Yêu thương chó là một điều đáng quý, nhưng trước khi yêu con chó, nên chăng hãy học cả cách đối xử với nhau như con người?
Vào ngày 5/4/2016, một thanh niên đã bị đánh chết ở Bắc Giang vì tội "trộm chó". Chưa có một phiên toà nào được lập ra để kết án, không một luật sư nào kịp bắt xe khách lên Bắc Giang để bào chữa cho con người đó.
Một sự im lặng đáng sợ trong dư luận, họ coi đó là bình thường. Trong một xã hội bất thường, đương nhiên những hành vi dã man đến bất thường, chỉ mang lại hiệu ứng quá tầm thường.
Lướt qua trong 3 giây, người ta chẹp miệng rồi mở tab tin tức mới đang nóng hổi, giờ người ta đang tám chuyện người mẫu với vòng eo, chứ ai quan tâm thanh niên chết thảm.
Nếu những người đánh chết trộm chó lần này lại thoát tội, rất có thể một ngày không xa khi bạn đang vi vu vào một miền quê nào đó, và bị đám thanh niên rỗi việc ngồi hóng mát bên luỹ tre nghi ngờ "tán gái làng"...
Thì chỉ một tiếng hô trộm chó thôi, dân anh hùng sẽ xông lên hoả thiêu bạn bằng xăng A92, và cũng sẽ thoát tội.
Tội ác vẫn tiếp diễn và ngày càng nhiều, vì chúng ta luôn thoả hiệp.
Một thanh niên trộm chó bị người dân địa phương truy đuổi và đánh tử vong ngày 5/4/2016 tại Bắc Giang.
Khi chó đang nhốt trong nhà mà bị trộm, thì đây là hành vi trộm cắp và đột nhập bất hợp pháp, tuỳ theo giá trị của con chó mà sẽ có khung xử lý, kể cả là xử lý hình sự.
Hãy nhìn vụ án trộm chim cảnh nhà giám đốc sở ở Quảng Nam, các bạn sẽ hình dung ra tên trộm sẽ bị xử lý thế nào (tất nhiên còn phụ thuộc vào giá trị của con chó bạn nuôi).
Khi bạn dắt chó đi dạo trên vỉa hè có xích và rọ mõm cẩn thận và bị cướp, thì đây là hành vi cướp giật (không phải trộm chó mà là cướp chó), thì chắc chắn tên cướp sẽ bị xử lý hình sự.
Nếu tên cướp gây thương tích cho chủ chó trong quá trình cướp, thì rất có thể hắn sẽ được "tạm ngừng quang hợp 10 năm" dưới hầm biệt giam nơi ngục tối.
Nhưng, khi các bạn thả rông chó ra ngoài đường mà không hề rọ mõm hay xích cổ, không đi theo để kiểm soát nó, thì trước hết người vi phạm luật pháp là các bạn.
Tôi trích văn bản hướng dẫn, khoản c, điều 4 Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 4/8/2009 của Bộ NN&PTNT như sau:
"Phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người.
Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng..."
Như vậy, những người chủ có chó bị "trộm" khi họ đang thả rông, không hề có quyền gì đối với con chó đó nữa, bao gồm cả quyền tri hô người đi đường bắt trộm chó.
Con chó của họ đang lang thang trái phép, và "tác dụng phụ" của những kẻ trộm chó kia là làm sạch phố phường.
Giống như khi bạn đi ngược chiều ở cao tốc và bị xe đâm, thì người đâm bạn không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm gì cả, nếu còn sống, thậm chí bạn phải đền tiền sửa xe và tổn thất tinh thần cho người đâm bạn.
Các bạn hãy chú ý, khi nghe tiếng hô bắt trộm chó, nhưng thấy con chó đang bị trộm chở đi là chó không dây xích hay rọ mõm, việc đầu tiên là nên trách mình đã không quản lý chó đúng pháp luật.
Một chiếc xe máy mặc nhiên là có chủ dù bạn không tận tay nhìn thấy cà vẹt, nhưng một con chó không xích, không rọ mõm, không bảng tên và đương nhiên là không biết nói để tự kêu cứu, thì không có gì chứng minh nó là của ai.
