nguy hiểm. Vì rằng, điều đó không những bộc lộ sự hạn chế lớn tầm nhìn về tương lai đô thị mà còn cho thấy thiếu hẳn một nền tảng văn hóa, triết lý về không gian sống, không gian đô thị… Chính vì thiếu những điều cơ bản này nên các đô thị ở ta hết sức lộn xộn, chắp vá, thiếu văn minh đô thị đúng nghĩa. Chủ động đầu tư, phát triển hạ tầng, không gian sống đô thị là việc hoàn toàn khác với các giải pháp chữa cháy theo kiểu làm đường tránh. Nếu có tầm nhìn trong quy hoạch cộng với quản lý tốt thì không những tạo ra những đô thị văn minh với môi trường sống tốt mà còn giúp tiết kiệm được rất nhiều ngân sách cũng như các nguồn lực khác của quốc gia.

Khôi hài nhất là không ít nơi sau khi làm đường tránh, chính quyền lại để người dân đua nhau xây dựng nhà cửa, phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh ôm dính đường tránh, trong đó có cả những cơ quan hành chính nhà nước bề thế của địa phương. Đường tránh Đông thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) là một ví dụ. Chức năng của đường tránh với mục đích tránh khu dân cư đông đúc trở nên mất hết tác dụng lẫn ý nghĩa khi nó đã hoặc đang trong xu thế bị cưỡng bức trở thành đường nội đô.

Thẳng thắn nhìn nhận, chung quy vẫn do tầm nhìn và năng lực hạn chế của các nhà quản lý. Tầm nhìn và năng lực quản lý thế nào, đường tránh thế ấy.

Đại Dương




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC