Ông Dobrindt, Chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng CSU tại Quốc hội Liên bang Đức, vừa đưa ra đề xuất gây tranh cãi: tạm dừng việc cho phép người tị nạn diện bảo vệ tạm thời bảo lãnh người thân sang đoàn tụ trong vòng hai năm.

Động thái này nhằm giảm bớt áp lực nhập cư và gửi đi tín hiệu chính sách cứng rắn hơn trong vấn đề di trú.

1 Chu Tich Csu De Xuat Dung Doan Tu Gia Dinh Ti Nan Nham Siet Chat Chinh Sach Nhap Cu

Bộ trưởng Nội vụ Alexander Dobrindt (CSU) - ảnh focus

Berlin – Chủ tịch nhóm nghị sĩ Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) tại Quốc hội Đức, ông Alexander Dobrindt, vừa kêu gọi Chính phủ liên bang tạm dừng việc đoàn tụ gia đình đối với người tị nạn trong diện bảo vệ tạm thời (subsidiärer Schutz) trong thời hạn hai năm. Một dự thảo luật liên quan dự kiến sẽ được trình lên nội các vào ngày thứ Tư tới.

Theo báo Bild, ông Dobrindt cho biết mỗi tháng trước đây có khoảng 1.000 người được nhập cảnh vào Đức theo diện đoàn tụ gia đình. "Con số này giờ sẽ chấm dứt," ông tuyên bố. Mục tiêu của đề xuất là nhằm "giảm rõ rệt các yếu tố thu hút người nhập cư vào Đức", đồng thời thể hiện rằng "chính sách di trú của nước Đức đã thay đổi".

Năm 2024, có khoảng 12.000 người thân của những người được hưởng bảo vệ tạm thời – phần lớn đến từ Afghanistan và Syria – đã đến Đức theo diện đoàn tụ. Tuy nhiên, luật mới sẽ không áp dụng với thân nhân của những người đã được công nhận tị nạn chính thức tại Đức. Những người này vẫn tiếp tục được phép bảo lãnh gia đình.

CSU từ lâu đã kêu gọi siết chặt chính sách di cư và từng đưa ra đề xuất này trong chiến dịch tranh cử trước đây. Giờ đây, đảng này đang thúc đẩy hiện thực hóa cam kết.

Không chỉ Đức, Áo cũng vừa thông qua sửa đổi luật tị nạn với mục tiêu hạn chế đoàn tụ gia đình – một xu hướng cho thấy các quốc gia châu Âu đang ngày càng cứng rắn hơn trong chính sách nhập cư.

Tuy nhiên, đề xuất của ông Dobrindt đang vấp phải làn sóng phản đối từ các tổ chức nhân quyền, giới hoạt động xã hội và đảng đối lập. Họ cho rằng việc ngăn cản đoàn tụ gia đình là hành động vô nhân đạo, chia cắt người thân và đi ngược lại các giá trị nhân quyền cơ bản.

Phạm Hương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC