Tôi sống ở Hà Nội cũng đã lâu, đủ để trải qua thời kỳ thủ đô biến thành đại công trường với đường sá, nhà cửa mọc lên khắp nơi. Kéo theo đó, hẳn nhiên là bụi bặm, ồn ào, bất tiện, và cả nguy hiểm rình rập hằng ngày khi sống chung với công trường. Thế nhưng trong hơn chục năm trời, khi không gian công cộng bị xâm hại, tôi chưa thấy ai nói một lời xin lỗi nào với người dân thủ đô.
Vậy nên cũng như nhiều người khác, phần nào đó tôi thấy hài lòng khi những biển “Xin lỗi đã làm phiền” được lác đác gắn bên những công trường ở Hà Nội thời gian gần đây. Dù cho nơi khởi phát là các công ty nước ngoài, và “lời xin lỗi” không ngăn được rủi ro “vật thể lạ” rơi xuống đầu, tôi vẫn thấy đây là một tín hiệu tích cực.
Khi biết nói lời xin lỗi, chúng ta đã có ý thức đặt hành động của mình trong mối tương quan với người xung quanh. Trong một xã hội tự do, chúng ta được làm những gì mình muốn, với điều kiện điều đó không ảnh hưởng đến quyền được hưởng tự do tương tự của người khác. Con người là một sinh vật xã hội (social animal), cùng chung sống trong một hệ sinh thái kết nối mật thiết với nhau, bởi vậy chỉ khi biết “nhìn nhau mà sống” chúng ta mới có thể xây dựng được một môi trường sống lành mạnh và hài hòa.
Một dấu hiệu đáng mừng nữa là tư duy nhận lỗi khi làm sai đã lan sang cả bộ máy công quyền, vốn trước đây rất hiếm lời xin lỗi. Còn nhớ vào giữa tháng tư vừa qua, khi ông Ngô Hồng Phúc, Phó chánh toà Phúc thẩm TAND Tối cao, thay mặt nhà nước xin lỗi ông Nguyễn Thanh Chấn, người chịu án oan đến 10 năm, cả phiên toà như vỡ ra trong tiếng vỗ tay của hàng trăm người dân.
Gần đây, lại thêm một chuyên hiếm có: lãnh đạo cơ quan công quyền trực tiếp gửi lời xin lỗi đến một cá nhân. Đó là câu chuyện ông Cục trưởng Hàng không Việt Nam viết thư xin lỗi ông Trần Đình Bá vì đã yêu cầu Bộ Giáo dục “điều tra” bằng tiến sĩ của ông này sau khi ông Bá có một số phát biểu trái chiều về dự án sân bay Long Thành.
Bỏ qua những vấn đề xung quanh, tôi cho rằng lời xin lỗi của ông Cục trưởng là đáng ghi nhận. Nó cho thấy hai điều: thứ nhất là thái độ cầu thị, biết nhận sai và sửa sai của một bộ phận những người vận hành bộ máy công quyền. Thứ hai, đó là tinh thần chủ động trong việc nắm bắt tâm lý của người dân. Lời xin lỗi, xuất hiện chỉ ba ngày sau khi có văn bản từ Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu xác minh bằng cấp của ông Trần Đình Bá, chắc chắn có ảnh hưởng không hề nhỏ từ việc đón nhận phản ứng tiêu cực của dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông. Việc tiếp thu ý kiến của công chúng kịp thời như vậy sẽ khiến cho quá trình xây dựng và thực thi chính sách trở nên hai chiều và hiệu quả hơn.
Xa hơn, tôi hy vọng lời xin lỗi sẽ khởi đầu cho sự thay đổi cung cách làm việc của cơ quan công quyền. Đất nước từng trải qua thời kỳ bao cấp với cơ chế xin – cho, khi công chức luôn đặt vị thế của mình cao hơn dân chúng. Từ đó dễ dẫn tới hiện tượng cửa quyền, quan liêu, thậm chí là hối lộ, tham nhũng. Trong thời đại ngày nay, điều đó có lẽ cần phải thay thế bằng tư duy thị trường: cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công và người dân trả tiền, trực tiếp và gián tiếp, bằng thuế và lệ phí. Thuận mua vừa bán, không ai cầu cạnh ai. Như một cửa hàng xin lỗi hành khách vì sản phẩm không tốt hoặc phục vụ thiếu chu đáo, việc xin lỗi của công chức nên được xem là hành động đương nhiên.
Tất nhiên, lời xin lỗi chỉ có tác dụng nếu thành tâm. Những lời xin lỗi sẽ trở nên nhàm tai và hình thức nếu các công trình treo biển “xin lỗi đã làm phiền” vẫn tiếp tục thi công cẩu thả, gây ra những tai họa khôn lường trên phố. Khách hàng sẽ không thông cảm nếu sau cả chục năm nói lời xin lỗi, tình trạng hoãn giờ bay vẫn diễn ra thường xuyên. Hay các cơ quan chức năng vẫn luẩn quẩn với vòng tròn làm sai, xin lỗi, kiểm điểm, và rút kinh nghiệm.
Tất cả, suy cho cùng, vẫn phải là sự thay đổi về thái độ. Thái độ thể hiện bằng hành động, và hành động khởi đầu đơn giản nhất chính là lời xin lỗi.
Khắc Giang