Nhiều người Việt thấy vui khi biết nhiều doanh nghiệp Thái đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, điều này nghe như kinh tế Việt Nam sắp vượt qua Thái Lan vậy. Sự thật ở đây là gì?

42 1 Thai Lan Dau Tu Vao Viet Nam Thi Co Gi Tu Hao

Bia Sài Gòn nay về tay người Thái Lan

Đầu tư ra nước ngoài làm gì?

Thu hút đầu tư của nước ngoài là tốt, nhưng không có nghĩa là lấy được tiền của họ. Doanh nghiệp nước ngoài sẽ không đến Việt Nam nếu không thu được lợi nhuận khổng lồ.

Tại sao họ phải lặn lội đi hàng bao nhiêu cây số để đến một nơi xa lạ? Đó là vì ở đất nước xa lạ đó có những lợi thế mà đất nước họ không có: Đó là giá thuê đất rẻ và quan trọng nhất là giá nhân công rẻ. Ngoài ra còn một điều quan trọng nữa: Ở đất nước đó có nhiều khoảng trống để hoạt động.

Thử vào siêu thị, ngó vào nơi để thực phẩm chế biến sẵn chẳng hạn, sẽ thấy: Sản phẩm của Việt Nam rất ít. Ví dụ pho mát, Việt Nam chỉ có duy nhất một sản phẩm, còn lại đều của nước ngoài. Xúc xích, thịt nguội - những mặt hàng tiện lợi cho cuộc sống hiện đại: hầu như cũng chỉ có một, hai doanh nghiệp của Việt Nam.

Tầm quan trọng của sự đa dạng và tự sản xuất hàng hóa

42 2 Thai Lan Dau Tu Vao Viet Nam Thi Co Gi Tu Hao

Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã làm chủ một loạt tập đoàn kinh doanh ở Thái Lan

Sự đa dạng của sản phẩm cực kỳ quan trọng. Người Việt nghĩ rằng cùng một mặt hàng mà có nhiều nhà sản xuất thì thị phần sẽ bị bé đi, điều đó không đúng.

Ví dụ một người bận rộn, lại thích ăn xúc xích, ngày nào cũng có thể ăn được nếu có nhiều loại thay đổi, nhưng siêu thị chỉ có một loại nên ăn mãi cũng chán rồi nên phải chuyển sang món khác. Hay như nước hoa: Có nhiều loại nước hoa khiến cho người ta có thể mua nhiều loại của các hãng khác nhau thay vì ngày nào cũng dùng một mùi.

Người Việt khi đi nước ngoài đều hoa mắt trước sự đa dạng của các loại hàng hóa, các doanh nghiệp ở nước họ chắc chắn sẽ không nghèo hơn doanh nghiệp Việt Nam dù phải cạnh tranh khốc liệt. Hàng hóa càng đa dạng thì cuộc sống của người dân càng tốt.

Một ví dụ tiêu biểu và thời sự về tầm quan trọng của đa dạng hàng hóa là Venezuela. Nước này quen bán dầu để mua gần như mọi thứ hàng hóa từ nước ngoài, đến khi giá dầu hạ thì không còn ngoại tệ nữa dẫn đến việc người dân nước này không còn cả giấy vệ sinh để mua.

Phân phát hàng hóa (nhập ngoại) để cho giống Xã hội Chủ nghĩa đã khiến cho người Venezuela thấy chẳng việc gì phải lập doanh nghiệp sản xuất, cộng thêm việc quốc hữu hóa các ngành quan trọng đã giết chết các doanh nghiệp nước này. Đó là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng của một trong những nước từng rất giàu có trước đây.

Như vậy, Venezuela còn là bài học về tầm quan trọng của tự sản xuất. Tự sản xuất ra được tốt hơn là phải nhập ngoại. Tự sản xuất giảm thiểu khả năng khủng hoảng kinh tế. Ví dụ, bánh mì là loại thực phẩm phổ biến ở Việt Nam, việc chúng ta được ăn bánh mì hàng ngày chỉ với vài ba ngàn một chiếc là một việc hiển nhiên. Nhưng sẽ không còn là hiển nhiên nữa nếu biết rằng Việt Nam phải nhập toàn bộ lúa mì, có nghĩa là nếu vì một lý do nào đó như hết ngoại tệ, bị cấm vận hay tai nạn trong khâu vận chuyển chẳng hạn, thì có bỏ ra vài triệu cũng không có nổi một chiếc bánh mì để ăn.

Doanh nghiệp trong nước tự sản xuất ra giấy vệ sinh tốt hơn phải nhập, nhưng việc có nhiều doanh nghiệp cùng sản xuất giấy vệ sinh cũng quan trọng chẳng kém: Nếu chẳng may có một cơ sở sản xuất phải tạm dừng hoạt động vì cháy nổ chẳng hạn, cả nước vẫn sẽ không thiếu giấy vệ sinh vì còn nhiều doanh nghiệp khác cung cấp.

Nhắc đến tầm quan trọng của đa dạng và tự sản xuất hàng hóa để thấy Việt Nam đang rất yếu trong hai việc này, đó là mảnh đất béo bở để doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào chiếm lĩnh thị phần.

Ai tự hào hơn: Người đầu tư hay người nhận đầu tư?

42 3 Thai Lan Dau Tu Vao Viet Nam Thi Co Gi Tu Hao

Việc bán cổ phần Sabeco trị giá lớn được truyền thông trong và ngoài nước quan tâm

Đầu tư ra nước ngoài vô cùng khó. Chính vì thế chúng ta mới chỉ thấy doanh nghiệp nước ngoài đầu tư đến Việt Nam chứ có mấy khi doanh nghiệp Việt đầu tư được ở nước ngoài? May ra nhớ được một, hai cái tên như: Hoàng Anh Gia Lai đầu tư sang Lào, Myanmar; Viettel sang Lào, Campuchia, Châu Phi. Chưa bàn đến chuyện lỗ lãi, các nước này ở thời điểm đó đều kém phát triển hơn Việt Nam, và đó là cái cớ để người Việt tự hào khi có doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Nếu thời gian tới Lào, Campuchia cũng ồ ạt đầu tư ở Việt Nam, chắc chắn đó không phải là tín hiệu đáng mừng.

Tương tự như vậy là câu chuyện với Thái Lan: Không ít người Việt hiện nay hàng năm cố gắng sang Thái để mua sắm từ một đến hai lần. Có người Thái nào lại sang Việt Nam để mua sắm? Chỉ riêng chuyện đó cũng thấy Việt Nam chưa thể là nơi đáng sống hơn Thái Lan được. Dù được coi là ổn định chính trị hơn, Việt Nam cũng chỉ đón lượng khách du lịch quốc tế bằng một phần ba Thái Lan.

Vì thế, dù việc Thái Lan đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam có thể coi là một việc tốt, đôi bên cùng có lợi, nhưng từ đó mà nghĩ rằng Việt Nam có môi trường tốt hơn Thái Lan, nền kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng hơn Thái Lan thì hoàn toàn sai lầm!

Nguồn: Tang Nguyên/BBC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC