Tiền nhiều để làm gì? Câu hỏi của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên tòa ly hôn với vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo quả thật vừa gây sóng gió cộng đồng, vừa rất đáng để suy ngẫm.

42 1 Tien Nhieu De Lam Gi

Ít nhất, khối tài sản hai vợ chồng ông Vũ bà Thảo đang tranh chấp cũng đã hơn 10.000 tỉ đồng. Vậy thì, tiền nhiều để làm gì khi hai người lôi nhau ra trước tòa để tố nhau, cật vấn nhau và tranh giành chia chác nhau?

Trong khi rất nhiều người chỉ trích một xã hội điên đảo bởi đồng tiền, thì tất cả dường như đang lao vào cuộc kiếm tiền, mọi lúc, mọi nơi, từ cổ chí kim… vì ai cũng cần tiền.

Bao nhiêu người khuyên: Tiền bạc không thể mua được hạnh phúc.

Rồi cũng bấy nhiêu người tấm tắc: Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền.

Hai cái ý đó chẳng biết đúng sai đâu mà lần, vì cái nào cũng có lý, được đúc kết.

Nhưng tiền nhiều để làm gì? Câu hỏi này phải hỏi những người hiểu đời mới mong lý giải được.

Khi về hưu, cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ có một bài viết tựa đề Hiểu đời, là một tâm sự tuổi già, nói về sức khỏe, về tiền bạc, về cuộc sống…

Dưới đây là đoạn trích về tiền trong bài viết của ông:

"Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi.

Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn.

Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ!

Người khôn biết kiếm tiền biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó.

‘Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú’. Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ đi, hãy chia tay với "ông sư khổ hạnh", hãy làm "con chim bay lượn".

Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già.

Tiền bạc là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình.

  • Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn.
  • Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một chút hỏi vài câu là thấy đủ rồi.
  • Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ.
  • Nhà cha mẹ là nhà con; nhà con không phải là nhà cha mẹ.

 

Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp.

Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.

Ốm đau trông cậy ai? Trông cậy con ư?

Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu (cửu bệnh sàng tiền vô hiếu tử).

Trông vào bạn đời ư? Người ta lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi.

Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy…"

Có rất nhiều đúc kết đáng suy ngẫm của ông Chu Dung Cơ "Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua?".

Vậy nếu dùng tiền mà mua được hạnh phúc thì hà cớ gì lại không bỏ tiền ra để mua hạnh phúc?

Có một cô đào đã nổi tiếng với câu nói:

Tôi thà khóc trong một chiếc Rolls Royce còn hơn cười trên một chiếc xe đạp.

Câu nói, dĩ nhiên gây tranh cãi về khía cạnh đạo đức, nhưng đấy là một thực tế từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, khó có thể phủ nhận.

Đồng tiền quả thật có hai mặt trái và phải. Có những người dùng tiền để biến trắng thành đen, có những người dùng tiền để giúp đỡ xã hội, "để lại cho đời một chút gì đó".

  • Theo bạn, có tiền nhiều để làm gì?
  • Tiền mua được gì?
  • Tiền có gắn kết được tình yêu không?
  • Khi nào tiền vô nghĩa?
  • Ly hôn yêu cầu chia tiền có gì xấu?

 

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC