Đứng nhìn kẻ thủ ác sát hại cô gái trẻ, người CSGT cho thấy, đến lương tâm anh ta còn không có thì lấy đâu trách nhiệm cho nghề nghiệp mà anh theo đuổi?
Khoảng 10h ngày 1/4, Phạm Văn Nghị (SN 1988 trú tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình) cởi trần chạy đuổi theo một cô gái. Đến đoạn đường Tôn Đức Thắng, phường Đông Thành, TP Ninh Bình (gần chân cầu Non Nước), Nghị quật ngã cô gái rồidùng kéo đâm cô gái trẻkhiến nạn nhân thiệt mạng.
Sau khi gây án, Phạm Văn Nghị dùng kéo tự tử nhưng không chết và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cấp cứu.
Thời điểm Nghị gây án có rất nhiều người dân chứng kiến nhưng không có ai can ngăn hay tìm cách giải cứu nạn nhân, họ chỉ đứng cầm điện thoại quay video, chụp ảnh.
Thậm chí, một người mặc cảnh phục CSGT có mặt tại đây cũng chỉ trơ mắt đứng nhìn rồi lạnh lùng quay ra gọi điện thoại.
Chiến sĩ CSGT đứng chứng kiến cô gái trẻ bị sát hại nhưng không có biện pháp ngăn chặn. (Ảnh chụp màn hình)
Không bàn đến hành động của nam thanh niên, bởi nó đã vượt chuẩn mực những hành động con người được phép làm - hung thủ khi ấy đã là một con thú, tàn bạo và độc ác.
Nhưng điều đáng sợ hơn, là ngay cả những người đang đầy tỉnh táo, thản nhiên quay video, chụp ảnh... cũng tuyệt không có suy nghĩ hay hành động nào để ngăn chặn sự dã man trỗi dậy phía bên kia đường.
Và thứ ám ảnh nhất, ám ảnh đến tột độ, là ngay cách đó một đoạn, tồn tại cái người gọi là lực lượng thực thi pháp luật - người đàn ông mặc cảnh phục mà trong tình huống bình thường, theo tư duy thông thường, là sẽ khiến người ta cảm thấy an tâm.
Lương tâm của con người anh ta còn không có, thì lấy đâu ra trách nhiệm của nghề nghiệp mà anh theo đuổi?
Nhưng ở đây, chẳng bất kì một ai trong số đám đông hiếu kì - bao gồm cả anh cảnh sát, thử tìm cách gì đó cứu lấy cô gái.
Tất cả đứng từ xa nhìn cô gái la hét, kêu cứu trong cơn tuyệt vọng hấp hối. Và cuối cùng, cô gái chết dần đi dưới bàn tay hung ác của người tình và cả sự thỏa hiệp đáng sợ của đám đông chỉ cách mình vài bước chân.
Người ta sợ trách nhiệm, sợ liên lụy rắc rối hay bản chất vô cảm hèn nhát nên không ai có hành động xứng đáng là con người? - Nếu hung thủ là con thú đội lốt người, thì xin lỗi, chính những kẻ đứng xem cái chết đẫm máu kia, cũng không khác gì những kẻ thú tính lấn át cả nhân tính.
Và người đàn ông mặc cảnh phục kia, cũng không một chút xứng đáng đứng trong hàng ngũ chấp pháp - những người bảo vệ và thực thi pháp luật. Lương tâm của con người anh ta còn không có, thì lấy đâu ra trách nhiệm của nghề nghiệp mà anh theo đuổi?
Xã hội hiện tại đang chứng kiến không ít những câu chuyện đau lòng, những vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng như giết người mạn rợ, hiếp dâm, nữ sinh đánh nhau, bác sĩ vòi tiền bệnh nhân ung thư…
Những thực tế đó là hồi chuông đáng báo động về sự suy đồi đạo đức, mà biểu hiện rõ ràng nhất chính là sự vô cảm giữa người với người.
Người ta dễ dàng nhận ra sự vô cảm đang tỷ lệ thuận với sự phát triển của xã hội, giá trị đạo đức đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa cá nhân.
Căn "bệnh vô cảm" - theo cách nói của nhiều chuyên gia - đang lây lan như một loại virus nguy hiểm, bào mòn đi nhân tính của cả xã hội.
Căn bệnh này khiến tâm hồn, trái tim của người ta trở nên lạnh giá, không cảm xúc, sống ích kỷ, lạnh lùng. Họ thờ ơ, làm ngơ trước những điều xấu xa, nỗi bất hạnh và không may của những người sống xung quanh mình.
Nó còn trở nên nguy hiểm hơn khi vẫn đang len lỏi đến tận mọi ngóc ngách, thâm nhập từng gia đình, đặc biệt đối tượng “chúng” hướng tới là những người trẻ tuổi, hiện đại. Để rồi càng ngày chúng ta càng chứng kiến những con người sống bàng quan, vô tình và thơ ơ với tất cả mọi thứ diễn ra xung quanh.
Tâm lý sợ vạ lây, mạnh ai nấy sống, chuyện ai nấy làm khiến họ không khác gì hòn đá, khúc gỗ vì chẳng có con người nào lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can trước cảnh bi than, trước nỗi đau của người khác.
Thỉnh thoảng, người ta vẫn thấy những clip ghi lại cảnh các con vật lao vào giải cứu đồng loại đang gặp nguy hiểm bất chấp rằng chúng cũng nhỏ bé, yếu ớt.
Người ta trầm trồ, khen ngợi loài vật cũng có lương tri như con người.
Vậy vì tại sao vẫn có người không rơi nước mắt, không phẫn nộ khi chứng kiến những tệ nạn xã hội, những điều ác đang xảy ra?
Nữ sinh bị bạn đánh hội đồng, lột đồ ở Hưng Yên.
Người Việt Nam vẫn có những câu nói trở thành đạo lý, lẽ sống như "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ" hay "thương người như thể thương thân".
Chính tình thương, lòng cảm thông là cái quý giá của người Việt, truyền thống tốt đẹp này luôn được các thế hệ giữ gìn và phát huy. Thế nhưng sự vô cảm đang dần làm mất đi những phẩm chất ấy, không khác gì biến dòng máu đỏ, nóng hổi trở nên trắng xóa, lạnh lẽo.
Đã là con người, thì dù ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể dùng chính trái tim mình để sưởi ấm những trái tim khác đang đầy những vết thương.
Vì vậy, dù bất kể lý do nào được đưa ra, việc một cảnh sát giao thông, người mang niềm tin từ dân gửi gắm, người có trách nhiệm bảo vệ dân lại chỉ vô cảm đứng nhìn tên ác thú giết hại cô gái, lại tỉnh rụi giải thích do khuyên ngăn không được nên lùi ra ngoài gọi điện cho 113, là không thể nào chấp nhận được cả về lương tri lẫn trách nhiệm.
Người này, không xứng đáng đứng trong hàng ngũ lực lượng chấp pháp, càng không thể nào là người xứng đáng với niềm tin của dân.
Người này, phải đứng ra ngoài hàng ngũ rồi tự suy ngẫm, tự tìm lại lương tri của chính mình.
NHẬT LINH - VTC