Một tàu hải cảnh Trung Quốc giám sát tàu dân sự tham gia tiếp tế cho ngư dân Philippines ở Biển Đông ngày 16-5 - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin Reuters, ngày 14-6, Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines Romeo Brawner kêu gọi ngư dân tiếp tục đánh bắt trên vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông, bất chấp việc quy định hoạt động hải cảnh mới của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 15-6.
Ông Brawner chia sẻ với báo chí ngày 14-6: "Thông điệp của chúng tôi đến ngư dân: Họ không phải sợ và cứ việc tiếp tục các hoạt động bình thường của mình tại vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi.
Chúng tôi có quyền khai thác các tài nguyên trong khu vực này. Ngư dân của chúng tôi không có lý gì phải sợ".
Quy định mới trên được Bắc Kinh công bố hôm 15-5, cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc tạm giữ tới 30 ngày người nước ngoài vi phạm luật xuất nhập cảnh, gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích quốc gia, hoặc có hành vi hỗ trợ người khác vi phạm luật xuất nhập cảnh Trung Quốc.
Đối với những vụ việc phức tạp, thời hạn giam giữ có thể được kéo dài đến 60 ngày, sau khi được cơ quan hải cảnh cấp trên chấp thuận. Cơ quan hải cảnh cấp tỉnh có quyền tự phê duyệt việc gia hạn thời gian giam giữ.
Báo South China Morning Post của Hong Kong (Trung Quốc) diễn giải những hành vi nêu trên bao gồm việc xâm phạm lãnh hải hoặc vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, và hải cảnh Trung Quốc có thể giữ người suốt nhiều ngày mà "không qua xét xử".
Quy định trên đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước sau khi được công bố. Các nhà lập pháp và quan chức Philippines đã phản đối vì cho rằng quy định này sẽ được áp dụng trên Biển Đông.
Về vấn đề này, Phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt nhắc lại quan điểm, lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.
Ông nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, cơ sở lịch sử để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
"Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng biển, cũng như lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân Việt Nam phù hợp với UNCLOS 1982 và luật pháp của Việt Nam", phó phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.
Phản hồi các lo ngại trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng tuyên bố những quy định mới nhằm bảo vệ trật tự hàng hải và các bên không cần lo lắng về những hành vi bất hợp pháp thực hiện bởi cá nhân, tổ chức liên quan.
NGỌC ĐỨC
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online