Ngày 18-6, cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra ra tòa cho cáo buộc phạm tội khi quân, trong khi đương kim Thủ tướng Srettha Thavisin sắp tới cũng sẽ trình diện tòa trước nguy cơ bị cách chức.

1 Ong Thaksin Chinh Thuc Bi Truy To Toi Khi Quan Thu Tuong Srettha Sap Hau Toa

Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra (phải) và Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin - Ảnh: KEN KOBAYASHI

Phát ngôn viên của Văn phòng Tổng công tố Thái Lan cho biết cựu thủ tướng Thaksin đã đến trình diện các công tố viên và bị đưa đến tòa án hình sự vào sáng 18-6, vì cáo buộc phạm tội khi quân. 

Tòa án Thái Lan đã thụ lý vụ án vào lúc 8h56 ngày 18-6, chính thức tuyên ông Thaksin là bị cáo.

Việc ra tòa ngày 18-6 của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra là một trong số các sự vụ pháp lý cấp cao liên quan đến các nhân vật chính trị chủ chốt của Thái Lan.

Ông Thaksin chính thức bị truy tố tội khi quân

Dẫn nguồn tin từ truyền thông Thái Lan, Hãng tin Reuters cho biết tòa án trên đã cho phép ông Thaksin được tại ngoại.

Đài truyền hình ThaiPBS và truyền thông địa phương khác đưa tin tòa án đã chấp nhận số tiền bảo lãnh 500.000 baht (13.600 USD) đối với ông Thaksin.

Hồi cuối tháng 5, Văn phòng Tổng công tố Thái Lan công bố quyết định truy tố ông Thaksin. Luật sư của cựu thủ tướng nói ông không thể ra trình diện tại thời điểm đó vì mắc COVID-19.

Ông Thaksin bị buộc tội phỉ báng chế độ quân chủ trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Hàn Quốc Chosun Ilbo vào năm 2015. Trong đó, ông nói các ủy viên hội đồng cơ mật đã ủng hộ cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của em gái ông là bà Yingluck Shinawatra vào năm 2014.

Ngoài ra, ông Thaksin còn bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Tội phạm máy tính, liên quan đến việc ông này nhập thông tin vào một hệ thống máy tính và điều này được xem là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin trở về nước vào tháng 8-2023. Ông bị kết án tù 8 năm nhưng được ân xá và được trả tự do vào tháng 2-2024.

Thủ tướng Thái Lan Srettha sắp hầu tòa

Tòa án Hiến pháp Thái Lan cũng sẽ tổ chức một phiên điều trần cho một khiếu nại do một nhóm thượng nghị sĩ nước này đệ trình đối với Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin.

Nhóm 40 thượng nghị sĩ yêu cầu miễn nhiệm chức vụ thủ tướng với ông Srettha, sau khi ông này bổ nhiệm ông Pichit Chuenban, một cựu luật sư có tiền án, làm bộ trưởng Văn phòng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Tòa án Hiến pháp Thái Lan cũng thụ lý yêu cầu giải tán Đảng Tiến bước đối lập của Ủy ban Bầu cử Thái Lan. Đảng Tiến bước trong cuộc tổng tuyển cử vào năm ngoái đã có chính sách sửa đổi luật bảo vệ chế độ quân chủ.

Tòa này trong ngày 18-6 dự kiến sẽ công bố ngày xét xử hoặc tuyên án tiếp theo đối với các sự vụ liên quan đến ông Srettha và Đảng Move Forward.

"Các đảng chính trị và dân biểu mà cử tri lựa chọn đang bị cản trở một cách có hệ thống và liên tục" - ông Thitinan Pongsudhirak, nhà khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn tại Bangkok, chia sẻ với Hãng tin Reuters.

Ông Pongsudhirak chỉ ra chỉ cần một bản kiến nghị cũng có thể hạ bệ một chính phủ dân cử, hoặc lật đổ một thủ tướng. "Các phán quyết tư pháp đã gây tổn hại cho Thái Lan, phá hoại ý chí và nhiệm vụ của nhân dân", ông Pongsudhirak nhận định.

Trong bối cảnh tiềm tàng một cuộc khủng hoảng chính trị, thị trường chứng khoán Thái Lan cũng rơi vào tình trạng bất ổn.

Hôm 17-6, chỉ số chứng khoán chính đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11-2020, và đã giảm 8,4% kể từ đầu năm 2024. Điều này khiến thị trường chứng khoán Thái Lan là thị trường hoạt động kém nhất châu Á.

Hãng tin Reuters nhận định các sự vụ căng thẳng chính trị tương tự trước đây đã gây ra nhiều cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố, giải tán các đảng phái chính trị, khiến sân bay bị đóng cửa, đảo chính quân sự, và khiến nền kinh tế Thái Lan rơi vào tình trạng bất ổn.

NGHI VŨ

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC