Chúng ta cần siết chặt các đường biên giới, cả của quốc gia lẫn các tỉnh thành, để ngăn dòng người di cư tự do và các vấn đề của nó?
Soi 4 Sukhumvit, Bangkok, Thái Lan là một địa điểm du lịch nổi tiếng toàn cầu: từ đầu soi (hẻm) đi vào vài mươi mét là Nana Plaza - nơi mà các nhà thầu đã tự hào viết lên dòng chữ “Trung tâm giải trí người lớn to nhất thế giới” bằng đèn neon.
Ở đó, bạn sẽ tìm thấy nhiều hình ảnh mà các nhà quảng bá du lịch Thái Lan không muốn khoe ra. Sặc sụa hơi người, hơi nước hoa và hơi bia. Bước chân vào đó, với tất cả sự suồng sã của nó, nhiều khách du lịch đoan chính sẽ phải đỏ mặt.
Nhưng câu chuyện của chúng ta cách cái tụ điểm hấp dẫn ấy vài mươi mét: đầu soi 4, phía bên kia đường, bạn sẽ bắt gặp một người bán nước hoa quả. Tôi không biết bạn, trong trải nghiệm của mình, sẽ gặp chính xác người bán nước hoa quả nào, họ thay đổi vị trí liên tục.
Nhưng tôi có thể thông báo cho bạn chính xác một điều: Cô ta hoặc anh ta, đến từ một xã ở Thanh Hóa.
Lần sau đến Bangkok, bạn có thể thử dừng lại, mua một chai nước lựu giá 50 bath và hỏi tên cái xã đó. Tại Sukhumvit, con phố du lịch nhộn nhịp nhất nước Thái và cả vùng Đông Nam Á, những nguời Việt di cư thống trị các quầy hoa quả chế biến trên hè phố. Nếu bán nước hoa quả, người ấy đến từ một xã ở Thanh Hóa.
Nếu bán hoa quả gọt sẵn, người đó, khả năng rất cao, đến từ một huyện ở Nghệ An.
Những lao động Việt Nam này nhập cảnh bằng visa du lịch, và mỗi tháng một lần, di chuyển bằng xe đò đến biên giới, xuất cảnh và nhập cảnh lại. Họ đã phát hiện ra một cơ hội làm ăn khá tinh tế: hoa quả được mua từ chợ đầu mối Khlong Toei cách đó khoảng hai cây số, nhưng sau khi chế biến thành nước ép, đẩy xe đến tụ điểm du lịch, thu lãi gấp đôi.
Tất nhiên đó là một mô hình khởi nghiệp không hợp pháp. Visa du lịch không cho phép họ bán rong. Nhưng bằng sự khéo léo theo cách nào đó (mà theo lời kể, là với cảnh sát khu vực), họ duy trì hoạt động buôn bán trên những hè phố tại Sukhumvit, và vài địa điểm khác tại Bangkok nhiều năm nay.
Tôi hay gọi nhóm này là "những người vượt biên thế kỷ 21" trong các buổi thảo luận đề tài. Thật ra họ không "vượt biên" theo nghĩa hình sự của từ này, mà bằng nhiều thủ thuật lách qua các đường biên giới để mưu sinh, bằng visa du lịch, visa đi học, hay là hợp đồng hôn nhân với người nước ngoài... Bạn có thể bắt gặp họ ở Hong Kong, Ba Lan, Thái Lan, Đài Loan hay Hàn Quốc.
Những chiếc xe đẩy bán hoa quả tươi được bán ở rất nhiều nơi như ở bãi biển, ở chợ đêm hay trên chính những con đường tại Phuket.
Năm ngoái, tôi đề nghị phóng viên về đúng vùng đất nơi họ đã ra đi, ở cái tỉnh nghèo miền Trung Việt Nam ấy, với mong muốn tìm được một câu chuyện hấp dẫn. Tất nhiên đó phải là một câu chuyện hay phục vụ độc giả của VnExpress, tôi đinh ninh.
Nhưng phản ánh của phóng viên sau đó khiến tôi hụt hẫng: hơn một trăm con người đã đi Thái Lan bán nước hoa quả kia, chỉ là một phần nhỏ của lực lượng lao động địa phương đã di cư. Lãnh đạo xã không có mấy cảm xúc về việc này.
Nếu tách riêng ra để nhìn, ở giữa Bangkok, một nhóm người Việt thống lĩnh cả một ngành bán rong, rõ ràng là một hiện tượng kỳ thú. Nhưng nhìn từ góc độ địa phương, khi mà phần lớn lao động trong làng đã tha phương cầu thực, việc có hơn một trăm người đến chỗ này, một trăm người đến chỗ khác, không phải là chuyện gì đặc biệt.
Sau này tôi mới nhận ra rằng đúng là chuyện ở phố Sukhumvit không quá đặc biệt. Khi mà luồng di cư từ nông thôn Việt Nam tỏa ra muôn hướng, với cả chục triệu người, thì việc có một nhóm "tỏa" đến Thái Lan, đến Đài Loan hay Hàn Quốc làm lao động trái phép chỉ là một nhánh tất yếu.
Chúng ta dễ có cảm xúc đặc biệt với các vấn đề của lao động Việt ở nước ngoài.
Nhưng hãy nghĩ sâu hơn: thật ra, luồng lao động di cư thiếu kiểm soát tạo ra các vấn đề ở nhiều nơi. Từ một xã nông thôn nhỏ, họ sẽ đến Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Sài Gòn, hay Bangkok. Thậm chí sẽ có khoảng một chục người vượt biên sang Ba Lan bằng đường bộ sau khi vào Nga bằng visa du lịch.
Mỗi nơi, các vấn đề xã hội sẽ được tạo ra theo các cách khác nhau. Không phải là ở Hà Nội hay Sài Gòn thì việc di cư tự do tạo ra ít vấn đề, giả dụ như lấn chiếm vỉa hè, chuyện quản lý cư trú, trẻ con không được đi học, không được tiêm chủng... bạn có thể gặp ở một xóm trọ nghèo nàn nào đó tại quận 2.
Cuối cùng, thì chuyện ở Thái nghe rất hấp dẫn, thật ra không đặc sắc gì hơn chuyện của một nhóm hàng rong nào đó tại Sài Gòn. Nó cùng là các nhánh, các mặt tiêu cực có thể phát sinh của một dòng người di cư khổng lồ.
Cách giải quyết tận gốc vấn đề của dòng lao động di cư tự do, vì thế, không phải nằm ở nơi họ đến, mà là ở nơi họ đã đi; không phải là siết chặt visa du lịch ở Thái Lan, Đài Loan; cũng không phải là ra quân dọn vỉa hè ở Sài Gòn, Hà Nội; cũng không phải là quản lý cư trú chặt chẽ ở Bình Dương, Đồng Nai. Nó nằm ở kinh tế chính cái nơi họ đã ra đi.
Ở các tỉnh bây giờ, có một phong trào gọi là "thu hút nhân tài". Nhưng tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta bắt đầu nghiêm túc nghĩ đến các chính sách "giữ chân người bình thường".
Tăng trưởng mạnh từ các ngành công nghiệp, dịch vụ không đồng nghĩa với giải quyết được bài toán việc làm cho lực lượng lao động nông thôn cũ. Thời đại này các ngành giá trị cao không ưu tiên số lượng lao động. Sản xuất chíp máy tính thì không tốn nhân lực lắm. Trong khi, hàng chục triệu người trước đó vẫn đang sống với các ngành giá trị thấp, tiểu thủ công nghiệp hay nông nghiệp.
Hãy tưởng tượng rằng mười kỹ sư công nghệ sẽ tạo ra sản lượng bằng một nghìn người nông dân. Địa phương hiện có tám trăm nông dân. Nhưng nhà máy cơ khí mới xây chỉ cần năm trăm lao động phổ thông.
Như vậy, ba trăm nông dân có thể thất nghiệp mà kinh tế địa phương vẫn tăng trưởng 25%. Một bài toán hấp dẫn. Ba trăm người này đi đâu thì đi, nhiệm vụ chính trị đã hoàn thành rồi.
Nếu chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng thì ta có thể để cho hàng vạn lao động nông thôn đi tha hương, mà vẫn tăng trưởng hai con số.
Quy tắc Pareto: 80% sản lượng là do 20% lao động tạo ra; 80% lao động còn lại chỉ đóng góp 20% sản lượng.
Ưu tiên tăng trưởng, ta chỉ cần tập trung cho 20% lao động "tinh túy" này là có. Còn lại, đi đâu thì đi.
"Giữ chân người bình thường" vì thế cần là một bộ chính sách riêng: người dân cần sự ổn định trong những ngành giá trị không cao, như nông nghiệp, để sống được với cánh đồng, nuôi được con học đại học, mua được xe máy để chở rau, và không phải vượt biên hoặc giành giật quang gánh với dân phòng ở Hà Nội.
Có những ngành kinh tế, mà chính quyền cần đầu tư, không phải là để tăng trưởng, mà là để giữ sự ổn định trong dân cư (hay là nghĩa đen của từ này: an ninh).
Tôi phải thú thực rằng không biết mình có lẩn thẩn không, khi đề xuất với các địa phương rằng ngoài chính sách "thu hút nhân tài", "thu hút đầu tư" giờ lại còn phải có chính sách "giữ chân người bình thường".
Hay là chúng ta cứ mặc kệ lực lượng lao động trình độ thấp này trong dòng phát triển của những con chip máy tính và những resort 5 sao? Đằng nào thì kinh tế cũng vẫn đang tăng trưởng.
Mặc kệ họ, và mặc kệ việc họ có lưu lạc đến vỉa hè quận 1 hay vỉa hè Sukhumvit, họ có cư trú không khai báo tại quận 2 hay là trốn lại Đài Loan?
Đức Hoàng - Nhà báo
Góc nhìn - VNEXPRESS