Chủ nhật tuần này lại vẫn là Bí thư TPHCM Đinh La Thăng khi ông đến thăm một bệnh viện công lập.

Lại làm bất ngờ và hoảng hốt với cỗ máy quyền lực xin – cho khi quyết định không cần đợi cho phép, hãy tiến hành tự chủ ngay đi để trả lương cho bác sĩ ngoài biên chế cao hơn biên chế…

1. Sẽ không còn bác sĩ biên chế

Hôm qua, chủ nhật (5.6), Bí thư TP.HCM Đinh La Thăng lại tiếp tục “quyết” ngay và luôn một vấn đề liên quan đến hệ thống và “thể chế”: Không cần xin phép được tự chủ, Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi hãy tiến hành tự chủ ngay đi để giải phóng nguồn lực, nâng cao thu nhập cho bác sĩ, phục vụ tốt hơn cho người dân.

Khi nghe giám đốc Bệnh viện nói nếu được phép thì bệnh viện sẽ tự chủ tài chính được 100% và dù đã có 1.200 y bác sĩ, bệnh viện vẫn còn biên chế, nhưng chờ TP đưa bác sĩ về, Bí thư Thăng nói luôn rằng biên chế làm gì, hãy tự chủ đi, nhận bác sĩ đi, trả lương cho bác sĩ không biên chế cao hơn thì còn ai chọn biên chế nữa.

Tin khó tin: Trầm trọng nợ công, nợ xấu và bác sĩ không biên chế - 0

Bí thư Thành ủy TP.HCM tặng hoa bác sĩ quốc tịch Mỹ về làm việc tại TP.HCM.

Trước quyết định này, Bí thư Thăng “quyết” ngay và luôn việc cổ phần hóa (CPH) một doanh nghiệp phần mềm 100% vốn nhà nước mà chính quyền TP.HCM muốn giữ lại làm DNNN. Và hôm qua là một đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương và chi phí từ ngân sách phân bổ của UBND TP.HCM.

2.  Trầm trọng nợ công, góc khuất mới nợ xấu và Hà Nội không vội được đâu

Cũng như CPH DNNN vậy, hãy nhớ rằng khi giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thì không còn quyền để mà hạnh họe phân bổ chỉ tiêu biên chế, chỉ tiêu kinh phí hàng năm… nữa. Do vậy, các “quyết định hiện trường” của Bí thư Thăng sẽ vấp phải lực cản rất lớn từ cỗ máy quyền lực xin – cho. Tôi cùng nhiều người nữa đang hóng xem bao lâu nữa thì DN phần mềm QTSC được CPH và bao lâu nữa thì Bệnh viện đa khoa Củ Chi được tự chủ tài chính 100%?

Nợ công Việt Nam ngày càng trầm trọng và tiến sát ngưỡng 65% - Hôm qua, trên laodong.com.vn đã giật dòng tít đầy quan ngại đó. Không cần đợi các đại chuyên gia khuyên nhủ, chỉ cần với tư cách chủ hộ ai cũng biết rằng để giảm nợ chỉ một con đường tăng làm ra tiền đồng thời với giảm chi tiền.

Tin khó tin: Trầm trọng nợ công, nợ xấu và bác sĩ không biên chế - 1
Biếm họa về nợ công 

Thế nhưng, hôm qua, nhận định của HSBC cho rằng chi tiêu liên tục tăng trong nhiều năm làm cho đầu tư công bị suy giảm, và tình trạng tài chính công của Việt Nam khá căng thẳng. Nhưng, nghịch lý là để đạt mục tiêu tăng trưởng thì cần phải gia tăng chi tiêu công. Và đó chính là nguy cơ tài chính trong tương lai.

Cùng lúc đó, các chuyên gia khuyến cáo về nạn giấu nợ xấu dưới tên gọi “lãi dự thu”. Vì không muốn, không thể chuyển sang nợ xấu đối với những khoản vay mất khả năng trả nợ, các ngân hàng vẫn giữ tài sản thế chấp (vì bán cũng không thu được 1/3 số nợ) và hạch toán lãi.

 Lãi dự thu của toàn hệ thống NH tăng mạnh kể từ 2012 đến nay. Năm 2012, lãi dự thu chỉ hơn 40 nghìn tỉ đồng, thì đến cuối tháng 3.2016, tổng quy mô lãi dự thu của 34 NHTM tăng lên gấp 4 lần, trên 160 nghìn tỉ. Nói tóm lại, con số 3% nợ xấu công bố hiện tại là còn thấp xa so với sự thật.

Tin khó tin: Trầm trọng nợ công, nợ xấu và bác sĩ không biên chế - 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải chấm dứt ngay "Hà Nội không vội được đâu" 

Trước sự trì trệ, kém năng động, bộ máy hành chính nặng nề, kém hiệu quả của trái tim Việt Nam – thủ đô Hà Nội Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải chấm dứt ngay tư duy “Hà Nội không vội được đâu” – một ứng xử đã được người dân khái quát thành câu thành ngữ hiện đại nổi tiếng.

