Bé trai sơ sinh này đã từng bị chôn dưới đất ở thôn Phò Trì, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, may mà được phát hiện và cứu sống
Cứ khó khăn là... đem ra đường bỏ?
Mới đây, dư luận râm ran vụ việc một em bé bị bỏ rơi ngoài ghế đá trong một sáng mưa gió tại Cà Mau. Sau khi em bé được cứu, một nữ chủ tịch phường đã làm thủ tục nhận nuôi đứa trẻ này. Hai tháng sau, gia đình của đứa trẻ bị bỏ rơi bỗng dưng xuất hiện, mong muốn nhận lại con.
Không có chứng cứ xác thực, bị mẹ nuôi đứa trẻ từ chối, gia đình này một mặt thường xuyên đến nhà để năn nỉ, thậm chí quỳ trước nhà để gây sức ép, đi khiếu nại với chính quyền, mặt khác những người tự xưng là người nhà lên mạng xã hội để đăng tải câu chuyện, mong cộng đồng mạng lấy lại “công bằng” cho mình. Được biết, nguyên nhân của vụ việc từ mâu thuẫn vợ chồng do ghen tuông, chồng đuổi vợ khỏi nhà lúc mới sinh xong, người vợ đã nhờ anh trai đi bỏ con mình ngoài đường.
Những vụ việc sinh con rồi vứt bỏ con trẻ không phải hiếm trong thời gian gần đây.
Nhiều cha mẹ còn có “chút lương tâm” thì chọn nơi làng trẻ, hiên nhà có mái che hay nơi đông người qua lại để trẻ dễ tìm thấy. Nhưng có những trường hợp, trẻ bị vứt lại trong đống rác, vùi ở bụi cây, hay bị vứt bỏ ven đường vào đêm tối, thời tiết khắc nghiệt. Kết quả là nhiều trẻ trong số đó bị tử vong, có em cứu được với chi chít vết thương do côn trùng, thú hoang cắn hay suy nhược cơ thể trầm trọng.
Có những em phải mang thương tật suốt đời, như mất đi đôi mắt, mất đi một phần cơ thể hay gánh chịu những di chứng nặng nề khác, như trường hợp bé Thiện Nhân ở Quảng Nam, khi được phát hiện đã mất đi một chân và một phần bộ phận sinh dục.
Nguyên nhân của những vụ vứt bỏ con thì vô cùng, có người vì mâu thuẫn gia đình, có người thì do hoàn cảnh khốn khó không đủ ăn, hoặc cũng có những thanh niên trẻ lầm lạc không dám chịu hậu quả sau hành động của mình... Có những trường hợp, bỏ con dễ dàng, để rồi sau khi đứa trẻ đã qua nguy hiểm, yên ổn thì quay về... xin lại.
Một trường hợp ở Thanh Hóa, người mẹ vùi con ở bụi cây trong rừng, may mắn có người dân gần đó nhặt được đứa trẻ khi đã bắt đầu bị giòi đục thân, chỉ cần muộn một chút nữa là tử vong. Sau đó, trước sức ép của dư luận, cặp cha mẹ đến nhận lại con, bày tỏ hối hận, tranh chấp với người nhận nuôi đứa trẻ, rồi... huề cả làng, vì “dù gì cũng là cha mẹ ruột”.
Một vài trường hợp khác, trẻ bị bỏ rơi hết sức đáng thương, đem vào chùa, vào cơ sở tình thương nuôi dưỡng, được cộng đồng ủng hộ nhiều tiền bạc, rồi không biết bỗng dưng cha mẹ hay người thân trẻ từ đâu xuất hiện để nhận lại con và... nhận luôn phần từ thiện của nhà hảo tâm, với lời biện bạch là do hoàn cảnh quá khó khăn (!).
Đừng nhân danh tình mẫu tử
Không ít trường hợp bỏ con hết sức nhẫn tâm, sau đó quay lại nhận con một cách khá dễ dàng nhờ sự rộng lòng của công chúng. Từ đó dẫn đến sự dễ dãi trong tiếp nhận hành vi sai trái, cũng như gây ra nhiều tranh chấp về vấn đề con nuôi, con đẻ. Có cả trường hợp người mẹ bỏ con sơ sinh rồi đi mất, người bố đi nhận đem con về nuôi, đến 5 tuổi người mẹ quay về giành quyền nuôi con và được xử thắng kiện.
Trong khi đó, tại nhiều nước phát triển, kể cả những nước trong khu vực, tình huống cha mẹ bỏ rơi con cái bị xử phạt rất nặng, ngay cả vô ý vẫn có thể bị phạt tù, bị tước quyền nuôi con như trường hợp cặp vợ chồng tại Mỹ bỏ quên con trong công viên rồi trở về nhà, cả chục tiếng sau mới nhớ ra, hay vụ việc tại Singapore, ông bố để con sơ sinh sau xe ô tô rồi vào trung tâm thương mại mua sắm, bị người đi đường báo cảnh sát...
Luật pháp Việt Nam cũng có quy định, về xử phạt hành chính đối với các hành vi bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh hoặc cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì người mẹ bỏ con mới đẻ của mình sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt từ phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nếu để trẻ bị tử vong có thể phạm vào tội giết người.
Thực tế, việc cho trẻ đoàn tụ với cha mẹ và sống trong sự chăm sóc của cha mẹ ruột là quyết định mang tính nhân đạo. Tuy nhiên, việc nhân nhượng, cảm thông quá mức cho các trường hợp như thế sẽ không thể đảm bảo tính răn đe, khiến nhiều người coi việc vứt bỏ con là một quyết định không quá khó khăn và không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Như lời khai mới đây của một người mẹ sau khi bỏ con hai tháng ngoài đường rồi đi nhận lại:
“Chỉ nghĩ là tạm đem con bỏ cho nhà giàu nào nhận nuôi, hết khó khăn rồi lại xin đem về, chứ mẹ ai nỡ bỏ luôn con mình”.
Ngọc Mai
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam