Luật cơ bản (Grundgesetz) là văn bản pháp lý có giá trị và hiệu lực cao nhất trong hệ thống văn bản qui phạm pháp luật ở Đức hiện nay. Hơn 60 năm, trải qua bao biến cố lịch sử, văn bản pháp lý này vẫn chứng tỏ sức sống kì diệu của nó và vẫn tiếp tục có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung trên nhiều phương diện ở nước Đức.
Câu hỏi đặt ra vậy đâu là những giá trị căn bản nhất, những giá trị có tính chất nền tảng, quyết định nhất khiến cho văn bản pháp lý này có sức sống lâu dài như vậy? Qua tìm hiểu, nghiên cứu, tôi cho rằng Luật cơ bản Đức có ba giá trị cốt lõi nhất và có ý nghĩa nhất sau đây:
Thứ nhất, những giá trị của "Tinh thần Hiến pháp dân chủ" có từ trong lịch sử ở Đức đã được kế thừa, tiếp thu có chọn lọc và thể hiện trong Luật cơ bản Đức
Luật cơ bản của Đức không phải xuất phát từ hư vô, từ con số không, mà là sự tiếp nối những giá trị của Hiến pháp trong suốt một chiều dài lịch sử lập hiến của nước Đức.[1] Tháng 8/1948, Ủy ban soạn thảo Hiến pháp bao gồm các chuyên gia luật học hàng đầu về Luật hiến pháp (Staatrechtlers) ở Đức đã được thống đốc của các bang triệu tập ở Bayern để bàn thảo xây dựng Luật cơ bản.[2] Trong Hội nghị này các nhà khoa học đã đặt ra vấn đề cần phải tìm ra được những gì còn phù hợp, có thể tiếp tục kế thừa và những gì cần sửa đổi trong hai bản Hiến pháp dân chủ trước đây là Hiến pháp nhà thờ thánh Paul và Hiến pháp Cộng hòa Weimar.[3]
Hiện nay trong Luật cơ bản có hẳn một chương riêng, viện dẫn trực tiếp các Điều khoản của hiến pháp Weimar, với 31 điều (từ Điều 116 đến Điều 146 Luật cơ bản). Chính điều này làm cho một phần của Hiến pháp Weimar như được sống lại và tiếp tục phát huy những giá trị của nó trong Luật cơ bản 1949.
Thứ hai, chế độ dân chủ đã được vĩnh viễn hóa, một hệ thống các quyền cơ bản của công dân có chất lượng và có sức mạnh thi hành đã được thể hiện đầy đủ trong Luật cơ bản
Với qui định của Điều 79 khoản 3 LCB, nền tảng của chế độ dân chủ ở Đức được hình thành và bảo vệ vững chắc. [4] Điều luật này chỉ rõ: các qui định về nhân phẩm của con người (Menschenwürde) tại Điều 1 và các nguyên tắc nhà nước cộng hòa, dân chủ, pháp quyền, liên bang (Verfassungsgrundsätze) tại Điều 20 là không thể thay đổi vì bất kỳ lý do nào.[5] Hay nói cách khác, Điều khoản này đã vĩnh viễn hóa những đặc trưng nền tảng về dân chủ, pháp quyền của nhà nước Đức, vĩnh viễn hóa một chân lý: “Phẩm giá của con người là giá trị cao nhất và không thể bị xâm phạm”.
Luật cơ bản Đức 1949 đã có sự tách biệt rõ đâu là quyền (Rechte) và đâu là nghĩa vụ (Pflichte) cơ bản của công dân (Điều 1-19), điều này hoàn toàn khác với Hiến pháp của Cộng hòa dân chủ Đức (DDR) 1949, 1968 không có sự tách rời giữa quyền và nghĩa vụ của công dân (giống với Điều 51 Câu 1 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 hiện hành). Có nghĩa là theo Luật cơ bản 1949 thì đối với một vấn đề, công dân chỉ có quyền hoặc nghĩa vụ, chứ không phải là quyền đồng thời là nghĩa vụ, chẳng hạn như quyền bầu cử (Điều 38 Luật cơ bản) là một quyền tự do, chứ không phải vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ giống ở DDR trước đây hay ở Việt Nam hiện nay. Ưu điểm rất rõ qui định này là bất cứ ai khi đọc luật cơ bản cũng có thể hiểu được điều gì được phép làm (quyền) và những gì bắt buộc phải làm (nghĩa vụ).
