"Người đáng trách nhất chính là những người nhà chùa đứng ra thực hiện lễ dâng sao giải hạn, họ biết, việc cúng dâng sao giải hạn này không xuất phát từ giáo lý nhà Phật nhưng họ vẫn làm vì bị lửa tham bốc lên làm mù con mắt" - nhà nghiên cứu văn hóa Chu Thơm nói.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM từng khẳng định trong giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt cũng như ngày tháng đẹp, xấu trong năm.

Phật giáo luôn lên án các hành vi mê tín dị đoan trong đó có cúng sao giải hạn, xem bói, xem ngày tốt xấu…

Vậy tại sao nhiều người vẫn đổ xô đi cúng dâng sao giải hạn?

Trước vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa Chu Thơm đã chia sẻ với phóng viên VTC News.

- Sau Tết Nguyên đán, người người lại đổ xô vào các ngôi chùa làm lễ cúng dâng sao giải hạn. Là nhà nghiên cứu văn hóa, ông có thể cho biết nguồn gốc của nghi lễ này?

Tục cúng dâng sao giải hạn tồn tại từ rất lâu trong đời sống dân gian của Việt Nam. Tuy nhiên, nó không xuất phát từ đạo Phật mà chịu ảnh hưởng từ Đạo giáo của Trung Quốc.

Người ta quan niệm, mỗi năm của một người sẽ ứng với một ngôi sao chủ nào đó. Cuộc đời mỗi con người sẽ xoay quanh 9 ngôi sao gồm: Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Kế Đô, La Hầu, Thái Bạch, Thổ Tú, Vân Hán, Thủy Diệu. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, công việc.

Vì thế, nhiều người mới làm lễ cúng dâng sao giải hạn. Thông thường, lễ cúng dâng sao giải hạn được thực hiện tại nhà, hoặc tại các ngôi đình, miếu trong khoảng thời gian từ ngày 10 - 15 tháng Giêng âm lịch. Tuy nhiên, ngày nay lễ cúng dâng sao giải hạn thường được tổ linh đình chức tại các ngôi chùa. Đây là một điều hết sức sai lầm.

Giáo lý nhà Phật không có cúng sao giải hạn. Đức Phật không hề dạy cúng sao giải hạn. Điều này cũng đã được rất nhiều đại diện trong Hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng khẳng định. Đó là nghi lễ được thực hiện bởi các thày pháp. Việc cúng sao giải hạn trong chùa đã làm loạn hết giáo lý Phật pháp.

42 1 Nha Van Hoa Chu Thom Dang Trach La Nguoi Nha Chua Lua Tham Boc Mu Con Mat Moi Nhan Cung Dang Sao Giai Han

  "Việc cúng sao giải hạn trong chùa đã làm loạn hết giáo lý Phật pháp".

- Mặc dù rất nhiều đại diện của Hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, nhà chùa không phải là nơi cúng sao giải hạn, vậy ông lý giải thế nào khi vẫn có rất nhiều người vẫn đồ xô tới các ngôi chùa để cúng?

Tại vì một bộ phận người dân cảm thấy bất an. Họ sợ ra đường thì bị xe tông, đi ăn thì gặp thực phẩm bẩn. Và họ quan niệm, có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Cũng có những người khác làm theo vì tâm lý a dua. Thấy người khác làm thì cũng làm cho bằng được, mặc dù chẳng hiểu ý nghĩa của nghi lễ này. 

Một số người khác thì vì quanh năm làm điều ác, trong tâm họ lúc nào cũng cảm thấy bất an, vì vậy, họ phải tìm cách "mua chuộc" thần thánh, bằng những cái lễ thật to, có khi lên tới hàng trăm triệu để mong thánh thần, ngôi sao xấu chiếu mạng của họ “ăn hối lộ” nhắm mắt làm ngơ, xí xóa hết những lỗi lầm của họ đã và đang gây ra

42 2 Nha Van Hoa Chu Thom Dang Trach La Nguoi Nha Chua Lua Tham Boc Mu Con Mat Moi Nhan Cung Dang Sao Giai Han

Không có chuyện người làm nhiều điều xấu nhưng chỉ cần cúng dâng sao giải hạn là thoát khỏi luật nhân quả.

Nhà văn hóa Chu Thơm

Có người nói với tôi rằng, những kẻ ác lại là những người hay đi chùa nhiều nhất. Họ mua chuộc thần phật bằng việc xây những ngôi chùa cao vời vợi, hay góp công tu bổ những nghĩa trang liệt sĩ.

Tuy nhiên, dù có lễ lộc thế nào thì cuối cùng họ cũng phải "vào lò". Không có chuyện người làm nhiều điều xấu nhưng chỉ cần cúng dâng sao giải hạn là thoát khỏi luật nhân quả.

Nhưng người đáng trách nhất chính là những người nhà chùa đứng ra thực hiện lễ dâng sao giải hạn. Họ biết, việc cúng dâng sao giải hạn này không xuất phát từ đạo lý nhà Phật nhưng họ vẫn làm vì bị "lửa tham bốc lên làm mù con mắt".

Tại một ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội mỗi năm có vài ngàn người tới làm lễ cúng dâng sao giải hạn. Nếu mỗi người chỉ đóng ít nhất 150 nghìn để làm lễ cúng sao thì một vụ cúng sao họ có thể thu được số tiền vài tỷ đồng, chẳng công việc nào có thể dễ dàng kiếm ra món tiền lớn như vậy.

Trước đây, tôi từng có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với một người nhà chùa đúng vào dịp người dân thường tổ chức lễ cúng dâng sao giải hạn. Hai chiếc điện thoại của ông liên tục có cuộc gọi. Người người, nhà nhà nhờ ông tới cúng dâng sao giải hạn. Ông còn chạy show nhiều hơn cả ca sĩ vào dịp Tết.

42 3 Nha Van Hoa Chu Thom Dang Trach La Nguoi Nha Chua Lua Tham Boc Mu Con Mat Moi Nhan Cung Dang Sao Giai Han

  Hàng nghìn người tham gia lễ cúng dâng sao giải hạn.

- Theo ông, thay vì đi cúng dâng sao giải hạn, người dân nên làm gì để tránh gặp phải những điều xấu?

Đạo Phật hướng con người ta tới điều thiện. Chúng sinh đến với các ngôi chùa là để tìm cái bản thể của mình, để tu tâm dưỡng tính, để làm điều thiện. 

Đức Phật không nói về việc con người bị các ngôi sao chiếu mạng. Ngày chỉ nói về luật nhân quả: "Muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại”. Gieo nhân nào thì gặt quả đó. Người nào làm điều ác thì phải chịu ác nghiệp. Ngược lại, làm điều tốt thì sẽ được đền đáp.

Người ta đi chùa là để cầu an, chẳng ai cầu lộc, cầu tài và càng không có chuyện vì dăm ba cái lễ mà "hối lộ" được Đức Phật, khiến Ngài xua đi những điều xấu có thể đến với bản thân mỗi người.

Vì vậy, thay vì cúng dâng sao giải hạn, mọi người hãy hướng thiện, sống tốt với những người xung quanh. Như thế, sẽ chẳng có cái hạn nào khiến họ cần phải "giải".

Cảm ơn ông về buổi trò chuyện!

VTC News




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC