Cử tri Pháp tham gia vòng bỏ phiếu đầu tiên trong cuộc bầu cử quốc hội sớm, sự kiện có thể mang tới chiến thắng cho phe cực hữu.

Các điểm bỏ phiếu tại Pháp bắt đầu mở cửa từ 8h hôm nay (13h giờ Hà Nội) và sẽ đóng cửa sau 10-12 tiếng, tùy thuộc địa điểm. Kết quả sơ bộ có thể được công bố trong đêm. Tuy nhiên, hệ thống bầu cử của Pháp khiến rất khó ước tính tỷ lệ giành phiếu của từng đảng trong 577 ghế quốc hội, kết quả chung cuộc chỉ có thể được xác định chắc chắn sau vòng bỏ phiếu thứ hai vào ngày 7/7.

Các nghị sĩ được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp. Để thắng cử ngay từ vòng một, ứng viên phải đạt từ 50% số phiếu bầu trở lên và số phiếu phải bằng 25% số cử tri đã đăng ký tại khu vực bầu cử. Ngoại trừ số rất ít trúng cử ngay vòng một, số ứng cử viên còn lại phải tiếp tục tranh cử tại vòng hai.

Khảo sát trước bầu cử cho thấy đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) nhận được 33-36% sự ủng hộ từ cử tri trong vòng một. Ở vị trí thứ hai là liên minh cánh tả New Popular Front, gồm 6 đảng xoay quanh đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất (FI), với 28-31% số phiếu. Liên minh trung dung cầm quyền của ông Macron xếp thứ ba với 20-23%.

"Chúng ta sẽ thắng lợi với đa số tuyệt đối", lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen nói hồi giữa tuần.

1 Phap Bat Dau Bau Cu Quoc Hoi Som

Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (giữa) tại điểm bỏ phiếu ở thủ đô Paris hôm nay. Ảnh: AFP

Nếu RN giành chiến thắng, nước Pháp sẽ có chính phủ cực hữu đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, khiến nền ngoại giao nước này bước vào giai đoạn rất khó đoán định. RN trước đó tuyên bố lãnh đạo đảng Jordan Bardella, 28 tuổi, sẽ được chọn đảm nhận vai trò thủ tướng Pháp, nếu họ thắng trong cuộc bầu cử quốc hội.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 9/6 tuyên bố giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm, sau khi các đảng cực hữu giành kết quả vượt trội ở cuộc bầu chọn đại biểu Pháp vào Nghị viện châu Âu.

Quốc hội là cơ quan tương đương Hạ viện trong lưỡng viện Pháp, với các đại biểu được bầu theo phổ thông đầu phiếu. Trong khi đó, Tổng thống Pháp là người đứng đầu nhà nước, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và giữ quyền lực cao nhất nhánh hành pháp, có quyền chỉ định thủ tướng.

Nếu RN giành đa số ở quốc hội, ông Macron cần chỉ định thủ tướng từ đảng này. Ông Macron vẫn giữ quyền quyết định chính sách đối ngoại và quốc phòng, nhưng sẽ gặp trở ngại trong quyết định chính sách trong nước, gồm cả kinh tế và an ninh quốc gia.

Vũ Anh (Theo Reuters)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC