Xem nhiều video về ông Minh Tuệ thấy ông lặp đi lặp lại rằng, ông đi tu là để thành “chánh đẳng chánh giác”, nôm na là để thành Phật. Chắc chắn có nhiều người sẽ nghĩ rằng đó là một ý tưởng hoang đường.
Những ai từng đi chùa hay quy y làm Phật tử (tại gia) sẽ quen thuộc với lời phát nguyện “thành Phật” này, người xuất gia thì không cần nói làm gì nữa, tất nhiên rồi.
Nhưng họ có thật sự tự khởi lên cái “quyết tâm” ấy từ sâu trong lòng mình, hay chỉ nói theo và lặp lại một cách hời hợt, đó là một sự khác nhau rất lớn.
Phát nguyện thành Phật, trong ngôn ngữ Phật giáo gọi là “phát tâm bồ đề”, chính là một lời thề [quyết tâm sẽ] giác ngộ.
Giác ngộ có nhiều tầng mức, bởi trong giáo lý nhà Phật nói rằng người tu đạo có thể chứng đắc các quả vị cao thấp khác nhau, mà lớn nhất chính là thành “chánh đẳng chánh giác”. Tức là đại triệt đại ngộ, đạt được trí tuệ viên mãn và tâm từ bi vô hạn.
Cái gọi là “phát tâm” này vốn không có gì xa lạ với mỗi người chúng ta cả. Vì ai gần như cũng có những lời thề của mình.
Người thì thề sẽ đỗ đại học, người thì thề sẽ cày xong cánh đồng, người lại thề phải mua được xe hơi cuối năm nay... Người tu thì thề sẽ giác ngộ.
Đó là nói về người tu chân chánh, không kể những người tu để cầu giàu sang, phú quý, bình an, may mắn...
Ngay cả bây giờ có nhiều người đang xúc động mạnh trước hình ảnh hành giả Minh Tuệ và trong lòng đã khởi lên nhiều tình cảm tốt đẹp, nhưng có cái quyết tâm như ông [là thành Phật], thì có lẽ hầu hết là không. Ngay cả nhiều người vì được “gây men” từ ông mà hiện đã cạo đầu, mặc áo vá, ôm nồi cơm điện đi theo, thì cũng chưa hẳn có ai đã hạ được một cái quyết tâm giống ông.
Nhìn thấy trên ti vi một người làng mình, xưa vốn học hành bình thường nhưng nay lại đang làm luận án tiễn sĩ ở một trường đại học lớn nhất nước Mỹ, tất nhiên nhiều người cũng xuýt xoa, có không ít người sẽ “ước gì”, một số người khác sẽ mang sách vở đã lấm bụi lâu ngày ra, quyết một chuyến học hành xem sao.
Nhưng được ba bữa thì quên mất.
Vì họ không thực sự “thề”, cái quyết tâm của họ chỉ là một chút cảm xúc do tiếp xúc với một hình ảnh hấp dẫn. Trong tự tâm không khởi lên cái ham muốn mãnh liệt để có thể đối diện với con đường học vấn đầy gian khổ.
Người tu mà thật lòng phát tâm thành chánh đẳng chánh giác, xưa nay không có nhiều [dù ai đi tu cũng có LỜI phát tâm ấy]. Hoặc là nói theo, hoặc là nói cho qua chuyện, hoặc là hời hợt, “ba bữa hai mốt ngày” thì người đi đàng người, nguyện đi đàng nguyện.
“Thề sẽ thành Phật”, tất nhiên sẽ có nhiều người cho là hoang tưởng.
Nhưng theo tôi, sở dĩ họ có cái ý nghĩ ấy vì cho rằng Phật là thần thánh hay một cái đấng bậc gì đó siêu nhiên; còn nếu họ biết rằng Phật cũng chỉ là con người nhưng do đào luyện thân tâm đúng cách mà khai mở được trí tuệ trọn vẹn, thì chắc họ sẽ nghĩ khác.
Chính ông Thích Ca Mâu Ni cũng nói “Tôi là Phật đã thành, các vị là Phật sẽ thành”. Vì ai cũng có Phật tánh, chỉ cần sống đúng, tư duy đúng thì trí tuệ bừng tỉnh. Đạo Phật bình đẳng và tự do như thế.
“Phát nguyện” đỗ đại học/ phát nguyện mua được nhà/ phát nguyện lấy bằng tiến sĩ...thì hầu như ai sống trên đời cũng có. Nhưng phát nguyện thành Phật thì chỉ có những kẻ đại hùng đại lực.
Cái khó là đầu tiên phải hiểu, rồi phải tin và làm sao để khởi lên được cái tham vọng tột đỉnh ấy mà không hề thấy là viễn vông. Không hiểu hoặc chỉ vì ham thích nhất thời do thấy sự ly kỳ mà “phát tâm”, thì hoặc là nông nổi, hoặc bệnh lý tinh thần. Vả lại, mỗi người có căn cơ của mình, nay gọi là “sở trường”, là “năng khiếu”, không phải ai cũng bắt chước ai được; vì thế mỗi người phải biết rõ con người mình để chọn lấy một nghề nghiệp/ con đường phù hợp.
Cho nên cũng đừng lo rằng “nếu ai cũng đi tu thì lấy ai cày ruộng”!
Những người [thật lòng] phát tâm thành chánh đẳng chánh giác thì họ sẽ vượt qua được tất cả mọi khó khăn, thậm chí “coi cái chết nhẹ như lông hồng”.
Họ cũng điềm nhiên trước mọi được mất, khen chê, vượt lên trên tất cả những thường tình của thế gian, như như bất động trước mọi khen chê hủy nhục của đời. Đó là sức mạnh của “lời thề”.
Một người đã thề là cày xong thửa ruộng mới trở về thì dù mưa giông sấm chớp, với họ cũng chẳng hề gì.
Nhưng cũng đi cày mà ngay trước khi bắt đầu đã do dự, than thở trong lòng thì chỉ cần mưa phùn thôi họ cũng thả trâu ra. Phật giáo quan trọng cái “phát tâm” là bởi lẽ ấy. Nhưng phát tâm là phải tự mình, nó “tự phát lên” trong lòng, một cách chân thành, mãnh liệt và không bao giờ lui sụt.
Kẻ [nói lời] phát tâm thì hàng triệu, nhưng người thật lòng thì khó có được một hai. Bởi thế, ta ít khi thấy một nhà tu hành có thể nghiêm trì giới luật và hành hạnh kham nhẫn đến suốt đời.
Ông Minh Tuệ đi tu với cái quyết tâm như núi, là thành Phật.
Cái quyết tâm ấy thể hiện qua 6 năm gian khổ vừa qua và qua những ứng xử của ông. Ông nói, ông không nhận đệ tử, không thuyết pháp, khi nào ông thành chánh đẳng chánh giác ông mới làm những việc ấy, còn bây giờ thì không, và ông xưng "con".
Hiện tại ông đã tới được đoạn nào và có thể đi đến đích hay không lại là chuyện khác. Kính trọng một người có quyết tâm vĩ đại là điều chính đáng và phù hợp với tâm lý con người, nhưng sùng bái họ như thần thánh lại là một biểu hiện của sự mê tín, cuồng tín.
Phật Thích Ca còn nói là đừng vội tin ông, đừng đi theo ông kia mà. Kính trọng để soi vào mà tự sửa mình, kính trọng để rồi tự hoàn thiện bản thân..., điều đó tốt đẹp. Nhưng sùng bái và “đặt lên bàn thờ” thì đó rất có thể sẽ là sự bắt đầu để mở ra một con đường mới, “đường về nô lệ”.
Ông Minh Tuệ là người đang tu học.
Từ cái quyết tâm to lớn và sắt đá của mình, ông đã làm được những việc mà khó ai trên đời làm nổi, như ta đã biết.
Nhưng đường xa vạn dặm, ông có thể đạt được nguyện lớn trong đời này mà cũng có thể không. Vì thế, cách kính trọng đối với ông là đừng đeo bám để quấy rầy, đừng làm phiền, phải “tạo mọi điều kiện” cho ông trong lúc ông đang học hành.
Nghĩ coi, nếu có một người nào đó mới hạ cái quyết tâm đỗ đại học và ngày đêm miệt mài đèn sách nhưng bà con lối xóm đã kéo đến đứng bốn xung quanh, vỗ tay, ca ngợi, nườm nượp vào ra, thì họ học hành làm sao?!
Có người bảo, quyết tâm và chăm chỉ như thế thì chả ai làm động tâm được đâu. Nói thế là nói cùn.
Nhà giáo Thái Hạo