Họ đọc sách không chỉ để tìm kiếm kiến thức, để thư giãn mà đọc sách như một nhu cầu, một thói quen. Sách cần thiết như không khí để thở, như nước để uống vậy.
Thư viện tại ga tàu Rumia (nguồn:httpwww.pap.plaktualnoscinews,510238,biblioteka-na-dworcu-w-rumi-najpiekniejsza-na-swiecie.h
Người Ba Lan đọc ở mọi nơi
Tại Ba Lan, bạn sẽ không thấy ngạc nhiên khi bắt gặp người dân đọc sách ở rất nhiều nơi, đặc biệt trên các phương tiện công cộng. Họ đọc tranh thủ khi đi xe buýt, tàu điện, tàu hỏa, trong các phòng chờ ở sân bay. Ba Lan có hẳn một thư viện tại ga tàu Rumia được thiết kế ấn tượng với tông màu chủ đạo đỏ - đen. Bất cứ ai cũng có thể lựa chọn 1 quyển sách để đọc trong thời gian đợi tàu.
Tôi rất ấn tượng với hình ảnh những ông bố, bà mẹ Ba Lan đưa con đi sưởi nắng trong công viên nhưng trên tay thường cầm một cuốn sách. Trẻ em có không gian riêng để chơi còn bố mẹ cũng tạo không gian riêng cho mình để đọc sách. Họ tận hưởng giờ phút đọc sách như trẻ con tận hưởng những phút chơi đùa. Thậm chí trẻ em cũng tham gia đọc sách cùng cha mẹ.
Đọc sách tại công viên (nguồn:httpwww.slowopodlasia.plwiadomosci262,wspolne-czytanie-w-parku)
Tôi đã để ý nhiều người tại Ba Lan về việc đọc sách, việc lưu trữ sách trong thư viện gia đình, đưa con đến thư viện lúc cuối tuần, dành ra "giờ đọc sách"…, có lẽ họ coi việc đọc sách là chuyện bình thường, như một thói quen. Đa phần trong số họ được nuôi dưỡng tình yêu sách từ thuở ấu thơ.
Hệ thống thư viện tại Ba Lan rộng khắp từ trường học các cấp đến từng phường, từng quận, từng thành phố.
Tuổi mầm non sẽ có thư viện của trường, của khu phố. Còn khi đã là học sinh, sinh viên, thì thư viện là nơi không thể không đến.
Thư viện Quốc gia với số lượng sách đồ sộ, lượng bạn đọc đông, việc làm thẻ thư viện tương đối dễ dàng cho mọi tầng lớn nhân dân.
Thư viện quốc gia Ba Lan
(nguồn:httpradzyninfo.plhistoria90-rocznica-powolani-biblioteki-narodowej-24-ii-1928attachmentbiblioteka-narodowa-1)
Nhiều thư viện tại Ba Lan không chỉ đơn thuần là nơi đọc sách, lưu trữ tư liệu mà còn có thiết kế độc đáo, ấn tượng, nhằm quảng bá văn hóa đất nước Ba Lan. Đến thư viện mà như đi du lịch.
Có thể kể đến thư viện Đại học Warsaw với một khu vườn hoa tuyệt đẹp rộng hơn 1 ha trên nóc nhà. Thư viện Oświęcim có thiết kế giống như 1 trung tâm mua sắm với tầng hầm để xe, 2 phòng chiếu phim, 1 quán cà phê, khu vui chơi dành cho trẻ em, phòng hội nghị,.. thu hút hơn 1.500 khách tham quan mỗi ngày.
Thư viện Sopoteka khai trương năm 2015, lấy cảm hứng từ những bãi biển ở địa phương, trang trí theo tông màu xanh lá và dùng vật liệu bằng gỗ, tạo cảm giác thân thiện và khơi gợi cảm hứng cho người đọc.
Đây là nơi thường xuyên diễn ra các buổi tọa đàm, giới thiệu sách của các tác giả nổi tiếng.
Thư viện Grafit ở Wrocław là địa chỉ của một trung tâm văn hóa đa phương tiện hiện đại. Nó là nơi lưu trữ 35 nghìn cuốn sách và tạp chí, 5000 đĩa DVD, 2000 album nhạc, sách âm thanh, trò chơi điện tử, các loại hình văn hóa giải trí khác nhau và nội thất hoàn toàn mới.