Về chất lượng các quyền cơ bản, các nhà lập hiến khi xây dựng Luật cơ bản đã thừa nhận một hệ thống các giá trị khách quan về quyền con người như: Quyền được sống, quyền bất khả xâm phạm thân thể (Điều 2), quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng (Điều 4), quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do về khoa học và nghệ thuật (Điều 5), Quyền tự do biểu tình (Điều 8), Quyền tự do lập hội, cấm các biện pháp hạn chế đình công (Điều 9), quyền tư hữu (Điều 14)…Các quyền cơ bản này ngoài chức năng bảo vệ tự do cá nhân còn có chức năng là các quyền tự vệ của cá nhân đối với nhà nước.
Về sức mạnh thi hành các quyền cơ bản, Điều 19 khoản 4 LCB qui định “Bất cứ ai cho rằng quyền tự do cơ bản của mình bị xâm hại, đều có quyền khởi kiện lại nhà nước”. Sức mạnh thi hành của Luật cơ bản thể hiện rõ khi Luật tòa án Hiến pháp (Bundesverfassungsgerichtgesetz - BVerfGG) năm 1951 ra đời và qui định bổ sung chế định khiếu kiện Hiến pháp của công dân tại Điều 93 khoản 1 số 4a LCB vào năm 1969. Từ đó đến nay, từng quyền cơ bản của công dân được bảo vệ, được giải thích và làm sáng tỏ trong các phán quyết có hiệu lực pháp luật của Tòa án Hiến pháp liên bang.
Thứ ba, vấn đề về thể chế nhà nước pháp quyền hiện đại (moderner Rechtsstaat), chính thể đại nghị bền vững (palamentarisches Regierungssystem) và mô hình Tòa án Hiến pháp liên bang (Bundesverfassungsgericht) là những nét đặc trưng điển hình trên phương diện tổ chức quyền lực nhà nước được thể hiện trong Luật cơ bản
Luật cơ bản tiếp tục kế thừa và phát triển việc phân chia quyền lực (Gewaltenteilung) đã có từ Hiến pháp cộng hòa Weimar. [6] Những yếu tố về hình thức và nội dung của nhà nước pháp quyền hiện đại[7] đều được thể hiện rõ nét, đầy đủ trong Luật cơ bản (Điều 20 Khoản 3, Điều 1 Khoản 3, Điều 20 Khoản 2 Câu 2) và được minh chứng cụ thể thông qua các phán quyết có hiệu lực pháp luật của Tòa án hiến pháp liên bang.
Chính thể nước CHLB Đức hiện nay là chính thể cộng hòa đại nghị điển hình trên thế giới. Khác với Hiến pháp Cộng hòa Weimar trước đây, Tổng thống không còn là một thiết chế có nhiều quyền hành. Theo Luật cơ bản, Tổng thống liên bang là một thiết chế đại diện, không được nhân dân bầu trực tiếp mà được bầu thông qua Hội nghị liên bang [Bundesversammlung] (Điều 54 Luật cơ bản). Nhân dân trực tiếp bầu các nghị sĩ Hạ viện liên bang (Điều 38 Luật cơ bản). Hạ viện bầu ra Thủ tướng theo đề nghị của Tổng thống liên bang (Điều 63 khoản 1 Luật cơ bản). Thủ tướng thành lập nên Nội các (Điều 64 Luật cơ bản). Thủ tướng có thể bị bất tín nhiệm và Hạ viện có thể bị giải tán (Điều 67 và Điều 63 khoản 4 Luật cơ bản).
Tòa án Hiến pháp liên bang (Bundesverfassungsgericht) là một thiết chế có chức năng bảo vệ Hiến pháp và bảo vệ nền dân chủ ở Đức. Thiết chế này được đánh giá là một trong những mẫu hình bảo hiến thành công nhất trên thế giới hiện nay. Thẩm quyền của Tòa án này được qui định cụ thể ở nhiều Điều khác nhau trong Luật cơ bản như Điều 93, Điều 100, Điều 21 Khoản 2, Điều 41 khoản 2, Điều 61, Điều 93 khoản 1 số 4b. Trong những quy định này, thẩm quyền quan trọng nhất của Tòa án Hiến pháp gồm: quyền tuyên bố một đạo luật là vi hiến nếu đạo luật đó trái với Luật cơ bản (Điều 100 khoản 1); quyền giải thích Hiến pháp (Điều 93 khoản 1 số 2), quyền giải quyết xung đột thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Liên bang (Điều 93 khoản 1 số 1); quyền giải quyết tranh chấp thẩm quyền giữa liên bang và tiểu bang (Điều 93 Khoản 1 số 3 và số 4) và đặc biệt là quyền giải quyết khiếu kiện Hiến pháp của cá nhân (Điều 93 khoản 1 số 4a).