Hoan hô người đứng đầu Chính phủ đã có một chỉ đạo rất trúng ý dân. Hà Nội phải là nơi đi đầu của cả nước về mọi mặt, phải là một đầu tàu kinh tế - văn hóa – xã hội để kéo các địa phương nghèo khó khác. Hà Nội phải là nơi mẫu mực, tiên phong trong giảm chi tiêu công, ít nợ xấu nhất của cả nước; phải là biểu tượng mạnh mẽ, tin cậy nhất trong cơ thể kinh tế Việt Nam.   

3.  Lại lún, nứt đường nghìn tỉ  

Tin khó tin: Trầm trọng nợ công, nợ xấu và bác sĩ không biên chế - 3
Đường gần 900 tỉ bị lún, nứt.  Ảnh: NLĐ

Đây là dự án mở rộng đường Quang Trung – Cái Cun ở Cần Thơ, dài 7km, tiền đầu tư từ ngân sách hết gần 900 tỉ, vị chi gần 130 tỉ cho một cây số. Người ít biết về tiền như anh bạn Đào Văn Kiệm hỏi vợ rằng đem 130 tỉ rải trên một cây số thì có hết được tiền đó không. Vợ anh bảo nếu mà loại tờ 200 nghìn giả gói trong giấy báo chữ Trung Quốc như bị bắt vừa rồi thì phải rải đúp hai lớp mới hết. 

Khởi công từ năm 2010, sau 2 năm khánh thành đưa vào sử dụng, nay nứt, lún tùm lum. Không ai dám nghĩ đó là con đường tiêu tốn hết 887 tỉ đồng. Nhưng con đường này chính là câu trả lời cho câu hỏi vì sao nợ công Việt Nam đang ngày càng trầm trọng hơn. 

Vì sao nhiều công trình nghìn tỉ hoặc là trùm mền, hoặc là hư hỏng, hoang phế mà báo chí loan tin đều bình an vô sự, các cá nhân, tổ chức đều không mảy may hề hấn, sứt mẻ gì? Trong khi ở các làng xã chỉ cần ăn bớt, tham nhũng một vài tạ ximăng trong làm đường liên thôn liên xã là đã bị tù mọt gông. 

Nhân đây xin nhắc bạn đọc Tin khó tin thường xuyên đón đọc chuyên mục này của chúng tôi để theo dõi vụ cột điện 500KV bị gió xô đổ trong khi vườn chuối dưới chân trụ còn nguyên. Đến thời điểm này, thông tin mới nhất vẫn chỉ là Bộ Công đã thành lập hai đoàn thanh tra. Bạn đọc đừng sốt ruột hỏi vì sao lâu thế. Cái gì mà liên quan đến nhiều tiền, rất nhiều tiền cũng cần phải có nhiều thời gian.

4. Đến thành phố đáng sống nhớ mang theo áo phao

Vụ chìm tàu chở khách du lịch ngay giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng làm 3 người chết và 53 người khác may mắn thoát chết làm dấy lên sự lo ngại của cộng đồng về chất lượng du lịch, về bộ máy công vụ và thực thi công vụ, về sự quan tâm đến tính mạng con người… của một thành phố được vinh danh là “thành phố đáng sống”. 

 

 

Tin khó tin: Trầm trọng nợ công, nợ xấu và bác sĩ không biên chế - 4
Cứu hộ tàu du lịch bị chìm ngay giữa trung tâm Đà Nẵng. Ảnh: Lao Động 

Cuối giờ chiều hôm qua, bước đầu đã xác định được chiếc tàu chở khách du lịch bị chìm là tàu chưa được phép chở khách du lịch; lúc bị nạn tàu đã chở gấp đôi số người so với công suất; trên tàu gần như không có áo phao… 

Tai nạn như vậy dù xảy ra ở bất kỳ đâu cũng đều vô cùng đáng trách và đáng trừng phạt. Nhưng, trong trường hợp này nó xảy ra ngay giữa lòng Đà Nẵng – thành phố đáng sống mà nhiều người tin tưởng và ngưỡng mộ lâu nay. Do vậy nó càng đáng trách và chịu sự trừng phạt nặng nề hơn. 

Chủ tịch Đà Nẵng đã nhận trách nhiệm khi để xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này. Nhưng tôi nghĩ, như vậy vẫn là chưa đủ. Người đứng đầu thành phố đáng sống cần sớm có hình thức xử lý và công khai trên truyền thông việc xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức trong bộ máy chính quyền thành phố đã để xảy ra vụ tai nạn tai tiếng này. 

Trong trường hợp có sự tiếp tay, gian dối trong kiểm định chất lượng, cấp phép hoạt động thì nhất định phải xử lý hình sự bất cứ ai được trả lương mà làm việc bậy bạ, gây hậu quả, ảnh hưởng thanh danh của thành phố đáng sống.  

Theo LAODONG.COM.VN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC