Và cũng như nhiều lần học sinh bị hành hạ, bị chà đạp từng xảy ra, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã lại chưa lên tiếng đủ kịp thời, đủ sòng phẳng,… về trách nhiệm của chính ông và của cả ngành giáo dục.
Thậm chí, sự im lặng ấy còn cho thấy sự thiếu hụt cả trắc ẩn.
Học sinh bị bắt nạt cô độc ngay trong trường học, tại gia đình và ngoài xã hội - Ảnh minh họa.
1. Từ 22/3, một nhóm 5 nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên đã xông vào đánh hội đồng, lột quần áo một bạn học tội nghiệp.
Câu chuyện tàn nhẫn, bệnh hoạn trên đã không thể được "ém" đi như ai đó muốn, khi 7 ngày sau, tối 29/3, TTXVN đã đăng clip ghi cảnh một nhóm nữ sinh hành xử như thú vật với bạn mình.
Trong clip được đăng tải, nữ sinh lớp 9A đã bị một nhóm bạn lột hết quần áo, đạp nhiều lần vào đầu, vào người ngay tại lớp học, dưới sự chứng kiến của các bạn học khác, gồm có người quay clip. Đã không ai can ngăn, giúp đỡ hay kêu gọi sự giúp đỡ (hay có em đã từng kêu gọi, nhưng vô vọng). Nạn nhân tội nghiệp chỉ biết ôm người che lấy cơ thể, phản kháng bằng những tiếng khóc sợ hãi, đơn độc.
Lãnh đạo Trường THCS Phù Ủng sau đó đã xác nhận có sự việc xảy ra, rằng nữ sinh bị nhóm bạn gái cùng lớp đánh hội đồng là em Nguyễn Thị H.Y, lớp 9A. Hiện nhà trường đã tạm đình chỉ học 5 học sinh đánh bạn, giao cho giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu cụ thể.
Xót đau hơn, theo TTXVN, các học sinh chứng kiến cho biết đây không phải lần đầu nạn nhân bị bắt nạt, mà đã xảy ra rất nhiều lần. Sau khi sự việc xảy ra, giáo viên chủ nhiệm yêu cầu học sinh trong lớp xóa ngay các clip đã quay và không được phát tán thông tin ra ngoài…
Giáo viên chủ nhiệm - người được Hiệu trưởng Nhữ Mạnh Phong giao tìm hiểu sự việc lại là người đã bắt học sinh xóa các clip, căn cấm các em lên tiếng.
Nhà quản lý giáo dục, phụ huynh thiếu quan tâm tới trẻ bị bắt nạt - Ảnh minh họa.
2. Phòng GD&ĐT huyện Ân Thi đã không tự nắm bắt sự việc, cho đến khi người giám hộ của H.Y làm đơn trình báo.
Và theo ông Trương Văn Ty, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ân Thi, đến khi phòng nhận đơn của anh Nguyễn Văn Doanh (chú của em H.Y) vào 27/3, liên hệ với nhà trường thì mới nhận được báo cáo.
Trước khi clip gây phẫn nộ trong dư luận, vào 23/3, Hiệu trưởng Nguyễn Minh Phong đã mời phụ huynh của 5 em học sinh có hành vi đánh đập, làm nhục bạn và em gia đình em H.Y đến làm việc. Tại buổi gặp này, đại diện gia đình 5 em học sinh có xin lỗi, hứa khắc phục (các cháu lớp 9 sắp tốt nghiệp nên muốn cho các cháu cơ hội). Tuy nhiên sau đó, cả 5 học sinh trên đã bị tạm đình chỉ học.
Trong đơn phản ánh gửi đến Phòng GD&ĐT huyện Ân Thi, chú ruột của H.Y đã nêu bức xúc, rằng sau khi phát hiện cháu bị bạn đánh, gia đình đã báo nhà trường và Ban giám hiệu hứa sẽ xử lý vào ngày thứ hai đầu tuần vừa rồi, nhưng đã qua 4 ngày, vụ việc vẫn không được giải quyết.
Tới nay, Phòng GD&ĐT huyện Ân Thi cho biết giáo viên chủ nhiệm lớp của em H.Y sẽ bị điều chuyển; Hiệu trưởng Nhữ Mạnh Phong sẽ tạm thời bị đình chỉ công tác 15 ngày, tính từ ngày 1/4/2019.
Một người dạy học thiếu kỹ năng, thiếu yêu thương và trách nhiệm đơn giản sẽ được "điều chuyển" - một cách đưa nguy cơ từ nơi này tới nơi khác, từ học sinh này qua học sinh khác.
Còn Hiệu trưởng Nguyễn Minh Phong, ông biết rõ H.Y "là một học sinh hiền lành, nhút nhát, có phần chậm chạp và hay bị các bạn trêu chọc", nhưng lại chưa có một giải pháp quyết liệt nào để hóa giải, tỏ rõ sự quan tâm, bảo bọc đến cùng cô học trò tội nghiệp. Cho tới khi H.Y phải nhập viện tâm thần ở lần gần nhất bị hành hạ.
Hình phạt nghiêm khắc nào đó, không phải là khiển trách, cảnh cáo qua loa với ông Phong sau những tổn thương không thể bù đắp của học trò sẽ là câu trả lời cho lương tâm ngành giáo dục.
Bạo lực học đường có thể do chính người giảng dạy, hoặc có lỗi của họ - Ảnh minh họa.
3. Sau khi Phòng, Sở GD&ĐT địa phương có động thái, Bộ GD&ĐT cũng lên tiếng như một quy trình.
Cụ thể, Bộ đã "vừa chỉ đạo kiểm tra xác minh, làm rõ trách nhiệm liên quan; báo cáo Bộ trước ngày 2/4/2019" - nhẹ nhàng như một vụ lộ đề thi chứ không phải là chuyện học trò bị hành hạ, bôi bẩn phẩm giá.
Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết, ngay khi nhận được thông tin, đơn vị này đã liên hệ với Sở GD&ĐT Hưng Yên yêu cầu kiểm tra làm rõ vụ việc và báo cáo về Bộ.
Thêm nữa, Bộ GD&ĐT chỉ đạo làm rõ trách nhiệm liên quan, tổ chức thăm hỏi, động viên ổn định tinh thần của học sinh cũng như phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan hỗ trợ nạn nhân và với công an để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định,…
Bên cạnh đó là một số yêu cầu quán triệt, nâng cao hiệu quả hoạt động Đoàn, Đội, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng "trường học an toàn", "phòng chống bạo lực học đường",…
Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên đã làm đúng, đủ chức phận của mình hay chưa, cần phải có thời gian, cứ liệu minh định.
Nhưng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ở đâu?
Tại tọa đàm "Phát triển nguồn nhân lực ICT" được tổ chức tại Hà Nội ngày 30/3, Bộ Trưởng Nhạ đang yêu cầu "các trường đừng biến sinh viên thành... robot", mà quên rằng có quá nhiều "robot" vô cảm trong hệ thống giáo dục.
Những năm gần đây, bên cạnh chuyện học hàm, học vị, bằng cấp "giả", dâm ô, xâm hại tình dục học trò diễn ra đau xót, thì việc giáo viên để trẻ đánh bạn, việc học sinh đạp, đá, tát, túm tóc bạn mình giữa tiếng hò reo,… đã như một khối u ác tính đang di căn trên cơ thể ngành giáo dục, từ mầm non tới trung học, đại học.
Với đó, không phải là một nền giáo dục nhân văn, khai phóng, mà là sự giễu cợt với những khẩu hiệu "lấy người học làm trung tâm" cứ ra rả những năm qua.
Nhân văn, khai phóng, phải bắt đầu từ việc tư lệnh ngành không được phép im lặng khi học trò mình bị chà đạp, bôi bẩn phẩm giá.
Kiên Giang
Báo điện tử Công Luận - congluan.vn