Space Pioneer từng phóng thành công tên lửa Tianlong-2 vào tháng 4-2023 - Ảnh: Space Pioneer
Theo thông tin từ Công ty Space Pioneer, tên lửa Tianlong-3 gặp lỗi cấu trúc trước khi rơi xuống. Không có báo cáo về thương vong.
Các phần của tên lửa rơi rải rác trong một "khu vực an toàn" nhưng gây ra đám cháy cục bộ, theo thông báo từ cơ quan chức năng thành phố Gongyi. Đám cháy đã được dập tắt và không có ai bị thương.
Tầng thứ nhất trong số 2 tầng của Tianlong-3 sẽ được tái sử dụng, giúp giảm đáng kể chi phí thực hiện sứ mệnh cho khách hàng.
Space Pioneer là một trong số ít các công ty tên lửa tư nhân phát triển nhanh chóng trong 5 năm qua.
Kể từ khi thành lập vào năm 2019, Space Pioneer đã hoàn tất 15 vòng gọi vốn, huy động được tổng cộng hơn 550 triệu USD.
Việc mảnh vỡ tên lửa rơi xuống ở Trung Quốc sau các lần phóng không phải là điều hiếm gặp, nhưng rất hiếm khi một phần của tên lửa đang phát triển lại gặp sự cố và rơi xuống ngoài khu vực thử nghiệm.
Theo Space Pioneer, tên lửa Tianlong-3 rơi xuống khu vực đồi núi cách nơi thử nghiệm khoảng 1,5km.
Cũng theo công ty này, hiệu suất của Tianlong-3 được cho là tương đương với Falcon 9 của SpaceX.
Tháng 4-2023, Space Pioneer đã phóng tên lửa Tianlong-2, trở thành công ty tư nhân Trung Quốc đầu tiên phóng tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu lỏng vào không gian.
Kể từ khi ngành công nghiệp không gian được Bắc Kinh bật đèn xanh vào năm 2014, nhiều công ty thương mại đã đổ xô vào lĩnh vực này.
Nhiều công ty bắt đầu sản xuất vệ tinh, trong khi một số khác, bao gồm cả Space Pioneer, tập trung vào việc phát triển các tên lửa có thể tái sử dụng nhằm giảm đáng kể chi phí cho các sứ mệnh.
Các địa điểm thử nghiệm của các công ty này thường được đặt dọc theo các khu vực ven biển của Trung Quốc vì lý do an toàn.
Tuy nhiên, một số nơi thử nghiệm cũng được đặt sâu trong nội địa, như trung tâm thử nghiệm của Space Pioneer tại Gongyi, một thành phố có 800.000 dân thuộc tỉnh Hà Nam.
MINH KHÔI
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online