Sau 9 tháng ròng rã điều tra, "đợt sóng mới" của gian lận thi cử THPT quốc gia 2018 lại trỗi dậy.
Lần này là với những kết quả xử lý ở những địa phương Sơn La, Hoà Bình - những nơi "vi phạm tinh vi và phức tạp hơn Hà Giang" nhiều lần.
Trong số 114 thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang bị "lật mặt", có cả những trường hợp suýt thủ khoa nhưng thực chất đã rớt tốt nghiệp vì có môn điểm thật chỉ dưới 0,5. Còn ở Sơn La, vừa mới đây khi có kết luận về 44 thí sinh được nâng điểm, báo chí tiếp tục chỉ ra những trường hợp "không tưởng":
Có em điểm thật là 0 - 0,25 - 0,2 được "hô biến" thành 9 - 9- 9.
Thật bẽ bàng khi một học sinh được nâng khống 15,3, điểm vẫn ngang nhiên vào học Trường ĐH Y khoa Hà Nội với điểm số ban đầu còn ở tốp 3 của trường này.
Trong số 222 thí sinh đã bị phát giác về điểm giả, không ít người là con em cán bộ ngành giáo dục, lãnh đạo huyện, tỉnh và các sở ban ngành, một số doanh nghiệp và con cả con nhà buôn bán lớn…
Có một thực tế là việc nâng điểm xưa nay không hiếm trong các kỳ thi và trường học: Nâng 1 hay 2 điểm, có thể lên mức 3 - 4 điểm…Nhưng để "biến" 0 thành 9, "biến" một thí sinh có điểm thật còn cách xa điểm trúng tuyển cả chục điểm trở thành "tốp 3" trường y thì quả thật mức độ bất chấp đã trở nên khó tưởng tượng.
Những người liên đới tới việc sửa điểm kẻ đã bị bắt, người còn tiếp tục trong vòng "đang được điều tra bổ sung", nhưng nhìn chung đều là những người có quyền, có thể lợi dụng quyền của mình để trục lợi.
Phía mua sẵn lòng bỏ ra hơn nửa tỷ để "chạy" cán bộ khảo thí, phía "bán" sẵn sàng cấu kết cùng nhau để biến hoá con số, với những thủ đoạn từ đơn sơ đến tinh vi. Vì lòng tham lam vô độ, họ sẵn sàng bỏ qua sứ mệnh thực thi công lý, nghĩa vụ nêu gương...để tiếp tay biến không thành có.
Với những phụ huynh có con em được nâng điểm, có lẽ, trong quan niệm của họ, câu cửa miệng "cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua bằng...rất nhiều tiền" đã thành châm ngôn dẫn lối hành động.
Trong số phụ huynh của 222 thí sinh kia, có những người may mắn hơn: Con em họ chỉ được nâng một vài điểm, do học lực khá hoặc tốt; đến khi điểm trở về thật thì vẫn đạt các tiêu chuẩn để đỗ tốt nghiệp và trúng tuyển đại học.
Các bậc phụ huynh, có những người như Bí thư tỉnh uỷ, hay chủ tịch UBND huyện... khi được hỏi đều bày tỏ sự "buồn bã" hoặc "không quan tâm tới dư luận".
So với mức độ biến hoá từ 0 lên 9, thì đúng là độ nhích từ 1 thành 2, 3 hoặc 5, 6 tưởng như ít kinh khủng hơn, nhưng thực sự hệ quả của nó cũng lớn lao không kém gì.
Bởi, với các vị thế như vậy, dư luận không khỏi bàn tán và đặt nghi vấn về mức độ tác động từ cái ghế của họ tới mức điểm "bỗng dưng được nâng" của con em mình.
Tôi chợt nhớ tới câu chuyện của vị nguyên là phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã có dịp tiếp xúc. Khi còn đương chức, phụ trách mảng khảo thí, ông làm rất nghiêm túc, không du di cho ai.
Năm đó con ruột của một phó giám đốc cùng làm với ông, thi rớt tốt nghiệp THPT. Biết tin,một số anh em cấp dưới đề đạt giải quyết cho qua bằng "cửa" chấm phúc khảo để đủ điểm tốt nghiệp.
Bỏ qua mọi lời khuyên, ông chỉ đạo phải làm đúng quy định. Em học sinh kia năm đó vẫn rớt tốt nghiệp. Năm sau em học lại đã tốt nghiệp với số điểm khá cao.
Mỗi quan hệ của ông và vị đồng nghiệp phó giám đốc kia vẫn bình thường…
Ông bảo, ông rất tin em học sinh sẽ hãnh diện và tự hào khi cầm tấm bằng tốt nghiệp vì đó chính là năng lực của em, chứ không phải vì ba em là lãnh đạo. Còn ông, dù đã nghỉ hưu nhưng mỗi lúc nhắc lại câu chuyện vẫn thấy thanh thản bởi không vì quyền làm trái lương tâm.
Sau cơn "địa chấn" gian lận này, những đồng nghiệp ngành giáo dục như ông ở các tỉnh miền núi phía Bắc, không ít người giờ đây, thay vì lên lớp gặp gỡ học trò nói điều hay lẽ phải, tới trường gặp gỡ cộng sự trao đổi về "đổi mới giáo dục", thì đang lặng lẽ trong những góc khuất tạm giam để cắn rứt lương tâm.
Sự tham lam vô độ của họ, cùng những cán bộ công an khác, và những phụ huynh vung tay "chạy" điểm...đã làm xói mòn niềm tin và tiếp tục đẻ ra nhiều tiêu cực khác.
Nếu không bị phanh phui, chẳng hiểu sau 4-5 năm nữa những bác sĩ, công an...và nhiều vị trí "công bộc của dân" tương lai, sẽ làm việc thế nào khi mà lối đi của họ được rải bằng tiền, bằng sự tha hoá của người lớn...?
Viết đến đây, tôi không khỏi rùng mình khi sự bất chấp...ngày càng không giới hạn.
Lê Huyền - vietnamnet.vn