Với nhiều giá trị tiến bộ kể trên, Luật cơ bản đã vượt ra khỏi khuôn khổ phạm vi biên giới nước Đức, trở thành giá trị văn minh chung của nhân loại và là một trong những hình mẫu rất đáng tham khảo đối với nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền, một nhà nước dân chủ theo nghĩa hiện đại.
Chú thích:
[1] H. Vorländer, Die Deutschen und ihre Verfassung, S. 33 – 40 in: 60 Jahre Grundgesetz, Aus Politik und Zeitgeschichte, BPB, Nr. 18 – 19/2009, 27/4/2009; K. Niclauß, Die Bundesregierung im Verfassungssystem, S.33 - 40 in: 60 Jahre Grundgesetz, Aus Politik und Zeitgeschichte, BPB, Nr. 18 – 19/2009, 27/4/2009.
[2] Karl Arnold, thống đốc bang Nord-Rhine Westphalia (sau này là Chủ tịch Thượng viện) trong Hội nghị này đã tuyên bố một câu nói nổi tiếng rằng: "Nhiệm vụ của chúng ta rất nặng nề đó là tiếp nối tinh thần Hiến pháp Đức, một tinh thần đã có trong lịch sử, chúng ta phải làm việc thật cẩn trọng và trách nhiệm, phải cân nhắc để chắc chắn rằng những gì mà chúng ta kiến thiết hôm nay, ngày mai sẽ là tương lai tốt đẹp cho tất cả người Đức". (Xem: Frotscher/ Pieroth, Verfassungsgeschichte, 8. Auflage, 2009, Rn. 345 – 350). Xem thêm: Gröpl, Staatsrecht I, 2. Aufl., 2010, Rn. 171ff.; Vogt, Der Parlamentarische Rat in Bonn, S. 41 – 46 in: 60 Jahre Grundgesetz, Aus Politik und Zeitgeschichte, BPB, Nr. 18 – 19/2009, 27/4/2009.
[3] Xem thêm: Gröpl, Staatsrecht I, 2. Aufl., 2010, Rn. 171ff.; Vogt, Der Parlamentarische Rat in Bonn, S. 41 – 46 in: 60 Jahre Grundgesetz, Aus Politik und Zeitgeschichte, BPB, Nr. 18 – 19/2009, 27/4/2009.
[4] Gröpl, Staatsrecht I, 2. Aufl., 2010, Rn. 171ff.; H. Vorländer, Die Deutschen und ihre Verfassung, S. 33 – 40 in: 60 Jahre Grundgesetz, Aus Politik und Zeitgeschichte, BPB, Nr. 18 – 19/2009, 27/4/2009.
[5] Xem thêm: K. Niclauß, Die Bundesregierung im Verfassungssystem, S.33 - 40 in: 60 Jahre Grundgesetz, Aus Politik und Zeitgeschichte, BPB, Nr. 18 – 19/2009, 27/4/2009; H. Vorländer, Die Deutschen und ihre Verfassung, S. 33 – 40 in: 60 Jahre Grundgesetz, Aus Politik und Zeitgeschichte, BPB, Nr. 18 – 19/2009, 27/4/2009.
[6] H. Vorländer, Die Deutschen und ihre Verfassung, S. 33 – 40 in: 60 Jahre Grundgesetz, Aus Politik und Zeitgeschichte, BPB, Nr. 18 – 19/2009, 27/4/2009; K. Niclauß, Die Bundesregierung im Verfassungssystem, S.33 - 40 in: 60 Jahre Grundgesetz, Aus Politik und Zeitgeschichte, BPB, Nr. 18 – 19/2009, 27/4/2009.
[7] Ở CHLB Đức, những yêu cầu về hình thức của nhà nước pháp quyền gồm: phân chia quyền lực [Gewaltenteilung] (Điều 20 Khoản 2 Câu 2), đảm bảo tính tối cao của Hiến pháp và các đạo luật [Vorrang von Verfassung und Gesetz] (Điều 20 Khoản 3), đảm bảo tư pháp độc lập và các bảo đảm thủ tục tố tụng [Justizgrundrechte und Verfahrensgarantie] (Điều 19 Khoản 4), quyền tố tụng Hiến pháp [Justizgewaehrungsanspruch]) (Điều 94 Khoản 1 số 4a). Những yêu cầu về nội dung của nhà nước pháp quyền gồm: tính chất an toàn pháp lý [Rechtssicherheit] (ví dụ: Điều 80 Khoản 1 Câu 2), cấm hành xử vô luật [Willkürverbot] (Điều 3 Khoản 1, Điều 103 Khoản 2) và tính hiệu lực trực tiếp các quyền cơ bản [Unmittelbare Geltung der Grundrechte]) (Điều 1 Khoản 3).
Nguyễn Minh Tuấn (CHLB Đức)
Theo nguoiviet