Nhiều người cho rằng mua xe là tiêu sản chẳng khác nào bảo bát phở 30.000 đồng người ta mua, sau khi ăn hết chỉ còn 0 đồng.

Đọc nhiều bài viết thời gian gần đây về việc "mua nhà hay mua ôtô?", tôi thấy khá buồn cười khi nhiều người so sánh giá của cái xe bị khấu hao so với miếng đất. Tôi mua xe để phục vụ cuộc sống, mưa không tới mặt nắng chẳng đụng đầu, lại an toàn hơn xe máy.

Nhiều người chê mua xe là tiêu sản, chẳng khác nào bát phở có giá 30.000 đồng, thấy người ta mua và ăn hết, bạn cười và bảo "bây giờ bát phở đó còn 0 đồng, còn bạn không ăn nên vẫn có nguyên 30.000 đồng". So sánh như vậy có kỳ cục không?

Tôi đưa ra ví dụ như thế vì tô phở cũng như chiếc ôtô, là tiêu sản. Chúng ta không thể so sánh sự mất giá của tiêu sản với sự tăng giá của tài sản được. Đó là điều bất hợp lý. Vì miếng đất đâu có phục vụ gì cho cuộc sống, như tô phở hay chiếc ôtô?

Nhìn sang cách chi tiêu của các tỷ phú. Họ cũng tiêu tiền vào những cái quan trọng với bản thân, ví dụ như mua du thuyền hay xây rạp chiếu phim trong nhà. Đừng nghĩ trông họ giản dị mà lầm tưởng họ tiêu ít tiền. Đó là cách họ hưởng thụ cuộc sống.

1 Toi Chon Mua Oto De Song Suong Hon Mua Nha

Ai cũng có nhu cầu hưởng thụ, nhưng tùy vào tầng lớp xã hội của mỗi người mà cách thể hiện ra khác nhau. Ví dụ, người ít tiền thì hay tiêu tiền vào quần áo đẹp, điện thoại xịn; người trung lưu thì cố mua nhà, mua xe; người giàu thì cho con cái học trường quốc tế, đầu tư vào trải nghiệm; còn giới siêu giàu thì xây bệnh viện, trường học, lập quỹ mang tên họ. Các tỷ phú nổi tiếng như Bill Gates hay Elon Musk, chẳng hề quan tâm đến chiếc xe họ đi hay bộ quần áo họ mặc. Ở cấp độ đó, khác nhau là ở những di sản họ để lại cho cộng đồng, và những việc họ làm ngốn một lượng tiền rất khổng lồ.

Chi tiêu của người này là thu nhập của người kia, phải có người tiêu tiền, tận hưởng cuộc sống thì xã hội mới phát triển. Chứ tất cả cùng đổ tiền vào đất thì chỉ là "tiền chết". Chẳng lẽ ngồi ngắm đất cho no bụng?

Theo quan điểm của tôi, nhà là một gánh nặng tài chính. Để mua được nhà, bạn phải cày ải khổ sở trong thời gian rất dài. Ngoài ra, mua nhà xong, bạn coi như bị "khóa" tại một vị trí. Khi tìm công việc mới hay trường học cho con, bạn sẽ bị phụ thuộc vào vị trí địa lý.

Tôi thuê nhà, sống cách nơi mình làm việc 1,5 km và tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tinh thần trong việc di chuyển hàng ngày. Nếu sau này tôi có đổi việc tôi cũng sẽ chọn thuê nhà mới ngay sát công ty. Ngược lại, tôi có những đồng nghiệp lớn tuổi, đã mua nhà, nay tìm được công việc tốt hơn, lương cao hơn nhưng họ không dám nhảy việc vì phải đi lại quá xa. Nếu bán nhà để chuyển về gần công ty mới cũng không khả thi vì căn nhà cũ đã mất giá. Thế nên, ở chỗ tôi, nhà mới là tiêu sản.

Tất nhiên, tôi không nói ai cũng phải như mình mới là tốt vì mỗi người có một sở thích khác nhau. Bạn thích chăm sóc vườn cây nên ưu tiên mua nhà có vườn cây, còn tôi thích ngồi trong phòng chơi game nên tôi ưu tiên thuê những căn phòng nhỏ vì lau dọn nhanh, bật điều hòa ấm nhanh và tiết kiệm hơn. Cái tôi muốn là tiết kiệm là thời gian, và những căn phòng nhỏ tiết kiệm cho tôi rất nhiều thứ tôi cần.

Con người có thể thích nghi rất nhanh. Tôi từng sống trong nhà cao cửa rộng và cả những căn phòng bé tí tẹo, và tôi nhận thấy mức độ hạnh phúc của mình nhanh chóng trở về mức bình thường và không bị ảnh hưởng bởi kích cỡ của nơi tôi ở.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC