Chỉ bằng ba câu nói ngắn gọn, trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm góp phần quyết định vận mệnh của bốn triều đại phong kiến khác nhau trong sử Việt.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhân tài của nước ta thời phong kiến. Tài năng của ông khiến các thế lực khi đó phải nể phục. Nhiều người tìm đến ông để xin lời khuyên về thế sự.
Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhiều đóng góp cho dân tộc trên nhiều lĩnh vực chính trị, văn hóa, giáo dục... Trong đó, ba câu nói nổi tiếng nhất của ông đã góp phần quyết định vận mệnh của bốn vương triều phong kiến lúc bấy giờ, gồm nhà Hậu Lê, nhà Mạc, chúa Trịnh và chúa Nguyễn.
Tượng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Tư liệu.
Hiến nhiều sách lược quan trọng
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), vốn người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng).
Với tài năng hơn người, đương thời, Trạng Trình hiến kế cho các triều đại phong kiến nhiều sách lược chuẩn xác.
Lúc triều nhà Mạc suy vong sau nhiều năm nội chiến với quân Trịnh, thế cùng, vua Mạc sai người đến hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Ông đã nói rằng: "Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thể", nghĩa là “Cao Bằng tuy nhỏ, có thể giữ được”. Nhà Mạc nghe theo lời ông, dời đô về đất Cao Bằng, truyền được thêm hơn 80 năm nữa.
Năm 1545, Nguyễn Hoàng khi đó thấy anh trai là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm hại chết, nên lo lắng cho tính mạng của mình, liền sai người đến xin ý kiến Trạng Trình.
Trạng Trình dắt sứ giả của Nguyễn Hoàng ra hòn non bộ, chỉ vào đàn kiến đang bò và bảo: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân", nghĩa là một dải Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời.
Hiểu được ngầm ý ấy, Nguyễn Hoàng bèn nhờ chị gái xin anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa (từ đèo Ngang trở vào). Nhờ đó, Nguyễn Hoàng không chỉ thoát được họa diệt thân, mà còn tạo dựng nên được nền móng cho cơ đồ hàng trăm năm của nhà Nguyễn ở Đàng Trong.
Bấy giờ, tại Thăng Long, chúa Trịnh sau khi nắm hết quyền bính trong tay, đánh dẹp các thế lực đối kháng, cũng ra sức ức hiếp vua Lê, muốn ngồi lên ngôi báu. Tuy nhiên, chúa sợ lòng dân không theo sẽ dẫn tới diệt vong như nhà Mạc nên cho người hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Trạng Trình lẳng lặng dẫn sứ giả ra thăm chùa và nói với nhà sư “giữ chùa thờ Phật thì ăn oản”, ngụ ý khuyên chúa Trịnh cứ tôn phò nhà Lê thì quyền hành sẽ giữ được, nếu tự ý phế lập sẽ dẫn đến binh đao.
Câu nói của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã giúp cơ nghiệp nhà Hậu Lê tiếp tục được giữ vững đến tận năm 1788. Nhà Trịnh dù không chính thức ngồi lên báu nhưng nắm được thực quyền trong tay, làm chủ Đàng Ngoài tới hơn 300 năm. Nhân dân cũng tránh khỏi những đợt can qua "nồi da nấu thịt", chiến tranh chia lìa.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh thời là thầy dạy của những danh nhân nổi tiếng như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Trương Thời Cử, Đinh Thời Trung, Nguyễn Văn Chính…
Ngoài tài năng trải đều trên các lĩnh vực, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là nhà tiên tri số một của dân tộc ta, những dự đoán của ông được thể hiện trong sách Sấm Trạng Trình. Ông được xem là người đầu tiên nhắc tới quốc hiệu Việt Nam trong tác phẩm của mình.
Bậc kỳ tài hiển danh muôn thuở
Cũng theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Nguyễn Bỉnh Khiêm thông minh từ nhỏ. Nghe tiếng bảng nhãn Lương Đắc Bằng nổi danh trong giới sĩ phu đương thời, gia đình Nguyễn Bỉnh Khiêm cất công đưa ông tìm đến bái sư học đạo.
Thấy học trò tư chất hơn người, thầy Lương Đắc Bằng đã truyền cho Nguyễn Bỉnh Khiêm những bí quyết về Thái Ất thần kinh - cuốn sách rất quý về lý số mà Lương bảng nhãn đã sưu tầm được trong chuyến đi sứ.
Dù học vấn uyên thâm, sinh phải thời đại nhiều biến cố, các thế lực phong kiến tranh quyền đoạt vị liên miên, Nguyễn Bỉnh Khiêm không tham gia khoa cử. Đến năm 1535, khi thấy nhà Mạc bước vào thời kỳ thịnh trị nhất dưới thời vua Thái Tông, ông mới đi thi và đỗ trạng nguyên. Lúc này, Nguyễn Bỉnh Khiêm 44 tuổi.
Ông làm quan cho nhà Mạc, được tin dùng, Nguyễn Bỉnh Khiêm từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều như Tả thị lang bộ Hình, Tả thị lang bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ. Cái chết đột ngột của Mạc Thái Tông (1541) đã kết thúc thời kỳ thịnh trị của triều đại này sau đó không lâu.
Khu di tích đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Hải Phòng. Ảnh: Báo Công thương.
Sau khi Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung qua đời, triều Mạc suy yếu nghiêm trọng dưới thời vua Mạc Phúc Hải. Chứng kiến gian thần lộng hành, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ đòi vua hạch tội 18 tên lộng thần. Bản tấu trình không được để ý, ông lập tức từ quan về quê làm nghề dạy học với hiệu Bạch Vân cư sĩ.
Dù sau này vua Mạc Hiến Tông phong cho ông tước Trình Tuyền hầu, thăng chức Thượng thư bộ Lại, rồi Thái phó, tước Trình Quốc công, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn nhất quyết không trở lại quan trường. Ông chỉ nhận lời về triều những khi luận bàn việc trọng đại hoặc theo xa giá nhà vua khi cần thiết.
Năm 1585, Nguyễn Bỉnh Khiêm tạ thế khi 95 tuổi. Vua Mạc Mậu Hợp cử nhiều đại thần cùng văn võ, bá quan về dự tang lễ, lại sai cấp hàng trăm mẫu ruộng, ba nghìn quan tiền lập đền thờ ông tại quê nhà.
Đánh giá về tài năng, đức độ của Trạng Trình, các danh nhân về sau đều dành cho ông sự kính trọng rất lớn. La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp thời Tây Sơn cho rằng “Trạng Trình đã nắm được huyền cơ của tạo hóa".
Danh sĩ Phạm Đình Hổ thời Nguyễn nhận định: "Lý học như Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phùng Khắc Khoan đều là tinh anh của non sông đúc lại”.
Sử gia Phan Huy Chú xem Nguyễn Bỉnh Khiêm là "một bậc kỳ tài, hiển danh muôn thuở”.
Nguồn: ZING.VN