Chỉ sau một cuộc kiểm tra, Sở Nội vụ Nghệ An đã phát hiện ra địa phương mình đang có 198 vị chủ tịch UBND xã phường… cần tinh giản.
Con số gây xôn xao nhất mạng xã hội ngày hôm qua đến từ Nghệ An.
Một bản tin trên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tỉnh Nghệ An có 198 xã thừa Phó Chủ tịch UBND xã, thuộc trường hợp phải tinh giản.
Việc dư thừa trên được tính căn cứ theo Điều 34 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương: UBND xã loại 2 và loại 3 có một phó chủ tịch và Điều 62; Điều 69 cũng quy định: UBND phường loại 2 và loại 3 có một phó chủ tịch; UBND thị trấn loại 2 và loại 3 có một phó chủ tịch...
Trước tình hình trên, Sở Nội vụ Nghệ An đã có công văn yêu cầu đối với cấp xã loại 2, loại 3 đã bố trí 2 phó chủ tịch UBND thì UBND các huyện, thành, thị có phương án bố trí công tác khác hoặc đề xuất Sở Nội vụ xem xét cho tiếp nhận, bố trí một phó chủ tịch xã sang đảm nhận chức danh công chức cấp xã theo đúng chuyên ngành quy định…
Đến nay nhiều huyện ở Nghệ An đang dôi dư phó chủ tịch xã và đang gặp khó khăn để sắp xếp, bố trí chức danh và công tác khác”.
Thú thực, con số này gây chấn động cho nhiều người, trong đó có tôi. Bởi từ trước tới nay, chưa bao giờ có chuyện lạ đời, 1 địa phương mà phát hiện ra tỉnh mình đang thừa ra suýt soát 200 ông “quan xã”.
Chức vụ phó chủ tịch xã nói thế thôi, ở địa phương cũng thuộc diện “ho ra khói, hét ra lửa”, “nói có người nghe, đe có người sợ” chứ chẳng chơi. Thế mà đến 1 ngày đẹp trời kia, phát hiện tới gần 200 ông thuộc diện… thừa ra, nghĩa là không chính tắc.
Chao ôi, công chức có chức vụ cao hẳn hoi, mà còn đến một ngày té ngửa ra là bổ nhiệm không đúng luật đến gần 200 vị.
Nếu mà cứ để yên, thì không biết ngân sách nhà nước còn thiệt hại đến đâu, khi cứ phải trả lương tằng tằng cho ngần ấy “ông quan” tháng tháng.
Vậy thì câu hỏi đặt ra là ai đã ký những quyết định bổ nhiệm bừa phứa và không đúng Luật Tổ chức chính quyền địa phương như vậy? Họ có phải chịu trách nhiệm không khi bỗng nhiên làm tăng ngân sách địa phương để trả lương cho gần 200 công chức và biết bao quyền lợi kèm theo? Cứ nghĩ đến câu “một người làm quan, cả họ được nhờ” mà sợ, trong gần 200 vị “quan xã” thừa ra ấy, đã có biết bao nhiêu dòng họ “được nhờ”?
Thêm một câu chuyện khác cũng gây chấn động, đó là phát biểu của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trên tạp chí điện tử Viettimes: “Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức (CBCC), viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN), con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy.
Nước Mỹ có diện tích lớn xấp xỉ 30 lần nước ta, dân số gần gấp 4 lần, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu.
Nhìn sang Trung Quốc thì chúng ta thấy đội ngũ công chức của họ cũng chỉ chiếm 2,8% dân số.
Như vậy, chúng ta thấy 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức, trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức. Đó là chưa kể người dân chúng ta phải gánh chịu tình trạng quan liêu, sách nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ trong số 2,8 triệu công chức này”.
Than ôi, “nhà giàu” như người Mỹ mà 160 người mới phải nuôi 1 công chức, còn Việt Nam ta, thu nhập bình quân đầu người kém không biết bao nhiêu lần, thế mà 40 người dân phải nuôi 1 công chức.
Thế là người Mỹ giỏi hay người Việt giỏi hơn, thưa quý bạn đọc?
Hẳn nhiên là người Việt Nam ta chứ còn gì nữa mà phải hỏi. Không những nuôi nhiều công chức, mà chúng ta còn vị tha đến độ chịu để cho những người đang được “nuôi” từ ngân sách (tức tiền thuế của người dân) hạch sách nhũng nhiễu, vòi vĩnh mỗi khi cần đến họ để giải quyết những thủ tục hành chính công.
Tìm khắp gầm trời này, không có người nước nào giỏi như người Việt Nam ta đâu, thưa quý bạn đọc.
Mi An
Báo Đất Việt