Và tôi cũng tin rằng, khi những con chó thả rông đó cắn người hay chạy ngang đường gây tai nạn, thì những người "chủ" vô trách nhiệm kia sẽ ngoảnh mặt đi huýt sáo một điệu nhạc Nga nào đó và phủi tay không liên quan kiểu "ơ chó của ai ấy".
Đừng quên ở Việt Nam, chó gây chết người nhiều hơn súng đạn, những người thả chó chạy rông ra ngoài đường, đôi khi chính là những kẻ giết người một cách vô ý.
Khi một sự vụ được xác định là trộm chó (chứ không phải vợt chó hoang như trên), là một công dân, đương nhiên chúng ta có quyền hỗ trợ bắt trộm.
Lương tri con người không cho phép chúng ta nhìn cái ác hoành hành, nhưng vấn đề bắt trộm thế nào cho đúng pháp luật, thì rất ít người chịu tìm hiểu.
Các bạn có quyền khống chế tên trộm bằng cách tri hô bao vây, thậm chí dùng vũ lực. Khi hắn giơ tay đánh trả, các bạn có thể bẻ vụn tay hắn như người ta bẻ càng cua suối nướng than hoa ở Ngổ Luông, không sao hết.
Nhưng sau khi tên trộm đã bị khống chế, trói gô, không còn khả năng chống cự, mọi hành động "đánh bồi" đều vi phạm pháp luật.
Khi đó, nhiệm vụ của các bạn là goị công an đến giải quyết, đồng thời bảo vệ hiện trường cùng sự an toàn tên trộm chó khỏi những đồng bào nóng đầu đang lăm lăm điếu cày và mũ bảo hiểm đòi lấy mạng người để báo thù cho mạng chó.
Trong quá trình khống chế, kể cả tên trộm có chết vì lý do gì đấy trong phạm vi tự vệ chính đáng, thì những người bắt trộm không hề có tội.
Đương nhiên, tự vệ chính đáng không bao gồm cầm dao bầu hay hoa cải tấn công tổng lực vào tâm thất trái, đó là giết người.
Người bắt trộm luôn có lợi thế áp đảo trộm chó về số lượng và tinh thần, và gần như họ luôn bắt được tên trộm mà không hề hấn gì cả.
Cách hành xử sau khi bắt được tên trộm sẽ quyết định việc bạn sẽ nhận được bằng khen của xã hay giấy tống đạt của toà. Vì không gì có thể biện minh cho việc tên trộm bị vứt lên xe đốt xác sau khi đã bị trói bằng dây nhựa.
Ranh giới giữa người hùng và kẻ sát nhân, đôi khi chỉ cách nhau chai xăng với que diêm Thống Nhất.
Chiếc xe bị đốt cháy trơ trụi của một kẻ trộm chó tại Nghệ An ngày 10.6.2013. Ảnh: N.V.T.
Nhiều bạn lại cố lý sự rằng, bọn trộm chó mang theo vũ khí nguy hiểm lắm nên sau khi trói rồi phải giết luôn đi cho đỡ nguy hiểm. Đây là cãi cùn theo kiểu cảm tính và hoàn toàn sổ toẹt vào sự nghiêm minh của luật pháp.
Khi bạn mang vũ khí ra đường, kể cả là ra bờ hồ ngắm thiên nga làm thơ lục bát đi chăng nữa, thì chắc chắn bạn sẽ được một suất lên taxi thùng đặc chủng chở thẳng đến số 7 Thiền Quang, cho dù bạn không hề trộm chó.
Việc có hung khí hay không, không liên quan đến việc giết trộm chó sau khi họ đã bị trói.
Hãy nuôi chó văn minh và bắt kẻ trộm chó cũng phải văn minh, đó là thông điệp ngắn gọn mà tôi muốn truyền tải.
Yêu thương chó là một điều đáng quý, nhưng trước khi yêu con chó, nên chăng hãy học cả cách đối xử với nhau như con người?
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Theo Trí thức trẻ