Thư viện Trường Đại học Warsaw
(nguồn:The University of Warsaw Library (1))
Tại Ba Lan, chính quyền ý thức muốn phát triển văn hóa đọc sách thật tốt cần bắt đầu từ trẻ em. Những ngày đầu sang Ba Lan, đưa con đến trường, tôi rất bất ngờ khi nhận được giấy mời của thư viện đưa con đến đọc sách, thật lịch sự và trân trọng. Tôi tin rằng, cha mẹ nào cũng cảm động và nhận rõ vai trò quan trọng của đọc sách với đứa trẻ. Thói quen đọc sách hình thành như những điều rất giản dị như thế.
Hình thành thói quen đọc sách từ tấm bé
Từ câu chuyện người Ba Lan đọc sách, tôi thấy rằng, duy trì việc đọc sách không phải là chuyện khó, dù sức hút từ thông tin trên truyền hình, internet khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, phải kiên trì và nên hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ.
Những câu chuyện kể lúc nửa đêm sẽ là một thói quen tốt cho cả cha mẹ lẫn đứa trẻ. Đừng coi việc đọc sách là một nhiệm vụ mà con trẻ phải hoàn thành, ngược lại nên khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho con trẻ thấy đọc sách là một điều hào hứng. Đừng đưa ra quy định "Con phải đọc sách!"
Trẻ em cần đọc những loại sách phù hợp với trí tưởng tượng của chúng. Đối với các trường học, khu dân cư nên dành một khoảng thời gian trong tuần tổ chức sự kiện đọc sách cho trẻ em thì sẽ là một điều rất tuyệt vời cho việc phát triển văn hóa đọc sách từ thuở bé.
Trẻ em cần được đọc bất cứ những gì chúng muốn, đọc trong hướng dẫn từ các bậc phụ huynh. Nếu một đứa trẻ quan tâm đến bóng đá, chúng ta nên tìm những quyển sách về bóng đá cho chúng xem. Hãy để cho những đứa trẻ khám phá thế giới thông qua những quyển sách mà chúng thích, đó là cách bạn xây dựng tình yêu đọc sách trong chúng.
Văn hoá đọc, với tư cách văn hoá hành vi của mỗi cá nhân con người, biểu hiện ở khả năng lựa chọn sách, kỹ năng đọc và lĩnh hội sách cũng như cách thức ứng xử với sách báo, là sự thể hiện rõ ràng nhất đặc điểm tâm lý và nhân cách của mỗi cá nhân, được hình thành từ lứa tuổi ấu thơ và phát triển trong suốt cuộc đời con người.
Đọc sách là một nhu cầu của mỗi cá nhân. Nhu cầu đọc xuất phát từ nhu cầu nhận thức của con người. Hay nói một cách khác, đó chính là nhu cầu muốn được khám phá thế giới. Ngoài ra, đọc sách còn chính là tự khám phá chính bản thân mình, đọc sách để hiểu mình hơn để rồi từ đó biết yêu mình hơn. Chừng nào, chúng ta còn nhu cầu về nhận thức thì người ta còn tìm về với nhu cầu đọc.
Khi nhu cầu trở thành một thói quen, không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày nếu kèm theo cảm xúc thì sẽ trở thành hứng thú. Hứng thú đọc sẽ chỉ xuất hiện khi con người có nhu cầu đọc và kém theo cảm xúc, lúc đó người ta sẽ đọc mọi lúc, mọi nơi, thậm chí có nhiều người đọc đến quên cả thời gian và không gian.
Tôi tin rằng, qua chuyện đọc sách của người dân Ba Lan, mỗi ông bố, bà mẹ và các thầy cô giáo sẽ có những cách thức của riêng mình để khuyến khích giới trẻ đọc sách. Chúng ta cần biết cách xây dựng và khơi gợi những thói quen lành mạnh của giới trẻ, hướng giới trẻ vào những hoạt động bổ ích. Vì tương lai của chúng ta chính là các em bây giờ.
Việc đọc sách không phải cho ta những giá trị mà ta có thể nhìn thấy ngay được, hoặc đảm bảo việc thành công, giàu có trong cuộc sống. Đọc sách sẽ giúp chúng ta đạt được những điều lớn lao hơn thế.
Đó là việc giúp mỗi cá nhân có thể nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách.
Vì vậy, hãy coi việc đọc sách như một thói quen bình thường trong cuộc sống để chúng ta có một trí tuệ minh mẫn, một tâm hồn trong sáng, một nhân cách cao đẹp.
Nguồn: Nguyễn Kiều/ Queviet.eu