Ngày nay, mỗi ngày đọc báo ta lại thấy một vài tin tức chết chóc đau thương. Không giết người cướp của thì cũng vì hận tình, ngáo đá, không tai nạn vì sự cẩu thả thì cũng vì cái nhìn đểu hay câu chửi thề. Nhưng trong khi những cái chết đang bị lạm dụng quá mức để tăng yếu tố giật gân cho những tờ báo, và người ta đang dần lãnh cảm hơn với cái chết, thì vẫn có những tin tức thật sự khiến chúng ta không thể chỉ biết rồi để đó.

Đường dây 22kV đi qua cổng trường Trung học cơ sở An Lục Long bị đứt đã gây ra cái chết thương tâm cho 2 em học sinh và 4 em bất tỉnh.

Tai nạn đôi khi vẫn từ trên Trời rơi xuống như vậy và người ta chỉ có thể đau đớn nhận ra sinh mệnh thật nhỏ bé trước sự vô thường của kiếp nhân sinh. Thế nhưng, cái cách bên liên quan lý giải, đổ hết lỗi cho ông Trời và thoái thác trách nhiệm thì có vẻ chưa ổn. Bởi nếu cố gắng làm tốt nhất việc của mình và tính toán hết các yếu tố rủi ro vì thật sự coi trọng sinh mệnh con người, thì tai nạn này là có thể tránh được.

Tổng Công ty Điện lực Miền Nam cho biết nguyên nhân ban đầu là do trên địa bàn này xảy ra mưa, giông kèm sấm sét, dẫn đến sét đánh vào lưới điện gây đứt đường dây 22kV nói trên.

42 1 Day Dien Dut Lam Chet 2 Hoc Sinh O Viet Nam Va Chuyen Tau Som 20 Giay O Nhat Ban

Cổng trường Trung học cơ sở An Lục Long, nơi xảy ra tai nạn thương tâm. (Ảnh theo afamily)

Từ lỗi tại ông Trời…

Blogger Nguyễn Trang Nhung đã từng viết về những cái chết vô nghĩa trong đợt ngập lụt làm chết hơn hai chục người ở Hà Nội trong đợt lụt đỉnh điểm năm 2008 rằng: “Có những tổn thất vô nghĩa và những cái chết vô nghĩa! Những tổn thất vô nghĩa, mà khi phải gánh chịu hậu quả, người ta mới lưu tâm tới nguyên nhân… Những cái chết vô nghĩa, mà khi phải chứng kiến trong những tình huống liên quan trực tiếp đến cuộc sống hoặc dễ nhận thấy, người ta mới lưu tâm tới nguyên nhân…”

Và giờ đây người dân đang lưu tâm đặt câu hỏi rằng: tại sao đường dây điện trung thế lại không có biện pháp bảo vệ chạm đất và không có phương pháp phát hiện chạm đất để tới mức dây đứt vào 15h mà 16h30 khi các cháu gặp tai nạn cũng không có nhân viên kỹ thuật nào tới xử lý. Ở một đất nước thường xuyên có mưa bão mà lại không có biện pháp phòng chống rủi ro do dây điện bị sét đánh thì là thiếu năng lực quản lý. Và việc đặt đường dây điện trung thế đi ngang qua cổng trường học có hợp lý hay không?

Việc quy hết trách nhiệm cho thiên nhiên trong những vấn đề gây thiệt hại rành rành tại Việt Nam không hề hiếm. Nào là đường cao tốc 34.000 tỷ mới khánh thành đã bị bong tróc là do mưa đầu mùa, bãi rác Đa Phước bốc mùi trên diện rộng ảnh hưởng tới rất nhiều cư dân ở phía Nam Sài Gòn là do biến đổi khí hậu, ngập lụt triền miên cũng là do biến đổi khí hậu chứ nào phải do quy hoạch chặn dòng thoát nước hay rừng cây bị chặt phá…

42 2 Day Dien Dut Lam Chet 2 Hoc Sinh O Viet Nam Va Chuyen Tau Som 20 Giay O Nhat Ban

Mới khai thác hơn 1 tháng, cao tốc 34.000 tỷ đã đầy “ổ gà” lớn nhỏ. (Ảnh theo petrotimes)

Có lẽ vì cái văn hoá sợ chịu trách nhiệm nhưng lại ưa thành tích nên mới có câu “ca dao” rằng: “Mất mùa thì tại thiên tai, được mùa thì tại thiên tài nước ta”. Thiên tai là lỗi của ông Trời, của mẹ thiên nhiên, mà mấy vị đó thì chẳng bao giờ lên tiếng thanh minh, thoái thác trách nhiệm, có chăng chỉ âm thầm ban cho con người những điều kiện sống tốt nhất rồi trả lại cho con người những tội lỗi mà họ đã gây chứ nào có bất công gì. Thế nhưng cứ đổ cho ông Trời là coi như ném hòn đá xuống vực sâu, nó sẽ chẳng bao giờ quay trở lại được.

Nhưng thử nhìn người Nhật Bản phản ứng ra sao trước những sự cố hy hữu mà theo lệ thường, khó mà trách cứ gì được đơn vị liên quan chịu trách nhiệm.

… đến văn hoá nhận lỗi “kỳ lạ” của người Nhật

Chỉ mới tháng 5 năm nay thôi, công ty đường sắt Tây Nhật Bản (JR-West) đã gửi đi một thông cáo báo chí công khai xin lỗi và tiến hành một cuộc điều tra nội bộ sau khi chuyến tàu lúc 7 giờ 12 phút ở ga Notogawa khởi hành vào lúc 7 giờ 11 phút 35 giây, tức là sớm hơn lịch trình 25 giây.

Mặc dù con tàu vẫn cập ga tiếp theo chính xác theo thời gian quy định, nhưng người phát ngôn của công ty đường sắt mô tả sự cố là “thực sự không thể tha thứ”. Trước đó, một vụ việc tương tự xảy ra vào mùa thu năm ngoái, khi chuyến tàu từ Tokyo đi Tsukuba khởi hành sớm 20 giây, cũng đã khiến công ty Tsukuba Express phải đưa ra lời xin lỗi công khai.

42 3 Day Dien Dut Lam Chet 2 Hoc Sinh O Viet Nam Va Chuyen Tau Som 20 Giay O Nhat Ban

Con tàu vẫn cập ga theo thời gian quy định, nhưng người phát ngôn của công ty đường sắt mô tả sự cố là “thực sự không thể tha thứ”… (Ảnh: japanhoppers.com)

Vào năm 2011, hãng Sony đã phải xin lỗi vì cửa hàng online PSN bị hack, ảnh hưởng đến việc truy cập của khách hàng. Theo suy nghĩ thông thường của chúng ta, đây hoàn toàn không phải lỗi của Sony. Thế nhưng với cách nghĩ luôn hướng nội để tìm ra khuyết điểm của mình, người Nhật cho rằng một doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng thì phải dự đoán và có biện pháp kiểm soát, khắc phục được mọi rủi ro có thể xảy ra. Lỗi của Sony là đã không thể kiểm soát được khả năng bị hack của cửa hàng online.

Là một người tử tế, một người cung cấp dịch vụ và kinh doanh tử tế, trách nhiệm của chúng ta là suy xét được hết mọi rủi ro mà khách hàng và xã hội có thể gặp phải. Dù là trong trường hợp bất khả kháng thì người cung cấp dịch vụ vẫn có một phần lỗi, vì họ đã tổ chức ra loại hình kinh doanh đó thì mới có rủi ro đó. Anh không chăng dây điện qua trường học thì không có sự cố dây đứt làm chết học sinh, không có phương pháp phòng vệ dây đứt chạm đất và phát hiện chạm đất thì mới để xảy ra chuyện đau lòng như vậy. Vẫn sẽ là có một phần trách nhiệm của anh trong đó, sao có thể đổ hết lỗi cho ông Trời.

Những câu chuỵện như của Sony hay JR-West không hiếm trong xã hội Nhật Bản, bởi họ biết ở vị trí nào thì làm người tử tế đều cần phải làm tốt nhất, hết trách nhiệm và nỗ lực của mình.

Một năm trước, cả nước Nhật đã có một phen choáng váng sau vụ scandal tấn công tình dục của nam diễn viên Yuta Takahata. Điều khiến người ta càng phải chú ý đến vụ việc hơn là những gì mẹ của Yuta đã làm ngay sau đó. Nữ diễn viên gạo cội Atsuko Takahata (61 tuổi) đã gửi một lời xin lỗi chân thành trong nước mắt với cái gập người 90 độ vì hành động của con trai cô.

42 4 Day Dien Dut Lam Chet 2 Hoc Sinh O Viet Nam Va Chuyen Tau Som 20 Giay O Nhat Ban

Nữ diễn viên gạo cội Atsuko Takahata (61 tuổi) đã gửi một lời xin lỗi chân thành vì hành vi của con trai. (Ảnh: dkn.tv)

Vào tháng 6, nữ diễn viên Reiko Takashima đã phải đối mặt với các phóng viên thay cho chồng cô, Noboru Takachi, khi anh ta bị bắt vì tội tàng trữ, sử dụng ma túy. Cô đã lên tiếng xin lỗi vì cô cho rằng mình đã không làm tròn trách nhiệm của một người vợ. 

Người Nhật có văn hoá xin lỗi kỳ lạ như vậy vì họ ý thức được trách nhiệm của bản thân ở mỗi địa vị mà mình đảm nhiệm, từ địa vị người làm mẹ không dạy nổi con, tới người vợ không làm tốt vai trò người vợ. Thế nên, ở địa vị làm người chịu trách nhiệm trước lợi ích của hàng nghìn, hàng vạn người như Sony hay JR-West, việc họ nhận trách nhiệm là điều dễ hiểu.

Chẳng như xứ ta, có một vị sẽ luôn phải chịu trách nhiệm cho mọi việc khó khăn nhất, đó là… ông Trời. Ông Trời thật vị tha và nhẫn nhịn, nhưng cũng thật tắc trách và “thiếu kinh nghiệm”, “giới hạn trong nhận thức” quá đi.

 

Nguồn: Thuần Dương

DKN.tv




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC