Cụ thể, như đã đưa tin trong một bài báo ra ngày 17/1, sáng hôm đó, trên đường Lê Hoàn, Thành phố Thanh Hóa, một nhóm CSGT khi thấy một thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, xe không biển số phóng nhanh, vượt ẩu nên "tung lưới", nhưng đã không trúng người lái xe máy mà lại trúng vào một xe đạp điện, khiến 2 em học sinh ngã ra đường, bị thương.
Cho dù, lãnh đạo đội CSGT thành phố Thành Hóa có giải thích là các em học sinh ngã do người lái xe máy đâm phải nhưng những hình ảnh, clip của người dân ghi lại được ở thời điểm đó cho thấy, CSGT đã giải thích không trung thực.
Bởi vì, đúng là đống lưới đó đã quấn vào xe của các em học sinh mà các em đi đúng phần đường của mình.
Đây không phải lần đầu CSGT Thanh Hóa có việc làm lạ lùng trên. Nhiều năm trước, họ cũng đã làm điều này và cho đó là một "sáng kiến", một giải pháp tốt để ngăn chặn các hành vi đua xe, lạng lách, đánh võng trên đường.
Tuy nhiên, do dư luận thời điểm đó phản ứng khá mạnh nên có một thời gian, "sáng kiến" trên dừng thực hiện.
Nhưng cho đến gần đây, không hiểu sao, CSGT Thanh Hóa lại cho thực hiện cách làm trên và rất không may, nó lại gây ra tai nạn, dù nhỏ với các em học sinh đi xe đạp điện.
Làm bất cứ việc gì có sáng kiến thì luôn luôn cần thiết để đổi mới cách làm, nâng cao hiệu quả công việc. Nhưng những "sáng kiến" kiểu này, trông đã không thấy hay ho gì về hình ảnh: Quăng lưới vào người điều khiển phương tiện như đánh bắt cá gây phản cảm, khó đạt được sự thừa nhận về tính hợp lý. Hơn nữa, chưa thấy một nghiên cứu nào cho thấy, đó lại là giải pháp tốt cho đảm bảo an toàn, trật tự giao thông.
Và thực tế nó lại gây ra tai nạn giao thông thì chỉ có thể nói đó là "tối kiến" chứ không thể nào coi đó như một sáng kiến được.
Cũng như trước đây, để chống tình trạng người kiểm soát trạm thu phí gian lận tiền bán vé, có nơi người ta áp dụng biện pháp... khâu túi các cán bộ, nhân viên thu phí.
Hay có nơi, để kiểm soát các cán bộ, chiến sĩ CSGT, cấp trên đơn vị CSGT đó quy định các cán bộ, chiến sĩ CSGT mỗi ngày đi làm chỉ được phép mang 100 ngàn đồng, nếu sau ca làm việc, phát hiện có số tiền vượt quá 100 ngàn đồng thì người CSGT đó sẽ phải giải trình, kiểm điểm.
Tất cả những cái gọi là "sáng kiến" như thế, đều có thể cho là "tối kiến" được. Bởi, đã làm việc cho nhà nước thì để chống tham nhũng, tiêu cực, sai phạm, cần áp dụng các biện pháp có quy củ, phép tắc, có khoa học, đã được chứng minh tính hiệu quả qua thực tế triển khai, áp dụng.
Chứ có đâu lại đi dùng các biện pháp đầy tính chủ quan, nhiều kẽ hở, đầy rủi ro và rất tức cười như vậy?
Mạnh Quân
Nguồn: Báo điện tử Dân trí